Đưa phân bón về mức thuế suất GTGT 5% là phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện có 2 luồng quan điểm về thuế giá trị gia tăng áp dụng với phân bón. Một là đồng thuận với phương án chuyển về quy định ban đầu tại Luật thuế GTGT năm 2008 là áp dụng thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón. Hai là giữ nguyên quy định hiện hành, phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT.

Về nguyên tắc, thuế GTGT là loại thuế gián thu, đánh trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ, với phương pháp hành thu là khấu trừ liên hoàn, khi tính thuế GTGT phải nộp ở khâu sau (thuế đầu ra) thì sẽ cho trừ đi số thuế GTGT đã thực nộp, thực trả tại khâu mua vào trước đó (thuế đầu vào). Do vậy, khi thiết kế và sắp xếp hàng hóa, dịch vụ áp dụng các mức thuế suất 0%, 5%, 10% (trình ban hành Luật thuế GTGT năm 1997 và năm 2008) đều có cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về chi phí đầu vào, giá bán đầu ra và tác động của chúng đối với các khâu sản xuất kinh doanh tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Đối với mặt hàng phân bón (kể cả phân bón nhập khẩu và sản xuất trong nước), vì là sản phẩm đầu ra của ngành công nghiệp hóa chất nhưng lại là đầu vào quan trọng của ngành nông nghiệp nên được xếp vào danh mục chịu thuế suất thấp 5%. Đặc thù của Việt Nam trong thời gian ban hành Luật thuế GTGT năm 2008 là nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng khá cao (năm 2007 chiếm 17,83% GDP) và sản phẩm hàng hóa bán ra khâu đầu tiên là nông sản, thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế thông thường do người sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt trực tiếp bán ra chủ yếu là nông dân, Luật quy định thuộc diện không chịu thuế GTGT.

Chuyển sang khâu tiếp theo là kinh doanh thương mại, nông sản, thủy sản tươi sống, chưa qua chế biến hoặc mới qua sơ chế tại khâu này Luật quy định áp dụng mức thuế suất 5%, với đầu vào chủ yếu thuộc diện không chịu thuế nên tổng số thuế GTGT tính nộp tại khâu này cơ bản là khoảng trên 4,5% đến 5%. Khi nông sản, thủy sản được trải qua khâu sản xuất công nghiệp, chế biến và trở thành sản phẩm công nghiệp hoặc hàng tiêu dùng để bán ra thì áp dụng thuế GTGT 10%, trong khi thuế GTGT đầu vào tại khâu sản xuất chế biến này gồm loại 5% (nông sản là nguyên liệu) và loại 10% (nguyên vật liệu khác, tài sản cố định), còn chi phí nhân công không có thuế GTGT. Vì vậy, tính toán xác định số thuế GTGT phải nộp tại khâu này là 10% trên giá trị gia tăng, hoặc tương đương (xấp xỉ) 5% trên trị giá bán ra chưa bao gồm thuế GTGT.

Với việc tính toán, phân tích các yếu tố đầu vào, sản phẩm đầu ra, các khâu sản xuất nông nghiệp, chế biến công nghiệp, kinh doanh thương mại với xu hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… việc sắp xếp, thiết kế thuế suất GTGT bảo đảm sự hợp lý trong chuỗi giá trị cũng như mối quan hệ tương quan công - nông nghiệp - thương mại, dịch vụ. Đối với người nộp thuế GTGT trong tất cả các khâu sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, chủ yếu là doanh nghiệp, hợp tác xã, Luật thuế GTGT quy định việc khấu trừ, hoàn lại thuế GTGT trong trường hợp số thuế GTGT đầu ra thấp hơn số thuế GTGT đầu vào đã thực nộp hoặc đã trả khi đủ điều kiện quy định.

Tại lần trình đề xuất sửa đổi thuế GTGT vào năm 2014, với mục tiêu định hướng đề ra là nhằm giúp đỡ cho sản xuất nông nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, dự thảo đã có đề xuất chuyển phân bón từ nhóm chịu thuế suất 5% sang nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT nhưng vẫn đề xuất cho áp dụng khấu trừ thuế GTGT đầu vào, để giảm giá phân bón, thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo theo hướng đề xuất này đã không được thông qua đối với nội dung cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì không bảo đảm đúng nguyên tắc của thuế GTGT là chỉ được khấu trừ đầu vào khi đầu ra là sản phẩm thuộc diện chịu thuế.

Quá trình thực hiện Luật số 71/2014/QH13 (từ năm 2015 đến nay), thực tiễn vận động của nền kinh tế đã có tác động bất lợi đối với cả ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn tới không đạt được kỳ vọng như mục tiêu định hướng do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, Ngân sách nhà nước đã mất đi số thu thuế GTGT khâu nhập khẩu (ước tính mỗi năm mất thu khoảng trên 1.000 tỷ đồng) do phân bón nhập khẩu áp dụng thống nhất như hàng sản xuất trong nước theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thứ hai, giá bán phân bón trong nước bị tăng lên (hiệu ứng tác động đẩy giá) do toàn bộ số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ buộc doanh nghiệp phải hạch toán vào giá thành và đẩy giá bán tăng lên (theo báo cáo của Hiệp hội Phân bón thì sau khi Luật 71/2014 có hiệu lực, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%).

Thứ ba, gắn liền với việc mất thu Ngân sách nhà nước khâu nhập khẩu, còn tạo ra nhiều khó khăn, bất lợi cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, bởi vì phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT mà còn được nước xuất khẩu hoàn lại thuế (ví dụ Trung Quốc 17%, Nga 22%).

Thực tiễn đã có nhiều phản ánh cho thấy khi phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế GTGT thì Việt Nam chúng ta bị thua thiệt cả ba nhà: Nhà nước bị mất thu Ngân sách nhà nước mà vẫn không thể thực hiện được cơ chế hỗ trợ hợp pháp cho nông nghiệp để giảm giá bán trong nước khi giá phân bón thế giới tăng. Nhà nông không được hưởng lợi giảm giá, giảm chi phí đầu vào cho trong dù giá phân bón tăng hay giảm do doanh nghiệp phải hạch toán thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đưa vào giá thành, cộng vào giá bán để bảo toàn vốn. Nhà sản xuất phân bón trong nước luôn bị yếu thế trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu trong cả 2 trường hợp phân bón thế giới tăng và giảm, bởi phân bón nhập khẩu luôn bám sát theo giá sản xuất trong nước, khi bị giảm giá bán theo chính sách bình ổn giá thì doanh nghiệp chịu phần thua thiệt, không được Nhà nước chia sẻ qua hoàn thuế, giảm thuế.

Do quy định phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT, trong quá trình điều hành sản xuất kinh doanh thời gian vừa qua, nhiều trường hợp các doanh nghiệp phân bón vừa thực hiện xuất khẩu (để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của lô hàng xuất khẩu theo quy định), đồng thời vừa phải nhập phân bón từ nước ngoài. Điều này sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới nếu như tiếp tục duy trì quy định hiện hành về thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón có thể dẫn tới tiềm ẩn rủi ro trong quản lý vĩ mô nếu có xảy ra những biến động bất ổn của thị trường phân bón và sản xuất nông nghiệp trong nước.

Nhìn vào thực tiễn năm 2024, phân bón có thay đổi giá bán theo mùa vụ, theo quan hệ cung cầu của thế giới, nhưng thông tin thực tế tại doanh nghiệp trong nước có sản xuất phân URE và NPK trong 9 tháng đầu năm 2024 có thể minh họa cho việc đề xuất chuyển sang diện chịu thuế 5% nhưng không nhất thiết phải tăng giá bán phân bón, cụ thể như sau:

Sản lượng phân bón sản xuất: 832.274 tấn, tổng số thuế GTGT đầu vào phát sinh là 524.048 triệu đồng; số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của lượng phân bón xuất khẩu là 109.747 triệu đồng; số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ còn lại 414.301 triệu đồng (bình quân 497.795 đồng/tấn), doanh nghiệp phải tính vào giá thành. Giá bán phân bón bình quân 9 tháng thực tế là 9.551.783 đồng/tấn, đã bao gồm cả thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ 497.795 đồng/tấn (tương đương 5,21% giá bán thực tế).

Nếu chuyển sang áp dụng thuế suất GTGT 5% và yêu cầu doanh nghiệp phải giữ nguyên mức giá bán ra cuối cùng cho người tiêu dùng thì thuế GTGT đầu ra 5% tính ra sẽ là 454.847 đồng/tấn {5% x (9.551.783/1,05) = 454.847 đồng/tấn}. Số thuế GTGT đầu vào thực tế sẽ được khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra nên số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ chỉ còn lại là 42.948 đồng/tấn (454.847 đồng/tấn – 497.795 đồng/tấn), tương đương với mức 0,45% giá bán, doanh nghiệp sẽ được chuyển sang kỳ sau để khấu trừ tiếp hoặc được Ngân sách nhà nước hoàn lại. Trong khi đó, đối với lượng phân bón nhập khẩu, Ngân sách nhà nước sẽ tăng thu được 5%, tạo nguồn bù đắp cho số hoàn thuế GTGT của phân bón sản xuất trong nước.

Như đã được đề cập tại bản dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, các quy định về thuế GTGT thời gian qua đã có tác động lớn đến sự phát triển của ngành sản xuất phân bón trong nước. Quy định mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào được thực hiện đúng vào giai đoạn ngành phân bón thế giới rơi vào tình trạng cung vượt cầu, giá trên thị trường thế giới giảm mạnh làm cho doanh nghiệp sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Số liệu báo cáo của Hiệp hội Phân bón cho thấy, giai đoạn 2015 -2020 cả 10 doanh nghiệp sản xuất phân bón đều có giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng âm, riêng 4 doanh nghiệp thuộc Đề án 168 lỗ trầm trọng (tăng lỗ bình quân 37,7%/năm, có doanh nghiệp nguy cơ phá sản.

Gần đây sản xuất phân bón thế giới đã dần phục hồi, phân bón nhập khẩu đã dần tăng trở lại, cạnh tranh với sản phẩm phân bón trong nước đã đặt ra yêu cầu phải có sự tham gia chia sẻ giữa Nhà nước với nhà nông và nhà sản xuất phân bón, trong đó Nhà nước với vai trò điều tiết vĩ mô về giá cả và chính sách tài khóa khi đưa mặt hàng phân bón quay trở lại chính sách thuế GTGT đã thiết kế trước đây (chịu thuế GTGT 5%).

Kiên trì thực hiện nguyên tắc khấu trừ liên hoàn của thuế GTGT, bảo đảm sự bình đẳng giữa các mặt hàng sản xuất trong nước hướng tới mục tiêu lâu dài là thống nhất 1 mức thuế suất thuế GTGT trên 10%, với những phân tích nêu trên, đưa phân bón về mức thuế suất GTGT 5% là phù hợp.

Đồng thời, trong điều hành vĩ mô, cần tiếp tục giữ mặt hàng phân bón trong danh mục bình ổn giá, Nhà nước có thể buộc doanh nghiệp trong nước phải thực hiện giảm giá bán trong nước để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp khi giá phân bón thế giới biến động tăng. Việc chia sẻ của Nhà nước với nông nghiệp và công nghiệp phân bón trong nước thông qua cơ chế hoàn thuế GTGT khi thuế GTGT đầu vào vượt quá mức thuế đầu ra 5% có tính khả thi cao vì nguồn hoàn thuế được cân đối ngay từ nguồn thu thuế GTGT từ phân bón nhập khẩu và không tác động đến các cân đối khác. Trong trường hợp phân bón trong nước phải hạ giá bán theo cung cầu và mặt bằng giá thế giới, thì sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi, doanh nghiệp phân bón chịu thiệt một phần tác động và Nhà nước vẫn hỗ trợ được doanh nghiệp và thị trường qua cơ chế hoàn thuế này.

Nguyễn Văn Phụng
Nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục