Đừng bỏ lỡ cơ hội với cổ phiếu dịch vụ hàng không

(ĐTCK) Ngành hàng không Việt Nam có triển vọng ngày càng phát triển, không chỉ các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet Air, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan cũng được hưởng lợi. Cổ phiếu các doanh nghiệp khối dịch vụ hàng không có đáng xem xét trong thời gian tới?
Đừng bỏ lỡ cơ hội với cổ phiếu dịch vụ hàng không

Tiềm năng rộng mở

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hết năm 2016, ước tính có khoảng 52,2 triệu hành khách hàng không, tăng hơn 29% so năm 2015, riêng lượng hành khách bay nội địa tăng cao, đạt 28 triệu lượt, tăng 30% so năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo thị trường Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng cao thứ 5 thế giới, ước tính 7,3% mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Tính trên 3 sàn chứng khoán, hiện có 9 doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến ngành hàng không. Ngoại trừ Vietnam Airlines là hãng hàng không, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) với quy mô lớn và mảng kinh doanh rộng, các doanh nghiệp còn lại đều có quy mô vừa và nhỏ, mô hình kinh doanh đơn giản nhưng hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp này ít nhiều có lợi thế độc quyền theo khu vực quản lý, hầu hết có lợi nhuận ổn định và duy trì cổ tức "khủng". Năm 2017, một cái tên mới trong lĩnh vực này sắp sửa gia nhập UPCoM là CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (NAS).

Lĩnh vực kinh doanh chính của các công ty xoay quanh các dịch vụ bán vé, kinh doanh nhà hàng, cung cấp suất ăn, kinh doanh hàng miễn thuế, kinh doanh phòng khách, phòng chờ, đưa đón khách tới sân bay…

Xét trong năm 2016, hầu hết các doanh nghiệp trên tiếp tục đạt kết quả kinh doanh sáng sủa. CTCP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SGN) ước đạt doanh thu 868 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 170 tỷ đồng, vượt 26% và 47,8% kế hoạch năm. Năm 2017, SGN đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.006 tỷ đồng và lãi sau thuế 215 tỷ đồng.

NAS sắp gia nhập UPCoM cũng công bố kết quả ước tính 2016 tương đối tích cực, với doanh thu ước thực hiện là 475,82 tỷ đồng, đạt 94,76% kế hoạch và lợi nhuận 31,91 tỷ đồng, đạt 125,28% kế hoạch, tăng 16% so với thực hiện 2015.

Doanh nghiệp tiếp theo nhiều khả năng đạt kết quả khả quan trong năm 2016 là “vua cổ tức” Masco. CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng - Masco (MAS) sau 9 tháng đã đạt doanh thu gần 222 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35,3 tỷ đồng, hoàn thành xấp xỉ 90% và 93,2 % kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm (trước khi điều chỉnh). Trong năm qua, MAS đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh lên mức doanh thu 274,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 42,67 tỷ đồng, cổ tức dự kiến là 90%.

Nhắc đến nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không, cổ tức là một đặc trưng, khi các doanh nghiệp này thường xuyên duy trì mức cổ tức "khủng", khiến cổ đông thỏa mãn.

Cao nhất phải kể đến MAS với mức cổ tức các năm gần đây là 115% năm 2014, 120% năm 2015. Năm 2016, MAS dự kiến cổ tức 90%, đến thời điểm hiện tại đã chi trả 80% sau 2 đợt. Tiếp đến, NCT cũng được biết đến là một doanh nghiệp có “truyền thống” trả cổ tức cao hàng năm. Từ năm 2011 đến nay, mức cổ tức mà NCT chi trả luôn đạt trên 100%, chẳng hạn năm 2015 là 110%. Ngoài ra, các doanh nghiệp trả cổ tức ở mức khá trên dưới 30% mỗi năm như NAS, NCS.

Đừng bỏ lỡ cơ hội với cổ phiếu dịch vụ hàng không ảnh 1 

Nhà nước sẽ giảm vốn tại nhiều doanh nghiệp vào năm 2017

Với kết quả kinh doanh tốt và triển vọng khả quan của ngành hàng không, một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng vốn, đầu tư nhiều hạng mục mới. Cụ thể, MAS thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 30 tỷ đồng lên 42,7 tỷ đồng thông qua chào bán 1,27 triệu cổ phiếu. Trong hơn 12,7 tỷ đồng dự kiến thu về, MAS lên kế hoạch sử dụng 8 tỷ đồng để mở rộng nhà máy chế biến suất ăn tại sân bay Cam Ranh giai đoạn II.

Trong khi đó, NCS vừa công bố hoàn tất phát hành 3,99 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên gần 120 tỷ đồng. Tại SAS, ACV đang có động thái thoái vốn, khi bán đi gần 4 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 51% xuống 48% và không còn là công ty mẹ của SAS. Trước đó, ACV đã thoái bớt vốn khỏi SGN và không còn nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp này.

Xét trên các yếu tố, doanh nghiệp dịch vụ hàng không đang có những thuận lợi để tăng trưởng trong thời gian tới và hấp dẫn các nhà đầu tư dài hạn với lợi nhuận ổn  định, cổ tức cao. Tuy nhiên, xét về biến động giá cổ phiếu, một số cổ phiếu đã có những sóng tăng giá dưới tác động của sự kiện HVN và ACV lên sàn. Năm 2017, sự kiện Vietjet Air niêm yết tại HOSE khó có thể mang lại một tác động với các cổ phiếu này, vì khác với HVN và ACV, Vietjet không nắm cổ phần tại phần lớn doanh nghiệp trên (chỉ nắm 4% của SGN).       

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục