Du lịch nông nghiệp: Lối mở bền vững cho kinh tế du lịch Đồng Tháp

0:00 / 0:00
0:00

Phát triển du lịch nông nghiệp giúp du lịch Đồng Tháp có thêm nhiều gam màu mới, tạo ra nhiều giá trị, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng đất Sen hồng.

Tour du lịch sông nước, tham quan miệt vườn, trải nghiệm cuộc sống làm nông nghiệp... là một trong những “đặc sản” của du lịch Đồng Tháp. Tour du lịch sông nước, tham quan miệt vườn, trải nghiệm cuộc sống làm nông nghiệp... là một trong những “đặc sản” của du lịch Đồng Tháp.

Phát triển du lịch nông nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng đặc trưng riêng của địa phương không chỉ giúp bà con tăng thu nhập đáng kể, mà còn giúp du lịch Đồng Tháp có thêm nhiều gam màu mới, tạo ra nhiều giá trị, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng đất Sen hồng.

Khởi sắc du lịch nông nghiệp

Gần đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp triển khai và truyền thông sâu rộng về hình ảnh “Nông dân chuyên nghiệp” - những người nông dân biết sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình; biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất với mức giá hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng. Đó là những người nông dân có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế làm giàu cho bản thân và xã hội…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, những năm qua, việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp giúp nông dân Đồng Tháp cải thiện thu nhập gấp nhiều lần so với canh tác đơn thuần. Nông dân Đồng Tháp đang từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.

Giai đoạn 2016 - 2020, các điểm tham quan vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đón tiếp trên 150.000 lượt khách du lịch với tổng doanh thu đạt trên 43 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy, phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi mới đầy triển vọng, giúp Đồng Tháp nối dài chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nông thôn vùng đất Sen hồng cũng có cơ hội khoác lên mình diện mạo tươi mới hơn.

Không theo lối mòn, người Đồng Tháp chọn hướng phát triển du lịch phù hợp với điều kiện sẵn có của địa phương, dựa trên tiềm năng nông nghiệp. Từ 10 năm trước, nhiều nông dân ở làng hoa Sa Đéc, các nhà vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung đã bắt đầu làm quen với việc đón khách phương xa vào thưởng lãm khu vườn của mình. Từ chỗ chưa quen với việc làm dịch vụ, tiếp đãi du khách, các “hướng dẫn viên nông dân” của Đồng Tháp ngày càng chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, các homestay, hội quán du lịch ra đời phục vụ ngành du lịch theo hướng bền vững.

Tiếp xúc với nhiều nông dân làm du lịch nông nghiệp tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy, đa phần đều tỏ ra phấn khởi và có tâm lý cởi mở, vui vẻ hơn. Không những vậy, tư duy sản xuất và công việc đồng áng của họ cũng thay đổi nhiều so với trước đây. Thay vì sử dụng thuốc hóa học, những người nông dân đã lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học để phun xịt cho cây trồng…

Nhiều nông dân trong tỉnh bắt đầu có góc nhìn khác về du lịch, thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, họ có thể bán được nông sản với giá trị cao, không còn lo “được mùa mất giá” hoặc bị ép giá… Nhờ nguồn thu từ phát triển dịch vụ du lịch, giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất của bà con nông dân tăng lên rất nhiều.

Người nông dân cũng tự ý thức và tự giác kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, bởi họ hiểu rằng, nếu sản xuất nông nghiệp không an toàn, thì khách du lịch sẽ không quay lại. Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch, diện mạo nông thôn được người dân quan tâm nhiều hơn, thôn xóm được chăm chút hơn để đón khách. Vì vậy, khi phát triển du lịch nông nghiệp, không chỉ ngành du lịch được hưởng lợi, mà còn giúp định vị lại ngành nông nghiệp Đồng Tháp theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường...

Hướng tới phát triển bền vững

Các chuyên gia đánh giá, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch nông nghiệp, nhưng để có thể “đi đường dài”, thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Trong đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là thay đổi tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp cho người nông dân.

Việc hình thành nhiều điểm du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp là điều đáng mừng, nhưng trên thực tế, không phải điểm du lịch nào cũng am hiểu về du lịch để có thể phục vụ chuyên nghiệp. Thông thường, bà con làm du lịch theo kiểu “bán cái mình có” và chưa quan tâm nhiều đến đến cảm xúc mà du khách cần.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, nếu làm du lịch không vì đam mê, thì rất khó để phát triển bền vững. Du khách đến với đất Sen hồng không chỉ để thưởng lãm, ngắm hoa, mà họ còn muốn tận hưởng bầu không khí bình yên, cảm nhận nét văn hóa mộc mạc chân tình từ người dân bản địa. Theo đó, để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, người dân phải sản xuất nông nghiệp tử tế: không lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tạo ra sản phẩm an toàn, dễ dàng tiêu thụ; cùng với đó, phải giữ chữ tín trong sản xuất - kinh doanh, cùng tham gia xây dựng xóm làng bình yên, môi trường sống an toàn, lành mạnh… để giữ chân du khách

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng bền vững đòi hỏi có sự tham gia của cả cộng đồng làm du lịch. Những người làm du lịch cần ý thức rõ, không có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng với du khách, đặc biệt, phải luôn tâm niệm, phát triển du lịch không chỉ vì nguồn lợi kinh tế, mà còn vinh dự và trách nhiệm của người Đồng Tháp. Vì vậy, ngay từ lần đầu tiên, phải khiến du khách cảm mến sự chân tình của người dân đất Sen hồng, để họ muốn quay trở lại Đồng Tháp thêm nhiều lần nữa.

Giáo sư Phan Văn Trường, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, để tránh đầu tư sai lầm không cần thiết trước khi làm du lịch, địa phương và người làm du lịch phải hiểu rõ thế mạnh của mình là gì, phân khúc khách hàng tiềm năng của mình nằm ở đâu.

Hiện nay, bên cạnh phân khúc khách hàng muốn tận hưởng những dịch vụ du lịch cao cấp, thì phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình, thích đi du lịch để khám phá và trải nghiệm cũng có tiềm năng rất lớn. Họ rất thích khám phá văn hóa bản địa, cùng ăn, cùng ở với nông dân để trải nghiệm cuộc sống làm nông nghiệp.

“Đối với phân khúc khách hàng này, Đồng Tháp không cần đầu tư nhiều hạ tầng cao cấp. Tuy nhiên, đổi lại, dịch vụ phục vụ phải đảm bảo, đặc biệt phải tạo được cho du khách tâm lý thoải mái và cảm giác an toàn khi đến thăm và nghỉ dưỡng tại địa phương. Nếu đáp ứng được những nhu cầu cơ bản này của khách du lịch, cộng với thái độ phục vụ tốt, hiếu khách, chuyên nghiệp, thì chuyện phát triển du lịch nông nghiệp của Đồng Tháp không phải là mục tiêu quá khó khăn”, Giáo sư Phan Văn Trường nhấn mạnh.

Có thể thấy, thời gian qua, việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp đã giúp tư duy của người nông dân thay đổi, bộ mặt nông thôn Đồng Tháp cũng được cải thiện rất nhiều. Người nông dân bước đầu quen với việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, để phát triển du lịch theo hướng bền vững, thời gian tới, cần có sự định hướng, đồng hành liên tục từ chính quyền địa phương và các đơn vị lữ hành, sự chung tay của bà con nông dân trong việc ý thức tự thay đổi tư duy, từng bước chuyên nghiệp, sáng tạo hơn với mô hình kinh tế mới đầy tiềm năng như du lịch nông nghiệp.

Đồng Tháp kích cầu du lịch dịp Tết Nguyên đán 2021

Tiếp tục thực hiện Chương trình kích cầu “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động, một số khu điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Chương trình kích cầu du lịch đến cuối năm 2020, đồng thời thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới:

Khu du lịch Văn hóa Phương Nam giảm 10% giá vé tham quan từ thứ Hai đến thứ Sáu; giảm 20% giá vé tham quan thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết; giảm 20% dịch vụ ăn uống (theo thực đơn).

Khu du lịch Tràm Chim miễn phí vé tham quan cho người dưới 16 tuổi; giảm 20% vé tham quan (áp dụng đoàn 5 khách); giảm 50% vé tham quan (áp dụng đoàn 10 khách trở lên); giảm 10% dịch vụ ăn uống (theo thực đơn); tiếp tục hoàn thiện và triển khai chương trình trải nghiệm mùa nước nổi, trải nghiệm làm ngư dân, ngắm chim mùa sinh sản, thưởng thức những món ăn, thức uống đặc sản miền sông nước…

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc giảm 20% dịch vụ lưu trú tại các căn hộ Khu làng Hòa An xưa. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng giảm 40% giá vé vào cổng (áp dụng cho sinh viên, học sinh, khách lẻ); giảm 50% giá vé vào cổng và giảm 2%/hóa đơn dịch vụ ăn uống cho các công ty lữ hành. Khu Di tích Xẻo Quít miễn phí vé tham quan cho người dưới 16 tuổi; giảm 20% giá vé tham quan (áp dụng đoàn 5 khách trở lên); giảm 10% dịch vụ ăn uống (theo thực đơn).

Nhiều nhà hàng, khách sạn, homestay, đơn vị tổ chức tua du lịch… trên toàn tỉnh cũng đăng ký giảm giá dịch vụ từ 15 - 20% để thu hút du khách đến với xứ sở Sen hồng Đồng Tháp.

Các điểm tham quan tại Làng hoa Sa Đéc cũng đã chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư thêm các tiểu cảnh gắn liền với trồng nhiều hoa kiểng phục vụ cho Lễ hội hoa sắp tới. Các điểm tham quan tại Khu đồng sen Tháp Mười chuẩn bị cho mùa sen nở, phục vụ khách du lịch vào dịp cận Tết. Các điểm tham quan Vườn quýt hồng (Lai Vung) đang chuẩn bị lấy trái vào mùa Tết để đón khách tham quan du lịch và trải nghiệm.

Song song đó, Đồng Tháp đã hình thành và phát triển thêm các điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng mới với nét riêng ấn tượng, như Farmstay Ao Nhà (huyện Tân Hồng), Farmstay Việt Mekong (huyện Tam Nông), Sa Nhiên Garden và Homestay Neverland de Papillons (TP. Sa Đéc); Homestay Vườn xanh (huyện Thanh Bình)...

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục