Dù khó khăn, doanh nghiệp FDI vẫn đóng góp quan trọng đối với kinh tế Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
29 trên 51 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn Bình Định kinh doanh thua lỗ, lợi nhuận âm trong năm 2022, song đây là khu vực đang có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Dù khó khăn, doanh nghiệp FDI vẫn đóng góp quan trọng đối với kinh tế Bình Định

Theo báo cáo tài chính (bản cứng đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán độc lập) từ Sở Tài chính và dữ liệu báo cáo tài chính kết xuất từ Cục Thuế cung cấp, trong năm 2022, tỉnh Bình Định có 51 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về quốc gia, Nhật Bản đứng đầu với 13 doanh nghiệp, tiếp sau là Trung Quốc (10 doanh nghiệp); về lĩnh vực, chiếm số lượng nhiều nhất là sản xuất, chế biến thực phẩm và sản xuất trang phục (đều có 8 doanh nghiệp).

Qua phân tích tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đánh giá “nhìn chung các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh có tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao so với năm 2021 vì chịu ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới”.

Về lợi nhuận, tổng giá trị lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp FDI là 286,706 tỷ đồng, tăng hơn 52 tỷ đồng so với năm 2021 (tăng 22,63%); tổng số doanh nghiệp có lãi trước thuế năm 2022 là 21 doanh nghiệp với giá trị lãi là hơn 661 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 29 doanh nghiệp FDI có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, không mang lại hiệu quả (lợi nhuận âm), giảm 2 doanh nghiệp so với năm 2021 với tổng với giá trị lỗ trước thuế là hơn 375 tỷ đồng.

Hầu hết các lĩnh vực đều có doanh nghiệp bị lỗ nhưng tập trung nhiều ở các lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm và sản xuất trang phục (đều có 3 doanh nghiệp)

Tiếp đến là chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; dịch vụ lưu trú; hoạt động kinh doanh bất động sản (đều có 2 doanh nghiệp).

Về doanh thu, doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất là Công ty TNHH Sinh Hóa Minh Dương Việt Nam (sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột) khi tăng gấp 2,6 lần so với năm 2021, đạt giá trị 1.521,475 tỷ đồng.

Dù vậy, 14 doanh nghiệp FDI có doanh thu giảm so với năm 2021, giảm mạnh nhất là các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản (giảm hơn 144 tỷ đồng), bán buôn (giảm hơn 38 tỷ đồng). Công ty cổ phần Việt – Úc Bình Định (nuôi trồng thuỷ sản biển) là doanh nghiệp có mức độ giảm mạnh nhất hơn 144 tỷ đồng, giảm 39,55%.

Tuy tình hình hoạt động khó khăn, UBND tỉnh Bình Định cho biết, nguồn vốn FDI có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giúp bổ sung nguồn vốn đầu tư, tăng cường xuất khẩu, tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách cùng nhiều lợi ích khác.

Điều này thể hiện khi trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (không bao gồm dầu thô) của khu vực doanh nghiệp FDI ở tỉnh Bình Định là 376.596 nghìn USD; trong đó xuất khẩu là 190.464 nghìn USD, nhập khẩu là 186.132 nghìn USD.

Ngoài ra, trong năm 2022, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp ngân sách địa phương là hơn 124 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Định có 18 doanh nghiệp có số đã nộp ngân sách nhà nước trên 1 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng như Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam 23,868 tỷ đồng; Công ty TNHH ANT (MV) 19,746 tỷ đồng; Công ty cổ phần Fresenius Kabi Việt Nam 17,803 tỷ đồng và Công ty cổ phần Năng lượng và Công nghệ cao TTP Bình Định 11,404 tỷ đồng…

UBND tỉnh Bình Định cũng đề cập, các doanh nghiệp FDI không những đóng góp về kinh tế mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm, ổn định cuộc sống người lao động trên địa bàn tỉnh với tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này trong năm 2022 là 11.549 người.

Nguyễn Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục