Dừng bán sản phẩm bảo hiểm: Nước đi “đặng chẳng đừng”…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi quyết định dừng bán một sản phẩm bảo hiểm tức là sản phẩm đó nhiều khả năng gây thua lỗ, song điều này gây ảnh hưởng cho cả khách hàng lẫn nhà bảo hiểm.
Dừng bán sản phẩm bảo hiểm: Nước đi “đặng chẳng đừng”…

Nhiều khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm sức khỏe “Muôn sắc yêu thương” (trong đó có quyền lợi thai sản) của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) chưa kịp có bầu, phải tái tục, chờ ngày hưởng quyền lợi thai sản, bỗng vỡ mộng khi nhà bảo hiểm bất ngờ thông báo dừng bán sản phẩm này từ ngày 8/4/2024.

Khách hàng Nguyễn Thu H cho biết, chị bỏ ra 7,3 triệu đồng mua gói bảo hiểm này từ tháng 6/2023 để được hưởng quyền lợi thai sản (36 triệu đồng, thời hạn 1 năm), và thời gian chờ cho quyền lợi này là 270 ngày. Quyền lợi thai sản chỉ là 1 trong số các quyền lợi của gói bảo hiểm sức khỏe “Muôn sắc yêu thương”, ngoài ra còn có quyền lợi về ung thư, bệnh thông thường, nha khoa…

“Tôi dự định có con ngay sau khi mua bảo hiểm, nhưng tiếc là vỡ kế hoạch, mãi đến tháng 11/2023 mới có bầu, ngày dự sinh sẽ là khoảng giữa tháng 8/2024. Vì thế, tôi muốn tái tục hợp đồng, mua gói bảo hiểm này thêm năm thứ 2 để được hưởng quyền lợi như dự định. Thế nhưng, nhà bảo hiểm bất ngờ dừng bán và điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi cũng như nhiều khách hàng khác. Không thể hưởng quyền tái tục cũng đồng nghĩa với việc có bầu cũng không được chi trả như cam kết ban đầu và phải tự chuẩn bị tài chính cho việc sinh con. Chưa kể, lúc này, tôi cũng không thể mua được bảo hiểm của doanh nghiệp khác”, khách hàng này lo ngại.

Theo tìm hiểu, có nhiều khách hàng sau khi được tư vấn đã mua gói bảo hiểm này của BSH, phí bảo hiểm từ 4 triệu đồng/năm trở lên tùy điều kiện bảo hiểm, nhưng không phải ai cũng có bầu ngay. Có những khách hàng mua bảo hiểm từ cuối năm 2023 - đầu năm 2024 với mong muốn được hưởng quyền lợi thai sản, nhưng đến tháng 1, 2/2024 mới có bầu, có người còn chưa có. Nếu có bầu vào giữa năm hoặc cuối năm 2024 thì ngày dự sinh sẽ vào năm 2025, nếu không được tái tục sẽ mất quyền lợi. Chưa kể, đa số khách hàng khi mua gói bảo hiểm này đều xác định sinh con ở các bệnh viện hạng sang như Vinmec, Hồng Ngọc… nên có chi phí sinh nở cao, nếu không được tái tục và hưởng quyền lợi thì đây sẽ trở thành gánh nặng.

Việc nhiều gói bảo hiểm sức khỏe, trong đó có quyền lợi thai sản, bị ngừng bán là bởi tỷ lệ tổn thất cao, có thể gây thua lỗ cho nhà bảo hiểm.

Về phía nhà bảo hiểm, BSH cho biết, việc dừng bán gói bảo hiểm này nhằm điều chỉnh quy trình để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng. BSH sẽ chịu trách nhiệm đối với các khiếu nại thuộc phạm vi bảo hiểm và trong thời hạn hiệu lực của đơn bảo hiểm đã cấp. Trường hợp khách hàng có yêu cầu hoàn phí hay hủy hợp đồng bảo hiểm đã cấp thì liên hệ tới hotline hoặc qua email của Công ty.

Thực tế, hợp đồng cũ vẫn còn nguyên giá trị đến hết thời hạn cam kết. BSH sau khi đưa ra thông báo dừng bán đến nay cũng đã đưa ra phương án hỗ trợ cho khách hàng, đồng thời có hướng dẫn các thủ tục chấm dứt hợp đồng và nhận hoàn phí với điều kiện chưa phát sinh bồi thường.

Trên thị trường, việc doanh nghiệp bảo hiểm (ở cả 2 khối phi nhân thọ và phi nhân thọ) bất ngờ dừng bán một gói bảo chăm sóc sức khỏe, một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nào đó dù đang đắt khách là chuyện bình thường.

Chẳng hạn, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) từng dừng ngừng bán sản phẩm bảo hiểm Anti-Covid do lệnh cấm bán bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh này từ cơ quan quản lý. Trước đó, từ năm 2018, Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) đã dừng một loạt chương trình bảo hiểm sức khỏe cá nhân… Tương tự, một loạt nhà bảo hiểm khác như VNI, GIC, MIC... cũng từng tung ra nhiều gói bảo hiểm sức khỏe, doanh thu lúc cao điểm lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng sau đó cũng lặng lẽ rút lui.

Việc nhiều gói bảo hiểm sức khỏe, trong đó có quyền lợi thai sản, bị ngừng bán là bởi tỷ lệ tổn thất cao (bồi thường cao), có thể gây thua lỗ cho nhà bảo hiểm. Theo các chuyên gia, việc rút lui hay tiếp tục bán là quyền lựa chọn của nhà bảo hiểm vì đây đều là những sản phẩm bảo hiểm tự nguyện.

Nhà bảo hiểm có thể biện minh đã tư vấn từ đầu đây là sản phẩm có thời hạn 1 năm, khách hàng buộc phải làm quen với khả năng thay đổi chính sách hoặc dừng tái tục bất cứ lúc nào. Dù vậy, theo luật sư Đỗ Hồng Sơn - Đoàn luật sư Hà Nội, động thái đột ngột dừng bán ảnh hưởng tới cả khách hàng lẫn nhà bảo hiểm.

“Khi nhà bảo hiểm dừng bán, khách hàng sẽ phải tự chuẩn bị tài chính, trong khi chi phí dự sinh không phải là nhỏ. Do đó, thay vì trông chờ vào sự bao dung của bên bán, khách hàng cần tính toán kỹ lưỡng trước khi mua bảo hiểm. Bởi thực tế, nhà bảo hiểm khó có thể ‘bao dung’ nếu thua lỗ”, ông Sơn nói.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục