Truyền thông Mỹ ngày 3/8 đưa tin Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến vào đầu tháng 9 tới sẽ hoàn tất thủ tục để phê duyệt đầy đủ việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNtech do Mỹ và Đức hợp tác bào chế.
Theo tờ New York Times, thời hạn chưa chính thức mà FDA dự kiến phê duyệt đầy đủ vaccine trên là vào ngày "Lễ Lao động" (6/9). Cuối tuần trước, FDA cũng khẳng định đang đẩy nhanh hết mức có thể việc phê duyệt vaccine của Pfizer, trong khi Tổng thống Joe Biden cho biết ông hy vọng FDA sẽ đưa ra quyết định vào đầu mùa Thu.
Vaccine của Pfizer/BioNtech đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào cuối năm ngoái. Việc FDA phê duyệt đầy đủ loại vaccine này có thể giúp người Mỹ an tâm hơn về độ an toàn cũng như nguy cơ gặp tác dụng phụ của vaccine, từ đó thúc đẩy thêm nhiều người Mỹ quyết định đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Hiệp hội y tế Canada (CMA) và Hiệp hội y tá Canada (CNA) đang lên tiếng kêu gọi nước này triển khai tiêm chủng bắt buộc vaccine phòng COVID-19 đối với nhân viên y tế.
Chủ tịch CMA, Tiến sĩ Ann Collins, khẳng định: "Đã có nhiều bằng chứng quan trọng cho thấy vaccine an toàn và hiệu quả." Với tư cách là các chuyên gia y tế dẫn dắt chiến dịch tiêm chủng, Tiến sĩ Collins cho rằng lời kêu gọi của các hiệp hội y tế tại thời điểm hiện tại "là đúng đắn và thích hợp."
Theo các hiệp hội trên, tiêm chủng bắt buộc sẽ bảo vệ bệnh nhân và người lao động trước nguy cơ mắc COVID-19, đồng thời giúp duy trì năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nhiều tổ chức y khoa khác, trong đó có Hiệp hội y tế Ontario và Hiệp hội y tá Ontario cũng đã kêu gọi tiêm vaccine bắt buộc đối với nhân viên y tế.
Cho đến nay, chính phủ liên bang cũng như chính quyền các tỉnh tại Canada chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm vaccine, trong khi nhiều nước ở châu Âu như Pháp, Italy và Hy Lạp đã ban hành luật yêu cầu các nhân viên y tế phải tiêm chủng bắt buộc.
Tiến sĩ Katharine Smart thuộc CMA cho rằng để giữ an toàn và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, tỷ lệ tiêm chủng cho các nhân viên y tế phải đạt mức xấp xỉ 100%.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số nhân viên y tế được tiêm chủng, nhưng tỷ lệ được tiêm chủng cho nhóm đối tượng đủ điều kiện từ 12 tuổi trở lên, đã đạt tới 81%, trong đó 68% đã được tiêm chủng đầy đủ, đưa Canada trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng.
Một số chuyên gia cảnh báo Canada đang đứng trước nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ tư, trong bối cảnh biến thể Delta đang chiếm phần lớn các ca nhiễm mới ở nước này. Theo thống kê, trong vòng 7 ngày tính đến 2/8, Canada ghi nhận thêm 4.058 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên hơn 1,4 triệu ca, trong đó hơn 26.000 người đã tử vong.