Du khách Việt chưa mặn mà “xuất ngoại”

0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu của Công ty Visa về “Tiếng nói người tiêu dùng” mới đây cho biết, đa phần người Việt ưu tiên du lịch, giải trí trong nước.
Du khách có xu hướng chọn các tour nội địa, thay vì du lịch nước ngoài Du khách có xu hướng chọn các tour nội địa, thay vì du lịch nước ngoài

Ưu tiên du lịch trong nước

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết, trong năm 2022, phần lớn người Việt vẫn lựa chọn du lịch nội địa, khi có tới 76% người được hỏi đang lên kế hoạch du lịch nội địa và chỉ có khoảng 38% cho biết sẽ lập kế hoạch du lịch nước ngoài.

Sự chênh lệch này còn thể hiện qua quyết định về điểm đến cho các chuyến công tác (60% số đó là chuyến đi nội địa và 37% là chuyến đi nước ngoài). Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của ngành du lịch khi vấn đề sức khỏe và an toàn được chú trọng hàng đầu, cùng với các cân nhắc lựa chọn điểm đến và phương tiện di chuyển.

Bà Dung thông tin, kế hoạch du lịch phụ thuộc mật thiết vào tình hình dịch bệnh với 3 yếu tố liên quan. Theo đó, sự ổn định của tình hình Covid-19 tại điểm đến là yếu tố quan trọng nhất, khi 63% người được khảo sát lựa chọn; tiếp theo là việc được tiêm vắc-xin đầy đủ (48%); số ca mắc bệnh toàn cầu giảm xuống (40%). Các địa điểm trong nước sẽ phù hợp hơn với đại đa số người Việt cho kỳ nghỉ cuối tuần và chuyến du lịch ngắn ngày.

Giám đốc Visa Việt Nam và Lào đưa ra gợi mở: “Gần gấp đôi số du khách Việt lựa chọn du lịch trong nước, đến những nơi có thể đáp ứng các yêu cầu mới trong bối cảnh đại dịch. Doanh nghiệp nên tận dụng xu hướng du lịch nội địa bằng cách đảm bảo sự an toàn và an tâm trong mọi khía cạnh dịch vụ, bao gồm cả hoạt động thanh toán. Đại dịch đã thúc đẩy việc sử dụng hình thức thanh toán điện tử và không tiếp xúc ở hầu hết các nhóm người tiêu dùng, khiến trải nghiệm thanh toán tiện lợi và an toàn trở thành một kỳ vọng cơ bản”.

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.

Nghiên cứu của Visa còn cho biết, bất chấp những lợi ích to lớn đạt được thông qua việc mở cửa có kiểm soát biên giới và ngành công nghiệp du lịch, bong bóng du lịch chỉ thu hút được sự quan tâm vừa phải của người Việt khi hơn một nửa (52%) cho rằng, họ có quan tâm, tuy nhiên không phải ở thời điểm hiện tại.

Như một hệ quả của đại dịch, mọi người ưu tiên lựa chọn khám phá những địa điểm gần nơi mình sinh sống hơn là những địa điểm ở xa, khiến xu hướng du lịch tại chỗ - du lịch ngay tại chính thành phố mình ở, ngày càng lên ngôi. Có khoảng 1/3 số người được khảo sát cho biết, họ sẽ lên kế hoạch, đặt phòng và lựa chọn du lịch tại chỗ khi không còn những quy định ràng buộc. Đồng thời, 30% số người được hỏi cũng cho biết, họ sẽ lựa chọn tham quan những địa điểm du lịch tại địa phương.

Phát triển du lịch nội địa

Thực tế, kể từ khi “sóng thần” Covid-19 ập đến, nhiều du khách Việt Nam đã hủy kế hoạch du lịch và tìm đến các phương thức thay thế. Du lịch trực tuyến chứng kiến sự gia tăng đột biến khi ngày càng nhiều người Việt tìm kiếm ảnh và video liên quan đến du lịch để thỏa mãn đam mê dịch chuyển. Hơn một nửa (53%) số người khảo sát đã chọn xem video du lịch trên YouTube và 40% lựa chọn xem các trang du lịch trên mạng xã hội như một giải pháp du lịch thay thế, theo sau là 38% lựa chọn tham gia các tour du lịch trực tuyến.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 3.500 lượt; lượng khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng doanh nghiệp lữ hành giảm mạnh còn 2.964 doanh nghiệp, trong đó có 2.111 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 853 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Dù rất khó khăn, song trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, năm qua ngành du lịch đã chủ động, kịp thời tham mưu các cấp có thẩm quyền, cộng đồng doanh nghiệp chủ động vượt khó.

Đơn cử, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động kịp thời; tăng cường thực hiện các chính sách kích cầu, khôi phục du lịch nội địa; phối hợp tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, linh hoạt; các điểm đến, doanh nghiệp du lịch và hàng không “bắt tay” xây dựng những chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, nhiều ưu đãi. Nhờ đó, du lịch nội địa đã bắt đầu hồi sinh vào cuối năm 2021. Đặc biệt, sau gần 2 năm hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ, Việt Nam đã đón những vị khách quốc tế đầu tiên đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang.

Theo Tổng cục Du lịch, trải qua các đợt dịch liên tiếp, hầu hết doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng rất khó khăn, khó có thể duy trì hoạt động, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu.

Để ngành du lịch phục hồi, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần phải đổi mới công tác xúc tiến du lịch, trước hết, cần ứng dụng mạnh mẽ maketing số, số hóa các tài nguyên du lịch.

Nỗ lực phục hồi du lịch mạnh mẽ trong năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã khẳng định, du lịch nội địa vẫn là ưu tiên số một, tiếp đó tiến tới mở cửa thị trường quốc tế.

“Tới đây, toàn ngành du lịch sẽ hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi; hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch có cơ hội phục hồi và phát triển; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới; phát triển du lịch thông minh, xây dựng các sản phẩm “du lịch không chạm”; xúc tiến quảng bá du lịch hướng tới các thị trường mục tiêu…”, người đứng đầu ngành kinh tế xanh chia sẻ những giải pháp cơ bản.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục