Không nên hạn chế quyền tự do kinh doanh
Tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang xây dựng, Bộ Công thương đề xuất cấm thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau. Đề xuất này xuất phát từ lo ngại, việc thương nhân phân phối được phép mua bán xăng dầu của nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao, không kiểm soát được nguồn cung xăng dầu…
Cộng đồng doanh nghiệp phản đối đưa quy định này vào Dự thảo Nghị định. Theo các doanh nghiệp, Dự thảo đưa ra quy định có tính phân biệt, như dành nhiều quyền hơn cho thương nhân đầu mối, nhưng lại can thiệp và ép buộc đối với quyền tự do kinh doanh khi chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, mà không phải nguồn khác. Quy định này làm hạn chế khả năng cạnh tranh công bằng và gây khó khăn cho chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ.
Thẩm định nội dung Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra bất cập của dự thảo này khi quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau.
“Việc giới hạn mua bán về nguyên tắc sẽ làm hạn chế lựa chọn nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu, có thể chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh tại khoản 2, Điều 6, Luật Cạnh tranh năm 2018”, Bộ Tư pháp nêu.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng lo ngại, đề xuất thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối có thể được xác định là hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường bị nghiêm cấm, được nêu tại điểm a, Khoản 1, Điều 8, Luật Cạnh tranh.
Phản bác quy định không được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) nhấn mạnh: “Đã là thị trường, thì thương nhân phân phối mua ở đâu và bán ở đâu là do họ, không nên hạn chế. Hơn nữa, không phải lúc nào các doanh nghiệp đầu mối cũng đủ lượng hàng, giá cả hợp lý ở từng vùng, từng thời điểm”.
Ông Bảo kiến nghị, nên có quy định cho phép thương nhân phân phối mua bán của nhau, với tỷ lệ cụ thể. Đây chính là nghiệp vụ điều hòa thị trường.
Kiến nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo hướng cho phép các thương nhân phân phối được phép mua bán xăng dầu với nhau cũng được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) đưa ra sau khi tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp.
Theo VCCI, cơ quan soạn thảo lập luận rằng, “nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao” là không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường.
Thực tế, các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối khác có giá rẻ hơn.
Trước đây, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định hệ thống phân phối 1:1, tức là thương nhân bán lẻ buộc phải phụ thuộc vào thương nhân phân phối. Trong trường hợp đó, nếu thương nhân phân phối tăng giá bán, thương nhân bán lẻ không thể đổi sang nhà cung cấp khác, nên buộc phải chịu giá cao.
Tuy nhiên, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP đã cho phép thương nhân bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn, tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn tăng lên và tình trạng nói trên không còn diễn ra.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau có thể khiến số liệu báo cáo về tình hình dự trữ xăng dầu không chính xác, nhưng theo Dự thảo Nghị định, nghĩa vụ dự trữ lưu thông không áp dụng cho thương nhân phân phối. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Dự thảo Nghị định theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.
“Sẽ trình nhiều phương án để xem xét”
Nhóm doanh nghiệp phân phối xăng dầu đề nghị được phép mua hàng từ nhiều nguồn, bao gồm cả mua của thương nhân đầu mối và nhà sản xuất xăng dầu. “Nếu chỉ cho thương nhân phân phối mua hàng của thương nhân đầu mối, đồng nghĩa với việc trao quyền quá lớn cho đầu mối”, đại diện nhóm doanh nghiệp này nêu ý kiến.
Phản hồi ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội về quy định cấm thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp. Với những ý kiến còn tranh cãi, Ban Soạn thảo sẽ trình nhiều phương án để xem xét.
“Trong Dự thảo tới, chúng tôi sẽ trình thêm phương án cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán của nhau như góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, để Chính phủ xem xét, quyết định phương án phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khách quan, khoa học”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành, Vinpa mong muốn cơ quan quản lý đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, nhưng một trong những yếu tố quan trọng mang tính mấu chốt quyết định thành công của các nghị định là trả lại những nguyên lý, nguyên tắc trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo được tính chủ động và quyền quyết định của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia đồng tình với kiến nghị của Vinpa, do xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên điều kiện kinh doanh phải thật rõ ràng, tránh hiện tượng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, cần cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán xăng dầu của nhau, bởi trong giai đoạn giá cả thất thường, nhờ được mua bán chéo, các thương nhân phân phối có thể chia sẻ với nhau về lượng và giá bán.