Thực tế, cạnh tranh lãi suất cho vay luôn là giải pháp hữu hiệu để các ngân hàng thu hút khách hàng vay vốn, dù lãi suất tiền gửi vẫn có xu hướng tăng và nhu cầu tín dụng thường tăng lên vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, đây là quyết định không dễ dàng vì biên lợi nhuận sẽ giảm, trong khi nhiều ngân hàng đang phải tăng huy động vốn kỳ hạn dài để cân đối lại nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu cao hơn về thanh khoản.
Mức giảm lãi suất vay từ 1 - 1,5%/năm
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ cuối quý III/2016, với mức giảm khoảng 1%/năm tùy từng đối tượng khách hàng.
Theo ông Toàn, để cạnh tranh trong việc mở rộng cũng như giữ thị phần tín dụng thì các ngân hàng khó có thể áp dụng mức lãi suất cao mà phải phù hợp với mặt bằng chung của thị trường.
Chi phí đầu vào khó có thể giảm trong bối cảnh hiện nay, song ngân hàng cũng phải tính toán để lãi suất đầu ra phù hợp mới có thể tăng trưởng được dư nợ tín dụng. Tại ACB, trong 3 quý đầu năm, tín dụng tăng trưởng khá tốt, mục tiêu đề ra cho cả năm ở mức 18 - 20% nhiều khả năng sẽ đạt được.
Mới đây, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất vay từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân với các khoản vay có thời hạn trên 12 tháng và tặng ngay 2 triệu đồng vào tài khoản cho 150 khách hàng giải ngân sớm. Lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ được tính bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,99%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng bắt đầu giảm lãi suất cho vay, mức giảm từ 1 - 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển nhà TP. HCM (HDBank) đồng loạt giảm lãi suất đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, với đối tượng khách hàng cá nhân vay mới, HDBank giảm lãi suất cho vay tối đa xuống 10,5%/năm từ mức 11,5%/năm trước đó.
Với đối tượng khách hàng doanh nghiệp, HDBank triển khai gói tín dụng hạn mức 18.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn cố định trong năm đầu tiên từ 9,69%/năm, nhằm giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn lưu động cũng như phục vụ các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh.
Để khơi thông dòng chảy tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp dịp cuối năm, HDBank vừa nâng hạn mức của gói tín dụng trên thêm 1.000 tỷ đồng và kéo dài thời gian cho vay đến 31/12/2016.
Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank cho hay, HDBank sẽ là ngân hàng nhận ủy thác từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị, nâng khả năng cạnh tranh. Lãi suất cho vay là 7%/năm, cố định suốt thời gian vay, miễn phí trả nợ trước hạn.
Trước đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được ngân hàng này điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm, giảm 1%/năm.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giảm lãi suất cho vay với mức 1 - 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thực tế, để các ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 04/2016/CT-NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn cho hợp lý, tiết kiệm chi phí... Do đó, hiện không chỉ có các nhà băng lớn giảm lãi suất cho vay mà các nhà băng nhỏ hoặc ngân hàng đang có khó khăn cũng thực hiện giảm lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng. Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)… là những trường hợp điển hình khi tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất dịp cuối năm.
Cụ thể, Eximbank vừa triển khai gói 4.000 tỷ đồng dành cho cá nhân vay với lãi suất từ 6,5%/năm. DongA Bank triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho các cá nhân và doanh nghiệp vay với lãi suất 6,5%/năm.
Áp lực lãi suất huy động tại các ngân hàng nhỏ
Sau các động thái giảm lãi suất cho vay, xu thế giảm lãi suất huy động cũng đã bắt đầu xuất hiện ở khối các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, các nhà băng nhỏ vẫn chiều hướng tăng lãi suất huy động vốn.
Về lý thuyết, khi lãi suất huy động hạ thì lãi suất cho vay cũng sẽ hạ, nhưng theo đánh giá chung của các chuyên gia tài chính, các ngân hàng lớn có thanh khoản rất tốt, trong khi đa số ngân hàng nhỏ vẫn đang thiếu vốn nên khó giảm lãi suất huy động so với các ngân hàng lớn.
"Bản thân chúng tôi là những người làm trong ngành tài chính cũng không chắc sẽ dự báo được diễn biến lãi suất huy động trong nửa đầu năm 2017, nhưng với xu hướng hiện nay, lãi suất huy động khó có khả năng giảm trong thời gian tới"
- Tổng giám đốc một ngân hàng.
Mặt khác, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho biết, theo quy định, vào năm 2017, các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 50% nên lãi suất cho vay khó giảm như kỳ vọng của thị trường. Trên thực tế, lãi suất cho vay được các ngân hàng giảm vừa qua chủ yếu tập trung vào kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Điều này cho thấy, các ngân hàng đánh giá xu hướng lãi suất sắp tới vẫn chịu áp lực tăng, hoặc phản ánh nhu cầu vốn trung và dài hạn của các ngân hàng đang cao hơn trong thời điểm hiện nay.
Một số ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Hiện Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đang áp dụng lãi suất huy động cao nhất 8,3%/năm cho kỳ hạn 15 tháng (dành cho khách hàng từ 39 tuổi trở lên); Ngân hàng Việt Á (VietA Bank) có mức lãi suất huy động cao nhất 7,7%/năm cho kỳ hạn 15 - 36 tháng; Ngân hàng Quốc dân (NCB) có mức lãi suất huy động cao nhất 7,8%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có quy mô vốn lớn hơn cũng đã tăng nhẹ lãi suất đầu vào trong thời gian qua.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, khó có thể đưa ra nhận định xu hướng lãi suất đầu vào sẽ giảm trong thời gian tới. Ngược lại, áp lực chi phí đầu vào vẫn tăng là điều khó tránh khỏi.
“Bản thân chúng tôi là những người làm trong ngành tài chính cũng không chắc sẽ dự báo được diễn biến lãi suất huy động trong nửa đầu năm 2017, nhưng với xu hướng hiện nay, lãi suất huy động khó có khả năng giảm trong thời gian tới”, vị tổng giám đốc trên nói.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đánh giá, mặt bằng lãi suất và tỷ giá của Việt Nam trong 3 quý qua tương đối ổn định. Đây được xem là thành công lớn trong công tác điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD vào cuối năm nay thì lãi suất và tỷ giá trên thị trường Việt Nam sẽ khó tránh khỏi bị tác động.
Liên quan đến lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành thị trường tiền tệ theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý, cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này để các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn về thanh khoản dễ dàng tiếp cận trên thị trường liên ngân hàng, không quay ra cạnh tranh lãi suất huy động từ thị trường I (huy động từ dân cư). T
uy nhiên, trong thời gian qua, do một số ngân hàng có tỷ lệ vốn cho vay trên huy động hơi cao, hoặc tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lớn nên cần tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cân đối lại nguồn. Đặc biệt, với các quy định mới tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) cũng như định hướng của Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có thanh khoản lành mạnh hơn. Vì thế, nhiều ngân hàng đang phải tăng huy động vốn kỳ hạn dài để cân đối lại nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu cao hơn về thanh khoản.