Bộ Tài chính Đức ngày 16/12 thông báo thâm hụt ngân sách của nước này sẽ tăng từ mức tương đương 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự báo của năm 2022 lên 3,25% GDP vào năm tới, do các khoản chi lớn để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, năm 2023 Đức sẽ chứng kiến thâm hụt ngân sách 3,25% GDP, đồng thời cảnh báo rằng con số này thậm chí có thể lên tới 4,5% GDP tùy thuộc vào quy mô các khoản chi của nhà nước để ứng phó với giá điện và khí đốt tăng vọt. Dự báo trước đó năm 2023 chỉ là 2% GDP.
Theo Bộ Tài chính, việc "bình thường hóa” tài chính công" sẽ đạt được vào năm 2024.
Ông Lindner chia sẻ: "Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong cuộc khủng hoảng để giảm bớt gánh nặng cho mọi người và tránh sự gián đoạn cấu trúc."
Nền kinh tế Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine với chi phí năng lượng leo thang đã gây tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp hàng đầu của đất nước và làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
Chính phủ Đức đã công bố gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro (210 tỷ USD) để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, bao gồm cả việc giảm giá khí đốt cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Dù vậy, GDP của Đức dự kiến sẽ giảm 0,4% vào năm 2023.
Chính phủ cũng cho biết vào tháng 11 rằng nước này dự kiến số lượng trái phiếu chính phủ phát hành trong năm tới sẽ tăng lên 45,6 tỷ euro, cao hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu là 17,2 tỷ euro.
Tuy nhiên, Đức đang có kế hoạch áp dụng trở lại biện pháp "phanh nợ" được quy định trong hiến pháp vào năm 2023, giới hạn các khoản vay mới hàng năm ở mức 0,35% GDP.
Trước đó, chính phủ đã dỡ bỏ “phanh nợ” khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Nhưng việc khôi phục phanh nợ là ưu tiên hàng đầu của Bộ trưởng Lindner.
Để đáp ứng mục tiêu này, chính phủ đã thông báo rằng "các quỹ đặc biệt" như gói tài chính dành cho năng lượng trị giá 200 tỷ euro sẽ được tách biệt với ngân sách liên bang.