Dự phòng đang “ăn” hết lợi nhuận ngân hàng

(ĐTCK) Mặc dù kế hoạch lợi nhuận 2015 đã được các ngân hàng cân nhắc và tính toán kỹ trước bối cảnh thị trường còn khó khăn, song nợ xấu kéo theo dự phòng cao vẫn đe dọa chỉ tiêu lợi nhuận và khả năng nhiều ngân hàng khó hoàn thành được mục tiêu kỳ vọng.
Dự phòng đang “ăn” hết lợi nhuận ngân hàng

Báo cáo tài chính bán niên vừa được Saigonbank đưa ra cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 của Ngân hàng đạt 122 tỷ đồng, giảm 1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng ghi nhận ở mức 104 tỷ đồng, tăng 7,2%.

Tuy nhiên, nửa đầu năm 2015, Saigonbank chỉ trích lập 61 tỷ đồng dự phòng rủi ro, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, khiến lợi nhuận không giảm mạnh. Đồng thời, với kết quả này, Saigonbank đã vượt 144% kế hoạch lợi nhuận đề ra khi đầu năm nay, nhà băng này đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế khá dè dặt ở mức 50 tỷ đồng, giảm 75% so với năm 2014.

Một trong những lý do khiến Saigonbank đưa ra kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn là do chỉ tiêu nợ xấu Ngân hàng phải bán cho VAMC trong năm 2015, theo lãnh đạo Saigonbank, ở mức khoảng 500 tỷ đồng và Ngân hàng đã tích cực rà soát để bán nợ xấu trong quý II/2015.

Vì thế, khoản dự phòng phải trích cũng không nhỏ với khoảng 10 - 20% tính trên tổng nợ xấu phải bán cho VAMC. Nếu trích đủ khoản này, lợi nhuận 2015 của Saigonbank có thể sẽ rất thấp. Mặc dù vậy, khoản dự phòng này phải đến quý IV/2015 hoặc gần về cuối năm mới buộc phải trích lập đầy đủ, nên lợi nhuận thu về trong 6 tháng đầu năm của Ngân hàng chưa bị ảnh hưởng.

Trên thị trường, hiện các ngân hàng đang chạy đua bán nợ xấu trước ngày 30/9 - thời điểm phải hoàn thành chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC theo quy định của NHNN. Vì thế, dự phòng rủi ro phải trích lập cho các khoản nợ xấu đã bán trong thời gian tới sẽ còn rất lớn.

Điều này cũng được tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ tại TP. HCM thừa nhận khi ông này cho rằng, khả năng ngân hàng sẽ phải điều chỉnh mức lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng đưa ra trong năm nay. Bởi theo vị tổng giám đốc trên, khoản nợ xấu ngân hàng phải bán cho VAMC xấp xỉ 500 tỷ đồng, nên chi phí dự phòng sẽ đội lên trong 2 quý còn lại của năm 2015 và như vậy sẽ khó đạt chỉ tiêu lợi nhuận. 

Không chỉ với những ngân hàng nhỏ, mà ngay các nhà băng lớn cũng chật vật để có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Mặc dù lợi nhuận quý I/2015 đạt trên 550 tỷ đồng, nhưng do chi phí dự phòng quý II/2105 của Eximbank tăng 14%, lên 166 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế còn lại trong quý này chỉ đạt 28,9 tỷ đồng, giảm 87% so với quý II/2014. Sau thuế, Ngân hàng lãi vỏn vẹn 26,9 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Eximbank lần lượt đạt 566 và 442 tỷ đồng, đều giảm 14% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là do 6 tháng đầu năm, Eximbank đã bán 75% nợ xấu cho VAMC theo chỉ tiêu được giao và xử lý thu hồi được 1.000 tỷ đồng nợ xấu. Kế hoạch từ nay đến cuối năm, Ngân hàng sẽ bán tiếp 500 tỷ đồng nợ xấu. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến lợi nhuận Eximbank giảm trong quý II/2015.

Trên thực tế, lượng nợ xấu bán cho VAMC chủ yếu được Ngân hàng thực hiện trong quý II/2015 nên giai đoạn này đòi hỏi dự phòng lớn và khả năng Eximbank còn phải trích dự phòng trong các quý sau. Điều này cũng được CTCK HSC dự báo trong bản tin nhận định thị trường mới công bố.

Theo đó, HSC cho biết đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế của Eximbank từ 1.041 tỷ đồng trong năm 2015 xuống 800 tỷ đồng dựa trên giả định sẽ không có khoản lợi nhuận từ thoái vốn cổ phiếu STB hoặc cổ tức tiền mặt từ STB, cùng với một số tác động từ những thay đổi trong tiêu chuẩn kế toán áp dụng cho dự phòng các khoản nợ xấu và dự phòng trái phiếu VAMC.

Theo HSC, chi phí dự phòng trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2015 chỉ được ghi nhận cho quý I/2015 và Eximbank vẫn chưa ghi nhận dự phòng cho quý II/2015. HSC lưu ý, Eximbank không trích lập bất kỳ dự phòng nào đối với trái phiếu đặc biệt VAMC trong 6 tháng đầu năm do những thay đổi về phương thức kế toán. Vì thế, HSC dự đoán, Eximbank sẽ phải trích lập khoảng 1.000 tỷ đồng dự phòng trong 6 tháng cuối năm 2015.

Tuy nhiên, HSC nhận định, vấn đề chất lượng tài sản của Eximbank được cải thiện và không phải là điểm lo ngại. Đến hết quý II, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) đạt 15%. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của ngân hàng này duy trì ở mức 75%.

Do phải tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu và trích dự phòng cao nên các ngân hàng không thể kỳ vọng lợi nhuận cao. Lãnh đạo một ngân hàng lớn cho biết, tổng nợ xấu đã bán cho VAMC đến cuối năm 2015 ở mức hơn 10.000 tỷ đồng.

Nếu theo quy định trích dự phòng 10% thì con số dự phòng đã lên gần 1.000 tỷ đồng cho mỗi năm. Như vậy, nhà băng này khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao trong quá trình tái cấu trúc, nên ngân hàng không thể chi trả cổ tức trong giai đoạn này. Đây không phải là trường hợp cá biệt, mà khá phổ biến ở các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.    

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục