Mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ: Doanh nghiệp phản ứng
Theo Công ty Quản lý quỹ Manulife, Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ là một hoạt động bình thường của doanh nghiệp, được luật pháp công nhận và được cổ đông thông qua. Việc công ty mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ sẽ tạo thêm tính thanh khoản cũng như tính hấp dẫn của cổ phiếu thông qua việc bán lại cổ phiếu quỹ trên sàn giao dịch khi điều kiện thị trường tốt hơn, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cho công ty (và cổ đông).
Vì vậy, việc quy định công ty bắt buộc phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu quỹ (nhất là trong một thời gian ngắn 10 ngày như trong quy định của Dự Thảo Luật Chứng Khoán Sửa Đổi) sẽ tạo thêm những thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, cũng như làm giảm tính tự chủ, linh hoạt của các công ty.
Quy định này chỉ nên được áp dụng trong trường hợp công ty và đại hội cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ trong những điều kiện nhất định.
Theo đại diện CTCP Sữa Việt Nam (VNM), cần làm rõ việc công ty phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc mua cổ phiếu quỹ.
Trường hợp mua lại cổ phiếu ESOP thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày ĐHĐCĐ thường niên thông qua Nghị quyết có nội dung số lượng ESOP được mua theo báo cáo. Nếu được ĐHĐCĐ thông qua thì công ty có được phân phối ESOP đã mua lại cho nhân viên theo 1 chương trình phúc lợi nào đó của công ty không hay bắt buộc phải giảm vốn điều lệ?
Toàn cảnh Hội thảo “Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật chứng khoán ( sửa đổi)”
Trong khi đó, đại diện Công Ty Cổ Phần VNG cho rằng, Quy định mới của Dự Thảo đã gián tiếp loại bỏ khả năng tái phát hành cổ phiếu quỹ của Công ty Đại chúng (CTĐC) bằng những quy định về giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phần.
Việc loại bỏ quy định/khái niệm của cổ phiếu quỹ trong Dự Thảo và lộ trình về việc giảm vốn điều lệ sau khi CTĐC mua lại cổ phiếu của chính mình cho thấy khả năng CTĐC được giữ lại (và tái phát hành) phần cổ phiếu mua lại sẽ không có khả năng được thực hiện.
Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến cơ cấu vốn của CTĐC, từ đó dẫn đến tỷ lệ biểu quyết, tỷ lệ sở hữu nước ngoài (nếu có) trong CTĐC sẽ liên tục biến động, gây xáo trộn trong cấu trúc vốn của công ty.
Đặc biệt là đối với các công ty bị hạn chế “room” về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, việc giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu của chính mình có thể dẫn đến việc vượt “room”, mặc dù việc vượt “room” này là do yếu tố khách quan, nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tuân thủ pháp luật về giới hạn “room” của NĐTNN trong chính CTĐC đó.
Hơn nữa, tinh thần sửa đổi Luật Chứng Khoán là để tiệm cận hơn so với pháp luật chứng khoán quốc tế, tuy nhiên, việc bỏ đi khái niệm/loại hình cổ phiếu quỹ là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cũng bàn về nội dung này, đại diện CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova – Novaland (NVL) nói đến quy định các trường hợp Công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình, chẳng hạn cổ phiếu của công ty đang là đối tượng chào mua công khai.
Theo NVL, một số cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng quy định bắt buộc chào mua công khai để hạn chế quyền mua lại cổ phiếu của công ty trong thời gian họ đang chào mua công khai. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cổ đông, của cán bộ nhân viên khi không được công ty mua lại cổ phiếu theo quy định của pháp luật và quy chế phát hành.
"Nghiêm trọng hơn là công ty không thể mua lại cổ phiếu như một biện pháp phòng vệ khi phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi thâu tóm cổ phiếu, gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty", đại diện Novaland nhấn mạnh.
Ngoại trừ trường hợp theo quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này, công ty đại chúng thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phiếu.
Theo Tờ trình Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), lý do của việc sửa đổi theo hướng giảm vốn điều lệ đối với cổ phần được công ty mua lại là để thống nhất với Điều 131 Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 131 Luật doanh nghiệp 2014 cho phép pháp luật về chứng khoán được quy định khác, có nghĩa là có thể không phải giảm vốn điều lệ.
Việc yêu cầu phải giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu của công ty sẽ gây khó khăn cho hoạt động công ty đại chúng.
Một số trường hợp điển hình như: Công ty thường xuyên mua lại cổ phiếu thưởng đã phát hành cho cán bộ nhân viên khi nghỉ việc hoặc các trường hợp khác theo quy chế phát hành. Sau đó bán lại, thưởng cho cán bộ nhân viên khác.
Hay, Công ty mua lại cổ phiếu khi nhận thấy cá nhân, tổ chức khác có hành vi thâu tóm cổ phiếu, gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Sau khi không còn yếu tố gây ảnh hưởng thì công ty bán lại số cổ phiếu này.
Theo đại diện Novaland, các trường hợp nêu trên diễn ra thường xuyên, do đó, nếu yêu cầu phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ, sau đó phải làm thủ tục tăng vốn điều lệ khi phát hành thêm cổ phiếu sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính cho công ty.
Băn khoăn mức giá mua lại ở Doanh nghiệp Nhà nước
Đại diện một Doanh nghiệp Nhà nước ý kiến tại hội thảo, theo quy định của Chính phủ về Cổ phần hóa, doanh nghiệp được bán cổ phần ưu đãi cho người lao động (không phải phát hành cho cán bộ công nhân viên như ESOP) với các tiêu chí về thời gian lao động, gắn bó, cống hiến… Nhưng vì lý do gì đó, người lao động nghỉ việc thì công ty phải mua lại.
Thế nhưng, bất cập ở điểm, nếu giá giao dịch trên thị trường cao hơn giá được mua thì người lao động đó phải bán cho CTCP với mức giá bằng với giá trước đó được mua. Còn nếu thị giá thấp hơn giá được mua thì lại phải bán lại theo giá giao dịch thấp đó.
Nếu công ty không mua, thì chủ sở hữu – là cổ đông Nhà nước sẽ đặt vấn đề để gom mua. Trên thực tế vừa qua, chúng tôi đã phải đăng ký mua và phải làm các thủ tục đăng ký với UBCK NN.
Tuy nhiên, trước đây cho phép được mua cổ phiếu quỹ không phải giảm vốn điều lệ, nhưng với quy định như trong dự thảo hiện nay là buộc phải giảm vốn điều lệ sau một năm (họp ĐHCĐ năm tới sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua).
"Trong doanh nghiệp, mỗi cán bộ công nhân viên, người lao động thường chỉ mua vài trăm đến vài nghìn cổ phần là họ đã nghỉ. Như vậy, trong 1 năm chỉ vài ba chục triệu cổ phần trong một doanh nghiệp có quy mô hàng ngàn tỷ đồng mà công ty cứ phải làm thủ tục để giảm vốn điều lệ thì rắc rối quá", đại diện Doanh nghiệp Nhà nước nhấn mạnh và chia sẻ "nên để cho công ty có quyền tự quyết định, có lợi thì họ chuyển nhượng hoặc họ giảm vốn".
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, điều phối buổi hội thảo cho rằng, quy định mua cổ phiếu quỹ bắt buộc giảm vốn điều lệ mà không ngoại trừ trường hợp bán ưu đãi cho người lao động, hoặc mua lại cổ phiếu ESOP đã phát hành trước đó - sẽ phiền toái cho doanh nghiệp.
"Nhưng chúng ta cũng đặt vấn đề lại, nếu không theo Luật Doanh nghiệp, chỉ theo Luật Chứng khoán thì sẽ có vấn đề".
Theo ông Dũng, trong quá trình soạn thảo, Luật Doanh nghiệp có quy định về nội dung này dù có để room cho Luật Chứng khoán nhưng quy định này là có lý.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn, trong quá trình thực hiện mua cổ phiếu quỹ theo các mục tiêu được ĐHCĐ, HĐQT thông qua thì thực hiện nghiêm túc. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp lạm dụng, không phải chỉ giảm vốn điều lệ để bớt cổ tức, tăng hiệu qủa hoạt động doanh nghiệp mà rõ ràng có những câu chuyện lợi dụng thị trường để kinh doanh trên vấn đề này.
Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ xem xét lại các nội dung.