Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Lindner tuyên bố, để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái và bất ổn trầm trọng, Đức sẽ phải tăng nợ vay hơn dự kiến trong năm 2023.
Chính phủ Đức hiện dự báo khoản vay ròng mới trong năm 2023 sẽ lên tới 45,6 tỷ euro (46,8 tỷ USD), cao hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu là 17,2 tỷ euro. Dự kiến, kế hoạch ngân sách sẽ được thảo luận tại Quốc hội trong tuần này và được thông qua vào ngày 25/11.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn kinh tế hết sức bất ổn.
Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Lindner
Cường quốc công nghiệp Đức đang bị ảnh hưởng nặng nề từ giá năng lượng tăng cao. Chính phủ dự báo kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới với mức giảm 0,4% GDP. Nước này đang phải đối mặt với lạm phát tăng chóng mặt, khi giá tiêu dùng tăng tới 10,4% trong tháng 10/2022 do chi phí năng lượng cao sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng Đức sẽ khôi phục chính sách “phanh nợ” (một điều khoản khẩn cấp được ghi trong hiến pháp) vào năm 2023, theo đó sẽ hạn chế các khoản vay mới hàng năm ở mức 0,35% GDP.
Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, Chính phủ Đức đã dỡ bỏ chính sách “phanh nợ” để giảm bớt tác động của làn sóng các doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện nay thì việc khôi phục “phanh nợ” đang là ưu tiên hàng đầu.
Để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn mà không làm đảo lộn cam kết liên quan đến chính sách “phanh nợ”, chính phủ Đức đã công bố một số “quỹ đặc biệt” được coi là tách biệt với ngân sách liên bang thông thường.
Một trong những quỹ trên là quỹ hiện đại hóa quân đội Đức trị giá 100 tỷ euro. Tiếp theo là gói cứu trợ 200 tỷ euro giúp hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng quá cao.
Cả hai quỹ trên đều được cấp vốn thông qua những khoản nợ mới. Mặc dù các đảng đối lập chỉ trích các quỹ này nhưng Bộ trưởng Lindner vẫn cho rằng, với tổng trị giá khoảng 476 tỷ euro, ngân sách năm tới là “vững chắc” và “không có giải pháp thay thế”.
Đầu tháng này, Hội đồng cố vấn kinh tế của chính phủ đã đề xuất tạm thời tăng thuế đối với những người có thu nhập cao để tăng thu ngân sách cho chính phủ. Song ông Lindner loại trừ khả năng này, ông cho rằng điều đó sẽ cực kỳ rủi ro và có thể gây bất lợi cho thị trường việc làm và hoạt động đầu tư.
Mới đây, Liên minh cầm quyền ở Đức đã đạt được thỏa hiệp về cải cách phúc lợi xã hội. Đây là một trong những vấn đề quan trọng mở đường cho các biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp học kỹ năng nghề trong bối cảnh không có việc làm.
Như vậy, sau nhiều tuần tranh cãi giữa các đảng, vấn đề cải cách phúc lợi xã hội đã tìm được tiếng nói chung và dự kiến thỏa hiệp vừa đạt được sẽ được Ủy ban hòa giải Quốc hội thông qua. Cải cách chính sách phúc lợi được đưa ra nhằm tạo thuận lợi hơn cho người thất nghiệp trong việc nhận trợ cấp trong khi vẫn giải quyết tình trạng thiếu lao động lành nghề tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Niềm tin tăng lên
Theo khảo sát mới đây của Viện kinh tế Đức (Ifo), chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức đạt 86,3 điểm, tăng tháng thứ hai liên tiếp sau khi ghi nhận mức 84,5 điểm vào tháng 10/2022. Trước đó, niềm tin giới kinh doanh đã giảm 4 tháng liên tiếp đến tháng 9/2022.
Chủ tịch Ifo Clemens Fuest nhận định: “Tâm lý trong nền kinh tế Đức đã cải thiện. Sự bi quan trong những tháng tới giảm mạnh và suy thoái kinh tế có thể ít nghiêm trọng hơn so với nhiều dự đoán trước đó”.
Đức đang phải đối mặt với lạm phát tăng chóng mặt, khi giá tiêu dùng tăng tới 10,4% trong tháng 10/2022 do chi phí năng lượng cao sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.
Cùng với những tín hiệu tích cực kể trên, việc Chính phủ Đức thông báo các cơ sở dự trữ khí đốt của nước này đã đạt 100% công suất chứa từ đầu tháng này, đã làm giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt trong mùa Đông.
Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng ING cho rằng, gói cứu trợ của chính phủ đủ lớn để giảm bớt sự sụt giảm của nền kinh tế và biến cuộc suy thoái nghiêm trọng có thể xảy ra vào mùa Đông thành một cuộc suy thoái ít nghiêm trọng hơn”. Mặc dù vậy, ông Brzeski thừa nhận rằng, gói kích thích kinh tế của chính phủ đến quá muộn để có thể ngăn chặn được nền kinh tế suy thoái trong quý IV/2022.