Theo Standard Chartered, số tháng nhập khẩu mà một quốc gia có thể tài trợ bằng việc nắm giữ ngoại hối đã giảm xuống còn khoảng 7 tháng đối với khu vực châu Á (ngoại trừ Trung Quốc), đây là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong khi con số đó là khoảng 10 tháng vào đầu năm nay và ở mức cao nhất là 16 tháng vào tháng 8/2020, điều này đang cho thấy sự suy yếu của một bức tường lửa mà các quốc gia đang phát triển dùng để bảo vệ tiền tệ.
“Tình hình xấu đi cho thấy rằng sự can thiệp của ngân hàng trung ương để hỗ trợ đồng nội tệ có thể bị hạn chế hơn nhiều trong tương lai. Nhìn chung, chúng tôi hy vọng chính sách ngoại hối của các ngân hàng trung ương sẽ mang tính ít hỗ trợ hơn”, Divya Devesh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối ASEAN và Nam Á tại Standard Chartered ở Singapore cho biết.
Theo dữ liệu của Bloomberg, Thái Lan có lượng dự trữ ngoại hối giảm nhiều nhất tính theo phần trăm GDP, tiếp theo là Malaysia và Ấn Độ. Dự trữ ngoại hối chỉ còn khoảng 9 tháng nhập khẩu đối với Ấn Độ, 6 tháng đối với Indonesia và ít hơn 4 tháng đối với Malaysia.
Các ngân hàng trung ương trên khắp các nền kinh tế mới nổi châu Á đã dựa vào dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nội tệ trước đồng đô la tăng mạnh khi chính sách thắt chặt mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thúc đẩy dòng vốn quay trở lại Mỹ. Bất kỳ dấu hiệu nào về sự chậm lại trong các biện pháp can thiệp thị trường có thể làm trầm trọng thêm tổn thất đối với các đồng tiền châu Á, nhiều đồng tiền trong số đó đã đạt mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Sự sụt giảm dự trữ ngoại hối cũng thể hiện cho mức độ can thiệp vào thị trường ngoại hối, Ấn Độ và Thái Lan là một trong những quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt khoảng 81 tỷ USD và 32 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối giảm 27 tỷ USD ở Hàn Quốc, 13 tỷ USD ở Indonesia và 9 tỷ USD ở Malaysia.
Một phần của sự sụt giảm cũng là do sức mạnh của đồng đô la làm xói mòn giá trị của các loại tiền tệ khác được giữ trong dự trữ ngoại hối.
Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank Ltd. ở Singapore cho biết: “Với tỷ lệ đốt tiền hiện tại, Thái Lan vẫn đáng lo ngại trong khi Philippines, Ấn Độ, Indonesia và thậm chí Malaysia đang trở thành mối quan tâm lớn hơn so với trước đó”.
Tuy nhiên, các thị trường mới nổi châu Á vẫn ở tình trạng tốt hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây khi đã xây dựng vùng đệm chắc chắn hơn. Các nhà đầu tư đã chuyển sang các thị trường này trong những tháng gần đây và lạc quan rằng những thị trường này có thể mang lại tăng trưởng nhanh hơn nhờ vào chính sách hỗ trợ và lợi nhuận tiềm năng cao hơn.
Sự tăng vọt của đồng đô la đã khiến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc gần chạm mức 7 quan trọng, trong khi đồng won nhạy cảm với rủi ro của Hàn Quốc cũng suy yếu xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 2009. Đồng rupee của Ấn Độ và peso của Philippines đã đạt mức thấp kỷ lục gần đây.
Sự sụt giảm của các đồng tiền so với đồng đô la |
Các nhà chức trách trong khu vực đã tiến hành các biện pháp can thiệp bằng lời nói. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda tuần trước đã cùng một số quan chức bày tỏ quan ngại về những biến động đột ngột của đồng yên. Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Shaktikanta Das cho biết cơ quan này có mặt trên thị trường tiền tệ gần như hàng ngày, trong khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp bình ổn tích cực.
“Các ngân hàng trung ương đang trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Rủi ro của đồng đô la tăng giá, rủi ro suy thoái và lạm phát tăng cao do các cú sốc giá ngoại sinh gây ra khiến các ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi châu Á không thể cho rằng những rủi ro tồi tệ nhất đang ở phía sau chúng ta”, ông Vishnu Varathan cho biết.