PVN và Vinatex sẽ cứu Xơ sợi Đình Vũ?

Dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX), 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương đang được PVN quyết tâm đưa vào vận hành trở lại trong thời gian tới.
PVN và Vinatex sẽ cứu Xơ sợi Đình Vũ?

Vực dậy từ nguồn vốn nào?

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa có buổi gặp bàn về việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm xơ sợi của PVTEX. Cuộc gặp này là thông điệp cho sự khởi động trở lại của Nhà máy sau một thời gian dài đắp chiếu.

Tổng giám đốc PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn xác nhận, PVN đang phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan để nỗ lực vận hành trở lại Nhà máy trong thời gian sớm nhất.

Trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, PVN hiện có 5 dự án thua lỗ cần xử lý là: Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và PVTEX.

Sau quá trình rà soát, xem xét, Bộ Công thương đồng ý để PVN dừng và phá sản 2 dự án là Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và Ethanol Phú Thọ.

Mặc dù gặp gỡ với Vinatex để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng việc đưa vào vận hành trở lại một nhà máy đồ sộ không hề dễ dàng, do Nhà máy đã dừng hoạt động 2 năm, thua lỗ gần 1.500 tỷ đồng, chất lượng sản phẩm không ổn định… Để Nhà máy sáng đèn, cần rót vào một lượng vốn lớn, thanh toán các khoản nợ. Vậy, PVN sẽ vực dậy dự án bằng nguồn vốn nào.

Tại không ít cuộc họp bàn trước đó, lãnh đạo PVN đã thừa nhận, việc khởi động lại các dự án rất khó khăn, bởi dòng tiền để triển khai không còn nữa. Ngay cả việc thuê tư vấn định giá tài sản để chuyển nhượng hoặc thoái vốn cũng khó.

Mọi hoạt động đều cần tiền, nhưng theo chủ trương, PVN không được rót thêm vốn nhà nước để giải cứu các dự án này.

Chưa kể, việc khởi động lại các dự án, thậm chí là cho phá sản một trong số dự án kém nhất, thì cũng cần chi phí nhất định cho công ty tư vấn, duy trì tài sản... Đơn cử, các chi phí duy trì PVTEX trong thời gian qua cũng tốn hàng trăm tỷ đồng.

PVTEX do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng), nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất. Khó khăn càng chồng chất khi mới đây, PVTEX bị thua kiện trong vụ tranh chấp với Khu công nghiệp Đình Vũ về việc PVTEX chưa chi trả tiền điện, nước, hạ tầng.

Do không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ, công ty này sẽ bị phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, tạm dừng chuyển nhượng quyền sở hữu. Tình trạng Nhà máy được nhận định ngày càng tệ đi.

Theo thông tin mà Báo Đầu tư có được, hiện nay PVN đang tập hợp để báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý Dự án Xơ sợi Đình Vũ. Trong các phương án được PVN đưa ra như cho thuê, bán, phá sản… thì phương án đưa Nhà máy vận hành trở lại là khả thi hơn cả.

Trả lời câu hỏi, Vinatex có được PVN thông báo về thời điểm đưa Nhà máy hoạt động trở lại không, ông Cao Hữu Hiếu, Trưởng ban Đầu tư Vinatex cho hay, theo phía PVN thông tin cho Vinatex, thì tập đoàn này vẫn đang nghiên cứu, lên phương án tính toán cụ thể cho sự khởi động lại nhà máy.

“Về phần Vinatex, chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến việc tiêu thụ xơ thực tế các nhà máy trong Tập đoàn ngay trong tháng 8/2017 này, kể cả tiêu chí về chất lượng, giá cả… cho PVN, từ đó, PVN báo cáo Thủ tướng và các cơ quan quản lý nhà nước, để được chấp thuận phương án chạy lại và thời điểm chạy lại Nhà máy”, ông Hiếu cho biết.

Chất lượng ổn định Vinatex mới mua

Tính đến thời điểm PVTEX dừng hoạt động (năm 2015),  Nhà máy  đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 100.000 tấn xơ, sợi (filament) các loại. Trong đó, riêng các đơn vị trong Vinatex đã tiêu thụ khoảng 20.000 tấn sản phẩm của PVTEX.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau cuộc họp của Vinatex với PVN tìm đường tiêu thụ sản phẩm trong tương lai khi Nhà máy vận hành lại, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, để Vinatex mua xơ sợi từ PVTEX, sản phẩm phải đạt yêu cầu về chất lượng và giá cả cạnh trạnh so với sản phẩm cùng loại. Nếu đạt được 2 yêu cầu cốt lõi đó thì mới mua bán được.

Ngoài ra, bên bán cũng đảm bảo thêm về thời gian giao hàng, cách thức thanh toán, vận chuyển…, thì Vinatex sẽ khuyến khích các đơn vị tiêu thụ sản phẩm cho PVTEX.

Theo Vinatex, với sản lượng của PVTEX là 175.000 tấn xơ/năm, mà nhu cầu toàn ngành dệt may là 500.000 - 600.000 tấn/năm (riêng Vinatex là 60.000 tấn/năm), thì việc tiêu thụ hết sản lượng đó không phải là quá khó. 

Nhưng, quan trọng nhất là chất lượng và tính ổn định giữa các lô sản phẩm. Giai đoạn 2014 - 2015, các đơn vị trong Vinatex đã dùng xơ PVTEX đều đánh giá khá cao chất lượng, nhưng độ ổn định giữa các lô sản phẩm chưa cao.

Đối với các doanh nghiệp kéo sợi, độ ổn định của xơ ngoài việc ảnh hưởng đến chất lượng kéo sợi, còn ảnh hưởng đến việc các đơn vị phải điều chỉnh thông số kỹ thuật máy móc thiết bị mỗi khi vận hành.

“Chính vì vậy, ngoài việc ủng hộ để gia tăng tiêu thụ cho nhà máy của PVTEX, Vinatex và Viện Dệt may Việt Nam sẽ hỗ trợ cật lực cho PVTEX trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nhà máy, đến việc chỉ định đơn vị thử nghiệm kéo sợi đến tận khâu dệt, nhuộm sản phẩm”, ông Hiếu cho biết.

Với những quan điểm khá rõ từ Vinatex, trong vai trò khách hàng mua xơ sợi, việc PVTEX nếu hoạt động trở lại không đồng nghĩa với việc sẽ có đầu ra ổn định. Sản phẩm của nhà máy chỉ cạnh tranh được sòng phẳng và lâu bền khi đáp ứng được yêu cầu từ bên mua.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục