SEFE, từng được gọi là “Gazprom Germania,” có thể trở thành nhà nhập khẩu khí đốt thứ hai của Đức được chính phủ bảo vệ trước nguy cơ phá sản sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.
Chỉ hai ngày sau khi quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt khổng lồ Uniper, chính phủ Đức ngày 22/9 xác nhận đang xem xét việc tiếp quản SEFE, vốn được coi là công ty nhánh của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga.
Kế hoạch quốc hữu hóa SEFE lần đầu tiên được thông báo trên tạp chí Der Spiegel của Đức. Sau đó, phát ngôn viên của Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck xác nhận chính phủ đang đàm phán về tương lai của công ty.
Mặc dù chưa cung cấp chi tiết về kế hoạch trên và SEFE chưa đưa ra bình luận nào, phát ngôn viên trên cho biết: “Các cuộc thảo luận về tương lai của SEFE đang diễn ra trong chính phủ liên bang.”
Nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung khí đốt ở Đức, từ tháng Tư vừa qua, chính phủ Đức đã đặt “Gazprom Germania” trong tình trạng quản lý dài hạn với một khoản vay lên tới 10 tỷ euro (10,4 tỷ USD) để ngăn công ty vỡ nợ.
Với tài sản và các công ty con ở Đức, Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Cộng hòa Séc và bên ngoài châu Âu, các hoạt động của SEFE cần được bảo vệ cho thị trường khí đốt châu Âu cũng như cung cấp cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình.
Bộ trưởng Kinh tế Habeck cho biết Đức phải vận dụng đẩy đủ chính sách tài khóa để duy trì nền kinh tế và đảm bảo các hoạt động đầu tư kinh doanh và công nghiệp tiếp tục.
Theo ông Habeck, việc buộc phải thay thế năng lượng nhập khẩu của Nga có thể tiêu tốn của nền kinh tế lớn nhất châu Âu khoảng 60 tỷ euro trong năm nay và 100 tỷ euro vào năm tới.
Với việc quốc hữu hóa Uniper, Đức đang bơm ít nhất 40 tỷ euro cho ba nhà máy nhập khẩu khí đốt lớn nhất từ Nga là Uniper, SEFE và chi nhánh VNG của EnBW.
Uniper là công ty năng lượng đầu tiên ở Đức gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của việc chi phí năng lượng tăng vọt và họ đã nộp đơn xin cứu trợ để được chính phủ hỗ trợ vào đầu tháng Tám.
Là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, đóng vai trò trung gian giữa các nhà cung cấp Nga và người tiêu dùng Đức, Uniper đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi Nga giảm mạnh nguồn khí đốt xuất khẩu qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” (North Stream 1).
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi vào đầu tháng Chín, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga thông báo ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang Tây Âu với lý do không giải quyết được các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình bảo dưỡng cũng như không đưa ra khung thời gian về thời gian hoạt động trở lại.