Dữ liệu trong hệ thống ngân hàng vẫn đang chia mảnh khắp nơi, không được tập trung

(ĐTCK) Khảo sát của EY cho biết, 71% ngân hàng thừa nhận trong hệ thống dữ liệu không được chia sẻ với nhau, tức dữ liệu được chia mảnh khắp nơi không được tập trung.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2023 với chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số” diễn ra sáng 6/10, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, Thống đốc NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số có rất nhiều mục tiêu và trong 9 nhóm giải pháp có giải pháp khai thác tối đa hiệu quả của dữ liệu số.

Theo ông Dũng, ngân hàng là doanh nghiệp đặc thù cung cấp 3 hoạt động chính huy động vốn, cho vay, thanh toán. Trong đó, gửi tiết kiệm đã hoàn toàn điện tử; đối với hoạt động cho vay, Thông tư 06 đã hiệu lực ngày 1/9/2023 cho phép khách hàng vay trên môi trường điện tử với hạn mức là 100 triệu đồng, cho phép mở tài khoản bằng phương thức e-KYC.

"Tuy nhiên, cho vay trên môi trường điện tử có hai câu hỏi, thứ nhất, anh là ai, thứ hai, uy tín của anh thế nào, trả nợ làm sao? Nếu muốn trả lời hai câu hỏi này chỉ có thể là dữ liệu số. Chúng ta sử dụng dữ liệu căn cước công dân để là một nguồn dữ liệu đầu vào trả lời câu hỏi này", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều ngân hàng có số lượng giao dịch trên kênh số là hơn 90%, có những ngân hàng lên tới 97-98% và câu chuyện cung cấp các dịch vụ trên kênh số thì quản trị ngân hàng cũng phải thay đổi để đồng bộ.

"Các ngân hàng nên tập trung làm sạch, số hoá những dữ liệu chúng ta đã có bởi nếu không có dữ liệu sạch thì không có câu chuyện tiếp theo”, ông Dũng nói.

Tại Hội thảo, ông Alexy Thomas, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dữ liệu, EY Ấn Độ cho biết: “Hàng ngày có rất nhiều dữ liệu được cung cấp, tất cả đều có thể sử dụng, tận dụng và cần được khai thác bởi đây là nguồn nguyên liệu để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, câu chuyện thực tế không phải lúc nào cũng đẹp như mong muốn”.

Ông Alexy Thomas, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dữ liệu, EY Ấn Độ

Ông Alexy Thomas, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dữ liệu, EY Ấn Độ

Cũng theo ông Alexy Thoma, các ngân hàng truyền thống thực tế chưa tập trung nhiều vào dữ liệu. Khảo sát của EY cho biết, 71% ngân hàng thừa nhận trong hệ thống dữ liệu không được chia sẻ với nhau, tức dữ liệu được chia mảnh khắp nơi không được tập trung. Điều này có nghĩa là các tổ chức phải thu thập tập trung dữ liệu, làm sạch hoá dữ liệu.

“Các ngân hàng vẫn đang rất hạn chế trong vấn đề này dù xu hướng là đầu tư nhiều vào cấu trúc dữ liệu, nâng cao khả năng lưu trữ, chuyển lên cloud nhằm đảm bảo lưu trữ tập trung để tối ưu hoá hoạt động”, ông Alexy Thoma nói.

Phó Thống đốc nhận định, các ngân hàng lớn của Việt Nam đã chuyển mình, đã có những kho, trung tâm về dữ liệu; dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Bên cạnh đó, trong quá trình khách hàng thực hiện giao dịch phải ứng dụng dữ liệu để đảm bảo người thực hiện giao dịch là người đã đăng ký dịch vụ với ngân hàng.

“Không thể để tình trạng lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp”, ông Dũng nói.

Để khai thác hiệu quả dữ liệu số và đảm bảo an ninh an toàn, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, NHNN ban hành Quyết định số 297/QĐ-NHNN ngày 01/3/2022 về Kế hoạch triển khai và công bố danh mục dữ liệu mở của NHNN và Quyết định 305/QĐ-NHNN ngày 03/3/2022 về Kế hoạch triển khai và công bố Danh mục dữ liệu chia sẻ theo hình thức mặc định của NHNN.

“NHNN chỉ đạo các TCTD tăng cường công tác quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng TKTT cho mục đích gian lận, lừa đảo “, ông Anh Tuấn nói.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN

Bên cạnh đó, các TCTD xây dựng Data Warehouse, Datalake; triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư, ứng dụng dữ liệu dân cư. Cụ thể, 27 TCTD đã triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng; 42 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng CCCD gắn chip (4 TCTD đã ký kết hợp đồng và 1 TCTD đã chính thức triển khai dịch vụ

Về định hướng các giải pháp trong thời gian tới ông Phạm Anh Tuấn cho biết, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý ngành Ngân hàng. Cụ thể, Luật các TCTD (sửa đổi), dự án Luật các hệ thống thanh toán, Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản hướng dẫn, Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox); sửa đổi Quyết định 630/QĐ-NHNN theo hướng phân cấp hạn mức giao dịch, áp dụng các biện pháp xác thực bằng sinh trắc học...

Đồng thời, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng... Tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số như hạ tầng thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; hạ tầng thông tin tín dụng CIC...

“Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tiện lợi, chi phí thấp; nâng cấp, mở rộng kết nối mở rộng hệ sinh thái số lấy khách hàng làm trung tâm. Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân, bố trí nguồn lực phục vụ cho chuyển đổi số”, ông Anh Tuấn nói.

Dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp cùng Tập đoàn IEC tổ chức Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2023 vào ngày 6/10 năm 2023 tại Hà Nội; Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN) là đơn vị phối hợp chuyên môn.

Được tổ chức lần thứ 3 liên tiếp, Smart Banking 2023 với chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số”, sự kiện hướng tới mục tiêu mang đến một bức tranh toàn diện về các chiến lược, giải pháp ngân hàng số, các công nghệ định hình ngành ngân hàng và phát triển ngân hàng dựa trên dữ liệu. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 1.000 đại biểu cấp cao đến từ khối Chính phủ, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ thông tin...

Smart Banking 2023 bao gồm các hoạt động: 1 Phiên Toàn thể dự kiến được đồng chủ trì bởi đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; 3 Phiên Hội thảo chuyên đề về các vấn đề liên quan như: Chiến lược chuyển đổi số bền vững ngành ngân hàng dựa trên dữ liệu; Nâng cao trải nghiệm khách hàng trong xu hướng ngân hàng số tương lai; Đảm bảo an toàn thông tin mạng trong bối cảnh chuyển đổi số ngân hàng được chủ trì bởi lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan.

Trong khuôn khổ sự kiện Smart Banking 2023, chương trình Diễn tập đối kháng theo hình thức tấn công phòng thủ hệ thống (DF Cyber Defense 2023) là sự kiện thường niên quy mô lớn nhất về phòng, chống tấn công mạng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính tại Việt Nam. Bên cạnh đó là Triển lãm công nghệ về tài chính - ngân hàng với sự tham gia của 30+ nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục