VDF 2023 bàn chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 21/9/2023, Cục Tin học và Thống kê tài chính phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023 (Vietnam Digital Finance 2023 - VDF 2023) với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”.
Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển (thứ ba từ phải sang) tham quan triển lãm Tài chính số tại VDF 2023 sáng 21/9 Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển (thứ ba từ phải sang) tham quan triển lãm Tài chính số tại VDF 2023 sáng 21/9

VDF 2023 là hội thảo thường niên được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà quản lý, xây dựng chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, các chuyên gia công nghệ thông tin.

Đây là sự kiện có uy tín của ngành Tài chính với mục tiêu trở thành diễn đàn giúp các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những xu hướng mới trong lĩnh vực chuyển đổi số ngành Tài chính.

Chia sẻ tại Hội thảo VDF sáng 21/9, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông Hiển, trên thế giới và ở Việt Nam, tài chính số đang ở trong giai đoạn phát triển bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số được thực hiện dựa trên dữ liệu, vì vậy vai trò của dữ liệu ngày càng được khẳng định và chính sách về dữ liệu có vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay; dữ liệu được coi là “trái tim” của chuyển đổi số.

Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Hội thảo VDF 2023

Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Hội thảo VDF 2023

Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai xây dựng, ban hành các chiến lược, kế hoạch hành động ở tầm quốc gia về dữ liệu bao gồm cả chiến lược dữ liệu quốc gia nói chung đến các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về dữ liệu mở, dữ liệu lớn (Big data) nói riêng để phát triển dữ liệu, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khai thác để tạo ra giá trị.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định các chủ trương, định hướng lớn về dữ liệu như:

“Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế”, “Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia;

Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất. Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp;

Xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet ở các cơ quan nhà nước”.

Trên cơ sở đó, hoạt động chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, trong cả khối nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Các nền tảng số ứng dụng đang được phát triển mạnh mẽ, tập trung vào nội dung cốt lõi là dữ liệu.

Theo Bộ Tài chính, trong những năm qua, đơn vị này đã ban hành Nghị quyết và các quyết định về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số để thực hiện các Nghị quyết của Đảng và các nghị quyết, chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành tài chính và thu được nhiều kết quả nổi bật.

Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index).

Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công; các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng như: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; trong lĩnh vực hải quan: 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia...

Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của Bộ Tài chính trong triển khai thực hiện Nghị quyết 52 nói chung và trong chuyển đổi số nói riêng.

Khẳng định Việt Nam tiếp tục coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Phó trưởng Ban Kinh tế TW đề nghị, ngành tài chính cùng với các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương cần thảo luận, làm rõ kết quả chuyển đổi số chính của ngành Tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách, giải pháp hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính.

Ngành Tài chính cũng cần tập trung đề xuất triển khai các giải pháp nhằm từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu để thị trường dữ liệu là yếu tố đột phá cho phát triển kinh tế số và kích thích thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực; đề xuất các quy định, cơ chế trao đổi, liên thông chia sẻ dữ liệu… tạo không gian để khai thác các giá trị kinh tế của dữ liệu.

Đồng thời, ngành Tài chính nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu tiến tới chuẩn hóa, thống nhất dữ liệu liên ngành, liên lĩnh vực.

Việc triển khai giải pháp phát triển dữ liệu đi đôi với đảm bảo an toàn dữ liệu, đồng bộ với việc nâng cao nhận thức, năng lực khai thác, sử dụng dữ liệu an toàn.

VDF 2023 diễn ra cả ngày 21/9, bao gồm phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề.

Tại phiên chuyên đề 1 "Đổi mới quản lý thuế trong nền kinh tế số", các chuyên gia sẽ bàn về xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu để phát triển và chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử; quản lý rủi ro cho lĩnh vực thuế trong kỷ nguyên số; bảo mật dữ liệu quan trọng trước các cuộc tấn công mạng; áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý thuế.

Tiếp theo, các chuyên gia tham gia trao đổi, thảo luận các nội dung về “Đổi mới công tác quản lý thuế”.

Phiên chuyên đề 2 với chủ đề “Tối ưu hóa dữ liệu số trong chuyển đổi số ngành tài chính” các diễn giả sẽ tập trung thảo luận về khai thác sức mạnh của công nghệ AI và Blockchain trong các phần mềm quản lý tài chính; tạo đột phá trong thanh toán điện tử tại Việt Nam; trung tâm dữ liệu thế hệ mới cho lĩnh vực tài chính; Nâng cấp hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) cho ngành Tài chính; quản lý và lưu trữ dữ liệu trên nền tảng đám mây: thách thức và giải pháp; hạ tầng nền tảng mở cho chuyển đổi số ngành Tài chính.

Trong khuôn khổ VDF 2023, Bộ Tài chính còn tổ chức triển lãm về các kết quả ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính nói chung và thuế nói riêng. Bên cạnh đó là các gian hàng của các đơn vị với các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như các công nghệ về lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục