Dự toán thu ngân sách 2015:Đồng thanh kêu khổ!

Các bộ, ngành, địa phương đã bắt tay vào xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2015 với nhiều lo lắng.
Ngành thuế đang chịu áp lực nặng nề để hoàn thành dự toán thu ngân sách 2015 Ngành thuế đang chịu áp lực nặng nề để hoàn thành dự toán thu ngân sách 2015

Bộ Tài chính đặt mục tiêu, năm 2015, huy động vào ngân sách từ thuế, phí 18% - 19% GDP; Dự toán thu nội địa, không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất phấn đấu tăng bình quân 14 - 16%; thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu, tăng 6% - 8% so với ước thực hiện năm 2014.

Để thực hiện được mục tiêu kể trên, Bộ Tài chính yêu cầu, các địa phương khi xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2015 phải dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện năm 2013; yêu cầu phấn đấu và khả năng thực hiện năm 2014. Dự toán thu phải bảo đảm tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng sắc thuế và tác động từ việc hết hiệu lực của việc miễn, giảm, gia hạn, điều chỉnh thuế; tác động từ những chương trình kích cầu thị trường nội địa, kích thích tiêu dùng nội địa; hiệu quả từ các hoạt động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi trốn, lậu thuế, chuyển giá, làm giá…

Với yêu cầu trên, năm 2015, Hà Nội cũng đặt dự toán tăng thu nội địa 14 -16% không kể dầu thô và tiền sử dụng đất. Mục tiêu tăng thu này khiến ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội lo lắng, bởi để đạt được mục tiêu đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội phải đạt 9,0 - 9,5%.

“Năm nào ngành thuế cũng  vất vả trong thực hiện dự toán. Ngành thuế không ngại khó khăn, vất vả, nhưng vấn đề là làm sao phải xây dựng dự toán sát với tình hình sản xuất - kinh doanh, tình hình thị trường trong nước”, ông Tuấn phát biểu và lấy ví dụ, trong nhiều năm gần đây, khi xây dựng dự toán thường đưa giá bất động sản (để tính tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân…) ở mức khá cao, nhưng trên thực tế, hàng loạt dự án bất động sản phải giảm giá, thậm chí đình hoãn nên các khoản thu liên quan đến đất đai không đạt được dự toán.

Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, ông Lê Xuân Dương nhận định, năm 2015, nếu không có bất cứ chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất… nào được ban hành và GDP phải tăng trưởng ở mức 6,0 - 6,2% như tinh thần của Chỉ thị 15/CT-TTg, thì cố gắng lắm mới đạt được mục tiêu tăng thu nội địa 14-16%”.

“Theo nhiều dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm tới cũng chỉ bằng mục tiêu phấn đấu của năm nay là 5,8%, vì vậy, mục tiêu tăng thu nội địa 14%-16% vào năm tới là một thách thức rất lớn. Thu nội địa phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, dựa vào thực lực của nền kinh chứ không phải muốn là được”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, địa phương nào hụt thu so với dự toán, thì phải tự tìm cách giảm chi. Tất nhiên không địa phương nào muốn giảm chi, nên trong 2 năm gần đây, thu ngân sách gặp khó khăn, tại hầu hết các địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đều vào cuộc nhằm bảo đảm thu đủ dự toán.

“Tuần nào, Thành ủy, UBND Thành phố Đà Nẵng cũng cũng triệu tập lãnh đạo ngành thuế đến để báo cáo về tình hình thu ngân sách trên địa bàn, có tuần “được” triệu tập 4 - 5 lần. Lãnh đạo Đảng, chính quyền Đà Nẵng rất quan tâm tới công tác thu ngân sách, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc đã giúp ngành thuế rất nhiều trong việc thu đủ dự toán, nhưng chúng tôi chịu áp lực vô cùng lớn”, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, ông Trần Văn Nhiên chia sẻ.

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tổng thu ngân sách nhà nước trong 7 tháng đầu năm ước đạt 497.360 tỷ đồng, bằng 63,5% dự toán, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, thu nội địa  ước đạt hơn 336.000 tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán, tăng 16,8% so với  cùng kỳ năm 2013. Mặc dù, hài lòng với kết quả này, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức; tổng cầu chưa có sự cải thiện đáng kể; tăng trưởng tín dụng thấp; doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng…

Bức tranh kinh tế hiện tại và dự báo trong thời gian tới chưa thực sự khởi sắc, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, “đó sẽ là trở ngại rất lớn trong thực hiện mục tiêu tăng thu nội địa 14%-16% trong năm tới”. Song nếu quyết tâm trong chống nợ đọng, chống gian lận, trốn thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… và đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế thì vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng thu.

Rong ruổi khắp các tuyến đường trên cả nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói, ở đâu ông cũng nhìn thấy khẩu hiệu “Nộp thuế để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, “Nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân”… “Mỗi năm ngành thuế chi phí rất lớn để làm các biển khẩu hiệu tuyên truyền, nhưng thực tế cho thấy, cách tuyên truyền này không hiệu quả. Muốn hoàn thành dự toán thu ngân sách, bên cạnh các giải pháp chống thất thu, gian lận thương mại, nợ đọng, trốn thuế, hỗ trợ doanh nghiệp… phải làm sao để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách thuế thì phải thay đổi cách tuyên truyền”, ông Dũng yêu cầu.

“Bên cạnh thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nhằm chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, ngành thuế phải đồng hành cùng cơ quan báo chí hơn nữa. Chia sẻ với báo chí từ định hướng chính sách đến những việc chúng ta đã làm, đang làm, và sẽ làm; không chỉ nói những việc đã làm được, mà còn phải nói cả những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của cả ngành thuế lẫn doanh nghiệp. Qua báo chí, tổ chức, cá nhân mới hiểu về chính sách thuế, mới chấp hành tốt chính sách thuế, mới tạo điều kiện cho ngành thuế hoàn thành dự toán thu ngân sách”, ông Dũng chia sẻ và đề nghị ngành thuế giảm bớt chi phí xây dựng khẩu hiệu, tập trung cho công tác tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục