Ðúng 1 năm trước, ngày mùng 8 Tết Kỷ Hợi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới gõ cồng tại HNX khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Kỷ Hợi.
Bối cảnh thị trường chứng khoán khi đó vừa có một năm 2018 phát triển vượt trội về cả quy mô, thanh khoản và hiệu quả gọi vốn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ghi nhận kết quả, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nhiều hạn chế mà thị trường chứng khoán phải khắc phục trong năm mới.
Cụ thể, đó là quy mô thị trường còn nhỏ, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính minh bạch chưa cao, tính tuân thủ kỷ cương kỷ luật của thị trường còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chậm niêm yết, các nhà đầu tư chưa thực sự chuyên nghiệp, chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, dẫn đến tâm lý đám đông, rủi ro lan truyền còn lớn, khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, năng lực quản lý giám sát còn nhiều bất cập…
Thủ tướng yêu cầu ngành chứng khoán phải nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và phải làm tốt để thị trường sôi động hơn, chất lượng hơn, bền vững hơn.
Liên quan đến nhà đầu tư, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, cần làm cho thị trường chứng khoán gần với người dân hơn nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi "chơi chứng khoán", mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.
Nhiều người dân không dám đầu tư vào thị trường chứng khoán vì họ không tin đó là một kênh đầu tư đáng tin cậy và an toàn.
Thị trường chứng khoán mà chỉ có các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn thì không bao giờ có thể trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trên thị trường chứng khoán; tạo dựng lòng tin trong công chúng, nhà đầu tư…
Ðầu năm 2019, Thủ tướng chỉ đạo 7 giải pháp tạo dựng nền tảng vận hành tốt hơn cho thị trường, trong đó có việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam để thực hiện lộ trình hình thành một thị trường chứng khoán Việt Nam thống nhất, chuyên nghiệp; xây dựng Chiến lược phát triển thị trường vốn 2011 - 2030 nhằm phát triển cân đối giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn; triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam…
Năm 2019 đi qua với dấu ấn lớn nhất là Việt Nam có Luật Chứng khoán mới, nhưng nhiều giải pháp vẫn chưa được thực hiện như kế hoạch.
Chỉ số chính VN-Index kết thúc năm đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với cuối năm 2018, tức là tăng cao hơn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, nhưng trong lòng thị trường, đa số cổ phiếu đều rơi giá. Việc tăng điểm chủ yếu do một số mã chính, trong đó có các mã lớn như VCB, FPT, BID, MWG, EIB… tăng mạnh.
Quy mô vốn hóa toàn thị trường tăng 10,7% (đạt 4.384 nghìn tỷ đồng, tương đương 72,6% GDP năm 2019), số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng 8,1% (đạt hơn 2,36 triệu tài khoản), nhưng dấu hiệu bất thường xuất hiện khi thanh khoản cổ phiếu năm 2019 giảm mạnh.
Thanh khoản cổ phiếu chỉ đạt 4.659 tỷ đồng/phiên, giảm 30% so với năm trước đó.
Thực tế này khiến không chỉ nhà đầu tư khó kiếm lãi mà các tổ chức tài chính trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã có một năm kinh doanh khó khăn, nhiều tổ chức lớn cũng về đích hụt kế hoạch…
Năm 2020, một số mục tiêu cho thị trường đã được Thủ tướng định rõ trong Quyết định số 242/QÐ-TTg.
Theo đó, quy mô thị trường cổ phiếu phải đạt 100% GDP, số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số, là năm phải đổi mới toàn diện công nghệ giao dịch và thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán…
Những mục tiêu này đều hướng đến việc đưa chứng khoán đến gần người dân hơn, nhưng cái gốc của các giải pháp, như chỉ đạo của Thủ tướng, là phải làm sao thay đổi được tình trạng nhiều người dân không dám đầu tư vào thị trường chứng khoán vì họ không tin đó là một kênh đầu tư đáng tin.
Ðón năm Canh Tý, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nỗi lo dịch cúm Corona bùng phát, đã mất 55 điểm trong 2 phiên đầu tiên.
Trên nền thị trường năm cũ còn nhiều kế hoạch dang dở và năm mới đối diện với những thách thức khó lường, Chính phủ sẽ có những giải pháp gì mới để thị trường 2020 tươi sáng hơn?
Các thành viên đang chờ đợi thông điệp từ Phó Thủ tướng trong phiên khai trương giao dịch đầu Xuân Canh Tý với hy vọng, niềm tin và giải pháp từ Chính phủ sẽ lan tỏa đến niềm tin và tạo sự hứng khởi mới đến toàn thị trường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2019, đã tiến hành xử phạt 456 trường hợp vi phạm hành chính, tăng 14,9% so với năm 2018, với tổng số tiền phạt là 28,1 tỷ đồng, tăng 33,8%. Cơ quan này cũng đã tiếp nhận, xử lý tổng cộng 125 đơn thư, qua đó phát hiện, xử lý các vi phạm về chứng khoán, đồng thời hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện quyền theo quy định pháp luật.