Ngày 31/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ thực hiện các bước để đảm bảo giá năng lượng không tăng quá mức, đồng thời cho biết thêm ông đã thảo luận về việc thắt chặt mạng lưới năng lượng ở châu Âu với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.
Ông Scholz cho biết, Đức đã sớm nhận ra mối đe dọa từ việc Nga sử dụng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của họ như một công cụ để gây ảnh hưởng đến các nước khác và đã thực hiện các bước để đảm bảo an ninh năng lượng. Ông nhấn mạnh: "Tất cả các quyết định mà chúng tôi đưa ra đều hướng tới mục tiêu chính xác là nước Đức có thể sống sót qua mùa Đông năm nay."
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Robert Habeck thừa nhận những khó khăn trong việc áp đặt giá trần đối với khí đốt ở châu Âu, song cho biết Đức và các đối tác châu Âu sẽ tìm một cách tiếp cận tối ưu cho cơ chế định giá năng lượng ở cấp độ châu Âu.
Bộ trưởng Habeck cũng nhấn mạnh tới những thành công trong chính sách năng lượng cho đến nay của chính phủ Đức. Mức lấp đầy khí đốt tại các cơ sở tích trữ tại Đức tính đến hết ngày 30/8 đã ở mức 83,7% và điều này có nghĩa Đức sẽ đạt mốc tích trữ 85% sớm hơn dự kiến.
Trong gói biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, Đức quy định rõ việc tăng mức tích trữ đối với các cơ sở dự trữ khí đốt ở nước này, trong đó phải đạt 85% vào ngày 1/10 và tăng lên 95% vào ngày 1/11.
Tuy nhiên, ông Habeck cũng thừa nhận vẫn còn những thách thức trong vấn đề năng lượng, trước hết là giá cả đang ở mức cao, và Đức sẽ xem xét tìm ra các cơ chế ở cấp độ châu Âu cho phép kiểm soát hoặc tác động tốt hơn đến các cơ chế giá.
Các nhà phân tích cảnh báo EU về an ninh năng lượng trong mùa Đông
Liên minh châu Âu (EU) đang trên đà đạt được mục tiêu về tích trữ khí đốt. Song các nhà phân tích cảnh báo yếu tố lớn hơn đối với an ninh năng lượng trong mùa Đông này là liệu các quốc gia có thể cắt giảm mức tiêu thụ đủ để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu kéo dài qua những tháng lạnh giá nhất hay không.
Theo dữ liệu của tổ chức Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đầy 79,94%, khiến các quốc gia có thể vượt mục tiêu lấp đầy 80% kho dự trữ vào tháng Mười Một.
Thông thường, châu Âu có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí đốt cao điểm trong mùa Đông. Nhưng năm 2022, nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm mạnh - lượng khí đốt Nga chảy qua tuyến đường ống chính Dòng chảy phương Bắc 1 đến châu Âu, chỉ hoạt động 20% công suất. Do đó, việc dự trữ sẽ không tạo nên sự cân bằng.
Theo công ty phân tích dữ liệu Aurora Energy Research, có trụ sở tại Anh, việc dự trữ đầy đủ khí đốt có thể duy trì cho các nước châu Âu trong khoảng ba tháng. Tại Đức, nơi nắm giữ gần 1/4 kho dự trữ của EU, khí đốt dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu trung bình từ 80-90 ngày.
Simone Tagliapietra, chuyên gia của tổ chức tư vấn Bruegel, có trụ sở tại Bỉ, lưu ý để đối phó với tình hình khủng hoảng hiện nay, việc giảm nhu cầu thậm chí còn quan trọng hơn lưu trữ.
Với lượng dự trữ khí đốt đạt khoảng 888 terawatt giờ (TWh) hiện nay, các nước EU đã có lượng dự trữ cao hơn mức đỉnh 858 TWh mùa Đông năm ngoái.
Tuy nhiên, công ty chuyên cung cấp dữ liệu tình báo ICIS, có trụ sở tại London, cảnh báo nếu các quốc gia không cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu, các hầm chứa khí đốt của châu Âu vẫn trống rỗng vào tháng Ba, ngay cả khi Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu trong mùa Đông và thời tiết không lạnh bất thường.
ICIS cho rằng để ngăn chặn khủng hoảng nguồn cung vào mùa Đông, mỗi tháng các quốc gia cần cắt giảm lượng sử dụng khí đốt 15% so với mức trung bình trong 5 năm. Điều này sẽ giúp kho dự trữ sau mùa Đông đầy 45% nếu Nga tiếp tục gửi khí đốt và đầy 26% nếu Nga cắt giảm nguồn cung từ tháng Mười.
Mauro Chavez Rodriguez, Giám đốc nghiên cứu khí đốt châu Âu của công ty tư vấn Wood Mackenzie có trụ sở tại Anh, lưu ý sự kết hợp giữa việc không sử dụng khí đốt của Nga và không giảm mạnh mức tiêu thụ khí đốt trong các ngành công nghiệp có thể dẫn đến tình trạng phân bổ lượng điện tiêu thụ trong mùa Đông này.