Ngày 10/2, NHNN đã công bố một số nội dung liên quan đến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, NHNN dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước đó, dự thảo Nghị định nhận được sự quan tâm và tham gia ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Một số cho rằng, tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 49% chỉ áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán - không phải tất cả công ty Fintech.
Ngược lại, một số khác cho biết nếu hạn chế tỷ lệ sở hữu có thể ảnh hưởng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng và Fintech nói chung. Ngoài ra, thực tế hiện nay một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.
Đồng thời, theo dự thảo, với mô hình giao đại lý, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ.
Chính sách mới này nhằm hỗ trợ phổ cập tài chính sâu rộng hơn tới đông đảo người dân bằng việc tăng cường đưa dịch vụ tài chính tới những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, theo thống kê của NHNN đến thời điểm 14/11/2019, cả nước có 32 đơn vị, trong đó riêng tại TP.HCM có 10 đơn vị, nhưng hoạt động của các đơn vị này phát triển rất mạnh, với sự hợp tác, nối kết thanh toán rộng khắp.
Đơn cử Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (MoMo) ký kết hợp tác với 16 ngân hàng, 474 đơn vị chấp nhận thanh toán; Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt ký kết hợp tác với 14 ngân hàng, 211 đơn vị chấp nhận thanh toán… đã góp phần thay đổi mạnh mẽ trong ý thức và hành vi tiêu dùng và sử dụng dịch vụ ngân hàng của đại bộ phận người dân.
Theo chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng, NHNN đã được giao trình Chính phủ Nghị định này trong tháng 6/2020.
Ngoài ra, trong năm nay, Chính phủ giao NHNN hoàn thiện khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ vào hoạt động.