Bộ Lao động Mỹ đầu ngày thứ Năm công bố báo cáo cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm 14.000 xuống còn 385.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 31/7, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Bên cạnh đó, cơ quan này cho biết thêm, số lượng nhân viên bị sa thải giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 21 năm trong tháng 7 trong bối cảnh các doanh nghiệp nỗ lực giữ chân nhân công do thiếu hụt lao động.
Vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy, làn sóng dịch bệnh thứ tư do biến thể delta gây ra đang làm gián đoạn hoạt động của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn ghi nhận giảm ở Florida, một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Covid-19 thứ tư hiện nay. Texas, Pennsylvania, Michigan và Tennessee cũng có sự sụt giảm đáng kể.
Mặt khác, báo cáo riêng từ Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Năm cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 6 đã tăng lên mức kỷ lục 75,7 tỷ USD. Con số này cũng cao hơn dự báo trước đó và biến tháng 6/2021 trở thành tháng có mức thâm hụt thương mại cao nhất từ trước tới nay khi Mỹ gia tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu mạnh mẽ của người dân.
Thị trường hiện đổ dồn sự chú ý vào báo cáo việc làm cho tháng 7 sẽ được công bố vào thứ Sáu(6/8). Đây cũng sẽ là dữ liệu quan trọng có thể tác động lên các chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Đầu tuần này, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, ông ủng hộ việc Fed cắt giảm các khoản thu mua trái phiếu vào tháng 9 nếu báo cáo việc làm tiếp theo cho kết quả tích cực. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cho biết, nếu đà phục hồi kinh tế tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, việc tăng lãi suất sẽ diễn ra vào năm 2023.
Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall tăng điểm trong phiên đêm qua với nhóm cổ phiếu du lịch, năng lượng phục hồi sau khi bị bán tháo vào tuần trước. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đều đi ngang và có xu hướng giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Dow Jones tăng 271,58 điểm (+0,78%), lên 35.064,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,44 điểm (+0,60%), lên 4.429,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 114,58 điểm (+0,78%), lên 14.895,12 điểm.
Chứng khoán châu Âu giữ vững đà tăng ổn định trong phiên giao dịch ngày thứ Năm nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ xua tan lo ngại về tình hình dịch bệnh. Chương trình tiêm chủng ổn định dự kiến sẽ mang lại cuộc sống bình thường cho châu Âu vào cuối năm nay và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi.
Kết thúc phiên 5/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,43 điểm (-0,05%), xuống 7.120,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 52,54 điểm (+0,33%), lên 15.744,67 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 34,96 điểm (+0,52%), lên 6.781,19 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, được củng cố bởi nhóm cổ phiếu vận tải biển, song mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại về tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Chứng khoán Trung Quốc giảm trở lại sau khi truyền thông tiếp tục đưa các thông tin gây áp lực lên nhóm cổ phiếu trò chơi trực tuyến.
Chứng khoán Hồng Kông giảm sau một phiên giao dịch đầy biến động do sự không chắc chắn xung quanh việc thắt chặt quy định trong lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, chịu áp lực bởi sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 do biến thể delta gây ra.
Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 144,04 điểm (+0,52%), lên 27.728,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,67 điểm (-0,31%), xuống 3.466,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 221,86 điểm (-0,84%), xuống 26.204,69 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 4,25 điểm (-0,13%), xuống 3.276,13 điểm.
Giá vàng đêm qua đi xuống trong bối cảnh đồng USD phục hồi, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 1,22%.
Kết thúc phiên 5/8, giá vàng giao ngay giảm 7,50 USD (-0,41%), xuống 1.804,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 5,60 USD (-0,31%), xuống 1.806,50 USD/ounce.
Giá dầu quay trở lại đà tăng vào thứ Năm trước sự gia tăng căng thẳng tại Trung Đông gia tăng, tuy nhiên mức tăng bị hạn chế bởi những lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ tư đe doạ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Đầu ngày thứ Năm, máy bay phản lực của Israel tấn công vào các căn cứ mà quân đội nước này cho là các địa điểm phóng tên lửa ở Lebanon, đáp trả hai quả tên lửa bắn về phía Israel từ lãnh thổ Lebanon trước đó.
Xung đột diễn ra sau một cuộc tấn công vào một tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Oman vào thứ Năm tuần trước (29/7) mà Israel đổ lỗi cho Iran. Hai thành viên phi hành đoàn, một người Anh và một người Romania, đã thiệt mạng sau cuộc tấn công. Iran sau đó đã phủ nhận mọi liên quan.
Kết thúc phiên 5/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,94 USD (+1,4%), lên 69,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,91 USD (+1,3%), lên 71,29 USD/thùng.