Đừng để “vàng thau lẫn lộn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự kiện bom nợ hàng trăm tỷ USD của Evergrande (Trung Quốc) đã đưa ra nhiều bài học cho cả những người đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản lẫn cơ quan quản lý.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.

Doanh nghiệp vẫn ồ ạt phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Thống kê cho thấy, trong quý III/2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt 111.744 tỷ đồng, giảm 25% so với quý II và giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, có 88 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 107.944 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm 20,8% so với quý trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 63,4%.

Bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng khối lượng trái phiếu phát hành trong kỳ, với 46,8%, tương đương 52.287 tỷ đồng, tăng 60,2% so với quý trước. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành với mức lãi suất khá cao so với lãi suất tiền gửi, dao động trong khoảng từ 7,4 - 13%/năm.

Tài chính - ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, với 40,7% tổng giá trị phát hành trong quý III, tương đương 45.507 tỷ đồng (giảm 34% so với quý II). Lãi suất TPDN do các ngân hàng phát hành dao động trong khoảng 4 - 7,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu của các tổ chức tài chính cao hơn, dao động trong khoảng 4 - 12,5%/năm.

Nhóm tập đoàn đa ngành chiếm 1% tổng giá trị phát hành TPDN trong quý III/2021, tương đương 1.150 tỷ đồng (gấp 19,2 lần quý II). Các ngành khác chiếm 11,5% tổng giá trị phát hành trong kỳ, tương đương 12.801 tỷ đồng (giảm 63% so với quý trước).

Khối lượng TPDN trong quý III/2021 giảm khá mạnh do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố.

Tuy vậy, khi nền kinh tế mở cửa trở lại từ đầu tháng 10, các doanh nghiệp lại tích cực triển khai các kế hoạch phát hành TPDN.

Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 826 đợt phát hành TPDN trong nước, 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.

Nhóm bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành 11 tháng đầu năm, với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỷ đồng, chiếm 38%.

Trong đó, có 803 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 468.850 tỷ đồng, chiếm 95% tổng giá trị phát hành. Bên cạnh đó, có 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 26.340 tỷ đồng, chiếm 5% tổng giá trị phát hành.

Nhóm bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành 11 tháng, với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỷ đồng, chiếm 38%. Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai, với tổng giá trị phát hành 169.600 tỷ đồng, chiếm 27%.

Tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”

Không thể phủ nhận trái phiếu doanh nghiệp ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng nói riêng.

Tuy nhiên, FininRatings cảnh báo, năng lực trả nợ của nhiều doanh nghiệp trên thị trường đang ở mức đáng lo, đặc biệt là năng lực trả nợ của khối doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết ở mức báo động.

Số liệu cũng cho thấy, có khoảng 30% khối lượng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành trong 11 tháng đầu năm 2021 không có tài sản bảo đảm, hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Theo thống kê của FiinRatings, trái phiếu đã trở thành kênh huy động quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản trong 5 năm trở lại đây, với giá trị phát hành trung bình xấp xỉ 100.000 tỷ đồng/năm, chiếm 30 - 40% tổng giá trị TPDN phát hành trên toàn thị trường.

Trong bối cảnh nhu cầu vốn dài hạn rất lớn và kênh tín dụng truyền thống bị siết chặt, kênh trái phiếu sẽ tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Bốn năm trở lại đây, quy mô phát hành TPDN thành công cao hơn so với trái phiếu chính phủ (TPCP) và ngày càng có chiều hướng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Điều đó cho thấy, chúng ta đã khơi thông thêm được một kênh dẫn vốn giúp cho doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn...

Cụ thể, năm 2018, TPDN phát hành thành công đạt 224.000 tỷ đồng, trong khi TPCP đạt 190.000 tỷ đồng. Năm 2019, TPDN phát hành thành công đạt 312.000 tỷ đồng, TPCP phát hành đạt gần 300.000 tỷ đồng. Năm 2020, tổng lượng TPDN phát hành lên tới 436.000 tỷ đồng, còn TPCP phát hành hơn 330.000 tỷ đồng.

Nhìn lại các đợt phát hành TPDN thời gian qua có thể thấy, khá nhiều trái phiếu có lãi suất 12 - 13%/năm là của những doanh nghiệp chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường, doanh nghiệp chưa đưa cổ phiếu lên niêm yết nên thông tin về tình hình hoạt động, sức khỏe tài chính sơ sài, thậm chí mơ hồ. Có thể thấy, thị trường TPDN đang... “vàng thau lẫn lộn”.

Bên cạnh sự phát triển tích cực về mọi mặt của thị trường TPDN thì vấn đề rủi ro đối với các chủ thể tham gia và đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường đang là chủ đề nóng được cơ quan quản lý, công chúng đặc biệt quan tâm.

Sự kiện "bom nợ" hàng trăm tỷ USD của Evergrande (Trung Quốc) có thể xem là tiếng chuông cảnh tỉnh với những người đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản lẫn cơ quan quản lý.

Được thành lập vào năm 1996 bởi Chủ tịch Hui Ka Yan tại thành phố Quảng Châu, Evergrande đã tăng tốc trong 2 thập kỷ qua để trở thành nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc với doanh thu 110 tỷ USD vào năm 2019. Vùng hoạt động trải dài 31 tỉnh với hơn 1.000 dự án.

Cơ cấu cổ đông cho tới 30/6/2021 vẫn do ông Hui Ka Yan chi phối, nắm 70% cổ phần. Tập đoàn này đã tìm kiếm tăng trưởng bằng đầu tư ngoài ngành và mở rộng liên tục bằng vay nợ. Khủng hoảng của Evergrande được cho là sẽ tác động tới kinh tế Trung Quốc, vì tổng dư nợ của doanh nghiệp chiếm khoảng 2% GDP (GDP Trung Quốc năm 2020 đạt 14.700 USD thì doanh nghiệp này nợ 300 tỷ USD).

Với thị trường toàn cầu, tổng lượng nợ trái phiếu của Evergrande khoảng 20 tỷ USD, số đáo hạn năm 2022 là 7,2 tỷ USD.

Câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm là liệu Evergrande có thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với các trái phiếu có lãi suất cao mà họ đã bán cho hàng nghìn nhà đầu tư, bao gồm nhiều nhân viên của chính doanh nghiệp?

Thực tế, ngày 9/12, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ bậc xếp hạng của Evergrande xuống mức vỡ nợ và sau đó hơn 1 tuần, S&P Global cũng có động thái tương tự.

Nhìn lại thị trường trong nước, có thể nói, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng tích cực về quy mô của thị trường TPDN trong thời gian qua, đã đến lúc chúng ta cần phát triển thị trường này theo chiều sâu, lành mạnh và bền vững.

Để có được một thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung phát triển lành mạnh, chúng ta cần phát triển đồng bộ ở tất cả các cấu phần, từ nâng cao chất lượng, tính minh bạch của các doanh nghiệp phát hành, mở rộng nền tảng nhà đầu tư, chất lượng của các tổ chức tư vấn trung gian, chất lượng của khung pháp lý, cũng như các cơ sở hạ tầng gồm cả hệ thống kiểm toán, định hạng tín nhiệm, giao dịch, lưu ký, thanh toán, định giá…

Dù ở bất kỳ vai trò nào, cơ quan quản lý, nhà đầu tư hay doanh nghiệp (tổ chức phát hành trái phiếu), cũng đều cần phải cân bằng được giữa rủi ro và lợi ích.

Đỗ Ngọc Quỳnh
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục