Tăng về quy mô và tốc độ
Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam năm 2017 và đầu năm 2018 đã đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Năm 2015, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đứng thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á; đứng thứ 19 ở châu Á và đứng thứ 48 trên thế giới.
Trong giai đoạn 2005 - 2015, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng hơn 3 lần, với mức tăng bình quân 12,1%/năm. Đó là tốc độ tăng khá cao.
Từ năm 2016 đến nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tiếp tục tăng cao hơn. Năm 2016 tăng 38,1%, năm 2017 tăng 28,2%, 40 ngày đầu năm 2018 tăng 15%. Ngày 10/2/2018 so với năm 2005 đã cao gấp 6,4 lần.
Nguồn hình thành
Dự trữ ngoại tệ do nhiều nguồn. Nguồn cơ bản là do thặng dư trong cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Theo ước tính, thặng dư cán cân thanh toán năm qua đạt 5,5 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư nhờ xuất siêu hàng hóa đạt 2,92 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 17,5 tỷ USD. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ước đạt gần 6 tỷ USD. Lượng vốn ODA giải ngân ước đạt trên 2 tỷ USD. Chi tiêu của khách quốc tế cán mốc 8,99 tỷ USD. Lượng kiều hối đã tăng trở lại, vượt mốc 10 tỷ USD.
Một nguồn quan trọng làm tăng và cũng là điểm nhấn quan trọng của dự trữ ngoại tệ của Việt Nam trong năm qua là mức tăng quy mô dự trữ ngoại tệ đến cuối năm cao gấp đôi so với thặng dư cán cân thanh toán.
Điều đó chứng tỏ, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng ngoại tệ lớn từ người dân và doanh nghiệp găm giữ trước đây (ước tính khoảng 6 tỷ USD), do nhiều nguyên nhân, như lạm phát được kiềm chế; tỷ giá VND/USD ổn định, thậm chí giảm.
Tác động của việc tăng dự trữ ngoại tệ
Dự trữ ngoại tệ tăng lên có tác động lớn. Trong đó, tác động rõ nhất là bảo đảm an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia xét về nhiều mặt.
Thứ nhất, chủ động bảo đảm trả nợ lãi, nợ gốc nước ngoài khi đến hạn, khi quy mô nợ nước ngoài đã chiếm tỷ lệ không nhỏ trong GDP (45,2%) và tỷ lệ trả lãi, trả nợ gốc trong tổng thu ngân sách nhà nước cũng khá lớn (trên dưới 25%).
Thứ hai, dự trữ ngoại hối có tác động bảo đảm ranh giới an toàn khi so sánh với quy mô nhập khẩu tính theo tuần nhập khẩu (theo thông lệ về ranh giới là 12 tuần) hoặc theo tháng nhập khẩu (theo thông lệ là 3 tháng).
Thứ ba, dự trữ ngoại tệ sẽ tạo điều kiện để chủ động can thiệp vào thị trường ngoại hối khi có tác động tiêu cực đến thị trường trong điều kiện Việt Nam có độ mở lớn (với tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP đứng thứ hạng cao trên thế giới).
Thứ tư, đây là cơ sở cho các tổ chức đánh giá tín nhiệm có uy tín trên thế giới nâng bậc đối với thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam trong việc phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế...
Thứ năm, dự trữ ngoại tệ tăng là cơ sở quan trọng để nâng cao lòng tin của đồng tiền quốc gia, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ổn định tỷ giá, giảm thiểu tình trạng vàng hóa và đô-la hóa.
Kỳ vọng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhờ nguồn hình thành khả quan, nhờ tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm...