Chúng ta không muốn tất cả tiền trên thế giới đều cùng chảy về một hướng. Nhưng dẫu sao khả năng tăng lên một cách chắc chắn của đồng USD có thể là tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu và cho các nhà đầu tư.
Không khó để thấy rằng, vì sao đồng USD đã tăng 9% từ đầu tháng 7 đến nay. Nước Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn đa số phần còn lại của nhóm các nước phát triển và ngân hàng trung ương của nước này có vẻ như sẽ thành công trong việc đẩy lãi suất lên vào năm sau, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn đang đi theo xu hướng ngược lại. Nếu tăng trưởng và những chênh lệch trong lãi suất không đủ để hỗ trợ cho đồng USD, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước Mỹ đã thu hẹp một cách đáng kinh ngạc. Gần một phần ba năng lượng nước Mỹ tiêu thụ trong năm ngoái được nhập khẩu, giảm mạnh so với con số 60% trong năm 2005.
Bạn có thể nói rằng, tất cả những yếu tố hỗ trợ này đều đã được phản ánh vào giá. Không yếu tố nào chính xác là tin mới. Nhưng một khi các xu hướng tiền tệ chính được xác lập, xu hướng đó thường sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định và những biến chuyển gần đây vẫn còn rất nhỏ so với dao động 20 - 30% giá trị của đồng USD trong quá khứ. Nếu đồng tiền này không tăng như vậy, chúng ta hiểu rằng, ECB và BOJ sẽ cố gắng nhất có thể để đưa nó đi đúng hướng. Những nỗ lực này nhằm phục hồi nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc “nhập khẩu lạm phát” từ nước ngoài.
Đối với các nhà đầu tư Mỹ, việc củng cố đồng USD có khả năng sẽ đem lại những tác động ngược đối với lợi nhuận của cổ phiếu. Trong năm 2013, nhóm công ty S&P 500 đã giữ trên 1.900 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và giá trị đó sẽ bị xói mòn nhanh chóng nếu đồng USD lên giá. Nhưng chỉ có khoảng 30% doanh thu của nhóm công ty này đến từ các thị trường ngoài nước trong năm 2013 và trong một vài tuần trước, các cổ phiếu của những công ty tập trung vào thị trường nội địa hơn đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng trở lại các ngưỡng kỷ lục.
Viễn cảnh đồng EUR suy yếu sẽ cực kỳ tích cực cho lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt khi kết hợp với yếu tố giá dầu giảm. Nếu những yếu tố khác không đổi, chúng ta thấy rằng, cứ 10% giảm của chỉ số đồng EUR tính theo tỷ trọng thương mại sẽ thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp lên thêm trung bình khoảng 8%. Sau hơn 3 năm lợi nhuận các doanh nghiệp châu Âu đi ngang hoặc giảm, những số liệu mới nhất đã cho thấy mức tăng trưởng đáng kể, dù là tăng từ mức thấp.
Giá cổ phiếu của các thị trường mới nổi, trong khi đó, đã có lịch sử tương quan cực kỳ tiêu cực với chỉ số đồng USD theo tỷ trọng thương mại. Điều đó là bởi vì đồng USD mạnh có xu hướng đi cùng với việc giá cả hàng hóa giảm xuống và dòng vốn chảy ra khỏi những nước này. Ngoài ra, còn có hiệu ứng quy đổi ngoại tệ, khiến cho lợi nhuận tính theo đồng USD của các nước này giảm xuống. Nhưng năng lượng và các nguyên liệu cơ bản giờ đây lại giảm tỷ trọng trong các quốc gia đã kết nối chặt chẽ với kinh tế Mỹ có thể hưởng lợi, đặc biệt là Mexico.
Vì vậy, nhà đầu tư không nhất thiết phải lo ngại đồng USD mạnh lên. Nhưng ở các thị trường tiền tệ - cũng như trong cuộc sống - vấn đề không chỉ là những gì bạn làm, mà còn là cách bạn làm. Đồng USD mạnh lên là một tình huống thắng - thắng cho cả nền kinh tế thế giới nếu điều đó giúp kéo dài sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và giúp cho phần còn lại của thế giới tăng cầu. Sẽ là nguy hiểm nến xu hướng đó phản ánh một cuộc phân hóa mạnh mẽ của những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới. Các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ phải chịu tình trạng bị rút vốn lớn.
Trong một kịch bản như vậy, thế giới sẽ thúc đẩy nước Mỹ quay trở lại với vai trò “người tiêu dùng cuối cùng”. Đó không phải là cách hồi phục mà thế giới muốn. Nhưng nếu châu Âu và Nhật Bản không thể tự tiến tới tăng trưởng và lạm phát trong một hoặc hai năm sau, khả năng trên chắc chắn không thể không xảy ra. Lần cuối cùng, đồng USD tăng vọt và giá dầu tụt giảm là khi cuộc đại suy thoái bắt đầu. Viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu không cân bằng trong năm sau dù sao vẫn hấp dẫn hơn nhiều so với việc chẳng nước nào tăng trưởng.