Được Itochu bơm 47 triệu USD, Vinatex có bứt phá?

Tập đoàn Itochu (Nhật Bản), sẽ hỗ trợ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về thị trường và công nghệ sản xuất các mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất ngành dệt may, sau khi trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vinatex.
Với việc Itochu tăng tỷ lệ cổ phần tại Vinatex, kỳ vọng dệt may Việt Nam sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu Với việc Itochu tăng tỷ lệ cổ phần tại Vinatex, kỳ vọng dệt may Việt Nam sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu

“Bơm” gần 47 triệu USD vào Vinatex

Itochu đã chi khoảng 5 tỷ yên (46,9 triệu USD) để mua thêm 10% cổ phần tại Vinatex.

Giao dịch này đã giúp nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu tại doanh nghiệp dệt may dẫn đầu của Việt Nam lên gần 15% và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vinatex, sau Bộ Công thương - đơn vị đang đại diện cho Nhà nước quản lý 53% cổ phần tại doanh nghiệp này.

Itochu đã có hành trình dài tham gia vào ngành công nghiệp dệt may Việt Nam thông qua vai trò là nhà mua hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước, liên kết đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu cho tới khi sở hữu gần 5% cổ phần Vinatex, khi doanh nghiệp được IPO năm 2014.

Trong thương vụ này, được biết, tập đoàn của Nhật Bản đã mua cổ phần Vinatex từ cổ đông chiến lược VNTex và các quỹ đầu tư nước ngoài thông qua các giao dịch trên thị trường chứng khoán vào cuối tháng 3/2018.

Quyết định này của Itochu thể hiện mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu dệt may cho thị trường Nhật Bản, châu Âu, trong bối cảnh chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc.

Vinatex đang vận hành khoảng 200 nhà máy may, với công suất hơn 300 triệu sản phẩm/năm, bên cạnh các nhà máy sợi và dệt nhuộm. Năm 2017, Vinatex đạt doanh thu trên 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 714,8 tỷ đồng.

Itochu thể hiện mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu dệt may cho thị trường Nhật Bản, châu Âu.

Itochu đã từng hợp tác với Vinatex trong nhiều mảng, từ áo sơ mi đến sản phẩm dệt mùa đông và muốn đẩy mạnh sản xuất hàng may mặc cao cấp tại Việt Nam để xuất khẩu sang Nhật, châu Âu và Mỹ. Với việc trở thành cổ đông lớn, Itochu sẽ giúp Vinatex hợp tác với các nhà sản xuất nguyên liệu để sản xuất đồ thể thao.

Tập đoàn này cũng từng thông qua đại diện là Công ty Prominent Hồng Kông, cùng Công ty cổ phần May Sông Tiền - doanh nghiệp thành viên của May Nhà Bè, ký hợp đồng hợp tác sản xuất veston cao cấp, với sản lượng 25.000 bộ/tháng để xuất khẩu sang Mỹ.

Được biết, Itochu là tập đoàn kinh doanh đa ngành, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may, y tế, công nghệ thông tin, thực phẩm...

Vinatex kỳ vọng gì từ “ông lớn” Itochu

Việc một tập đoàn có tiếng về thương mại, dệt may như Itochu gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinatex được lãnh đạo doanh nghiệp này đặt nhiều kỳ vọng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex cho rằng, Itochu là đối tác lớn với ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng, họ có thị trường tiêu thụ lớn tại Nhật Bản và sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng của Vinatex và doanh nghiệp thành viên. Cơ hội để tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật trong tương lai gần là khá rõ ràng.

“Những năm qua, trong quá trình giao thương với Vinatex, Tập đoàn Itochu thường đặt hàng những sản phẩm tương đối cao cấp, nên Vinatex sẽ tận dụng đáng kể cơ hội thị trường, đó là ưu điểm lớn. Nếu so sánh với một đối tác đến từ thị trường khác thì rõ ràng Itochu có những lợi thế hơn hẳn”, ông Hiếu cho biết thêm.

Điều quan trọng nữa, theo đại diện Vinatex, vai trò của Itochu sẽ thể hiện rõ hơn khi tỷ lệ sở hữu của họ được nâng lên. Họ đã nhìn thấy tiềm năng tại Vinatex và quyết định tham gia sâu hơn qua việc bỏ vốn nhiều hơn, chắc chắn sự tham gia sẽ tích cực hơn, không chỉ dừng ở vai trò khách mua hàng lớn.

Dù vậy, đại diện Vinatex cũng thừa nhận, cú hích này chưa thể có tác động mạnh đến tình hình kinh doanh của Vinatex trong năm nay.

Trên thực tế, không phải đợi đến lúc này, tham vọng đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam mới được Itochu thể hiện.  Itochu và Vinatex đã từng ký thỏa thuận nhằm phát triển chuỗi cung ứng ngành dệt may, từ xơ, sợi, vải đến may, phân phối bán lẻ đầu năm 2017.

Giám đốc cấp cao, phụ trách ngành dệt của Itochu cho biết, Itochu đã đến Việt Nam từ nhiều năm trước để hợp tác phát triển trong lĩnh vực công nghiệp dệt may, trong đó Vinatex là đối tác số một của Tập đoàn.

Sự thay đổi tỷ lệ sở hữu tại Vinatex của Itochu mang lại kỳ vọng về mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa hàng dệt may Việt Nam vươn xa hơn, mang về giá trị xuất khẩu lớn hơn và hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục