Dữ liệu kinh tế lạc quan giúp chứng khoán bay cao

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế được công bố trong những ngày đầu năm mới từ Mỹ tới Trung Quốc và châu Âu lạc quan giúp chứng khoán toàn cầu có tuần đầu năm khởi sắc.
Dữ liệu kinh tế lạc quan giúp chứng khoán bay cao

Trái ngược với dự báo, số lượng việc làm tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 12 chỉ là 148.000 việc làm, thấp hơn nhiều con số dự báo 190.000 việc làm của các nhà phân tích. Lý do tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng cuối năm 2017 chậm lại là do sự sụt giảm trong ngành bán lẻ. Tuy nhiên, mức lương hàng tháng lại gia tăng, cho thấy thị trường lao động của Mỹ vẫn đang tích cực.

Bất chấp dữ liệu việc làm không khả quan như kỳ vọng, chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên tăng điểm tốt trong phiên cuối tuần để có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm. Nếu tính 4 phiên giao dịch đầu tiên trong năm mới, phố Wall đã có tuần khởi đầu năm tốt nhất trong hơn 1 thập kỷ, trong đó S&P 500 và Nasdaq có tuần đầu năm tăng tốt nhất kể từ năm 2006, còn Dow Jone là từ năm 2003.

Trong phiên cuối tuần, phố Wall khởi sắc nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ khi chỉ số nhóm ngành này tăng 1,2% với sự hỗ trợ của các đại gia như Microsoft, Apple, Facebook, Alphabet.

Trong tuần, phố Wall cũng chứng khiến nhiều cái lần đầu, như Dow Jones lần đầu vượt qua ngưỡng 25.000 điểm, còn Nasdaq lần đầu chinh phục được ngưỡng 7.000 điểm.

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số Dow Jones tăng 220,74 điểm (+0,88%), lên 25.295,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,16 điểm (+0,70%), lên 2.743,15 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 58,64 điểm (+0,83%), lên 7.136,56 điểm.

Như vậy, sau tuần điều chỉnh cuối năm ngoái, phố Wall đã bật dậy mạnh mẽ trong tuần đầu năm 2018. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 2,33%, chỉ số S&P 500 tăng 2,60%, còn chỉ số Nasdaq tăng tới 3,38%.

Sự lạc quan về triển vọng kinh tế với các số liệu tích cực đưa ra trước đó giúp chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua, trong đó chỉ số FTSE 100 lên mức cao kỷ lục mới.

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 28,34 điểm (+0,37%), lên 7.724,22 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 151,75 điểm (+1,15%), lên 13.319,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 57,06 điểm (+1,05%), lên 5.470,75 điểm.

Sau 3 tuần trái chiều liên tiếp, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt tăng điểm trong tuần đầu năm mới. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 0,47%, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp, trong khi chỉ số DAX hồi phục ngoạn mục với mức tăng tới 3,11% sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó và chỉ số CAC 40 cũng hồi phục 2,98% sau khi giảm 0,97% tuần cuối năm 2017.

Tương tự, chứng khoán châu Á cũng duy trì sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần mới, trong đó chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên tăng thứ 6 liên tiếp, còn chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng thứ 9 liên tiếp nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản.

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 208,20 điểm (+0,89%), lên 23.714,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 78,16 điểm (+0,25%), lên 30.814,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,65 điểm (+0,20%), lên 3.392,36 điểm.

Trong tuần, dù chỉ 2 phiên giao dịch, nhưng chỉ số Nikkei 225 cũng có mức tăng khủng 4,17% sau khi giảm nhẹ 0,6% trong tuần trước đó, còn chỉ số Hang Seng tăng 2,99% và chỉ số Shanghai Composite cũng tăng 2,55% - tuần tăng thứ 3 liên tiếp của 2 chỉ số này.

Trong khi chứng khoán toàn cầu đồng loạt khởi sắc, thì giá vàng lại quay đầu giảm nhẹ trong phiên cuối tuần khi đồng USD hồi phục trở lại và áp lực chốt lời khi giá kim loại lên mức cao nhất 4 tháng.

Kết thúc phiên 5/1, giá vàng giao ngay giảm 3,2 USD/ounce (-0,24%), xuống 1.318,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 giảm 1,3 USD/ounce (-0,1%), xuống 1.320,3 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,25% và giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 1,16%. Đây là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của giá vàng, dù biên độ chỉ bằng một nửa so với tuần cuối cùng của năm 2017.

Dù chứng khoán khởi sắc, nhưng với bảng lương phi nông nghiệp kém khả quan vừa được công bố, làm giảm khả năng Fed tăng lãi suất, giá vàng tiếp tục được dự báo sẽ tăng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 20 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 11 người, chiếm 55% dự báo giá vàng sẽ tăng tuần này, chỉ có 5 người, chiếm 25% dự báo giảm và 4 người còn lại, chiếm 20% dự báo giá vàng sẽ không thay đổi.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 775 lượt người tham gia, trong đó có 477 lượt, chiếm 62% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần thứ 2 của năm 2018, có 217 lượt bình chọn, chiếm 28% dự báo giá vàng sẽ giảm trở lại và 81 lượt, chiếm 10% giữ quan điểm trung lập.

Tương tự giá vàng, giá dầu thô cũng quay đầu giảm trong phiên cuối tuần sau khi lên mức cao nhất hơn 2 năm khi sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt đã vọt lên 9,78 triệu thùng/ngày, bù đắp lượng cắt giảm của OPEC.

Kết thúc phiên 5/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,57 USD (-0,93%), xuống 61,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,45 USD (-0,67%), xuống 67,62 USD/thùng.

Dù giảm trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô cũng có tuần mở đầu năm mới tích cực khi có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt 1,69% và 1,50% nhờ cuộc khủng hoảng chính trị tại Iran, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 OPEC.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục