Thêm 2 địa phương được đón du khách quốc tế
Từ ngày 20/11 đến hết năm 2021, Việt Nam đã đón khoảng 3.500 du khách quốc tế theo chương trình thí điểm “hộ chiếu vắc-xin”. Dự kiến, trong tháng 1/2022, hàng chục chuyến bay chở khách quốc tế sẽ tới các điểm đến ở Việt Nam như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Ngoài ra, nhiều đoàn khách bị hoãn cuối năm 2021 cũng sẽ lên lịch trở lại Việt Nam vào quý I/2022. Đó là điều đáng mừng, nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm đưa ra những giải pháp hiệu quả để tiến tới mở cửa toàn bộ thị trường du lịch quốc tế.
Tổng cục Du lịch cho biết, Việt Nam đã công nhận “hộ chiếu vắc-xin” của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ và đang tích cực trao đổi với các đối tác khác về việc công nhận “hộ chiếu vắc-xin” lẫn nhau. Đặc biệt, cùng với các địa phương Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh ở giai đoạn I, mới đây, Chính phủ đã đồng ý bổ sung TP.HCM và Bình Định được thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam theo chương trình thí điểm “hộ chiếu vắc-xin”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận mở rộng phạm vi đón khách du lịch đến Việt Nam trong giai đoạn II của lộ trình thí điểm. Theo đó, dự kiến cho phép người Việt Nam học tập, sinh sống ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt Nam có thẻ xanh Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia tham gia chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Đây là những người đang có nhu cầu về Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Đối với phạm vi đón khách, Bộ đề nghị cho phép khai thác khách du lịch outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) đối với các thị trường cho phép đón khách du lịch Việt Nam.
Kỳ vọng khôi phục kết nối
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng chương trình đón khách quốc tế trong năm 2022, các đại sứ và đại diện cơ quan du lịch nước ngoài tại Việt Nam đều bày tỏ kỳ vọng khôi phục kết nối và trao đổi khách với thị trường Việt Nam.
Chia sẻ kết quả khảo sát gần đây của Tổng cục Du lịch Singapore (STB) về nguyện vọng du lịch với hơn 2.000 người Việt Nam trên toàn quốc, bà Sherleen Seah, Trưởng đại diện STB tại Việt Nam cho hay, những người trả lời khảo sát cho biết, họ chú trọng hơn về an toàn cũng như trải nghiệm chân thực, phong phú tại một điểm đến, đặc biệt là ở nhóm tuổi từ 20 đến 40 tuổi.
Theo bà Sherleen Seah, Singapore đã mở hành lang du lịch đối với người có “hộ chiếu vắc-xin” từ 24 quốc gia và đa số đều được áp dụng hai chiều. Điều này không chỉ giúp hồi sinh ngành hàng không và du lịch, mà còn với cả nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có sự công nhận tạm thời của Chính phủ Việt Nam để tiếp nhận khách du lịch. Mặt khác, việc người Việt Nam đi du lịch nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, có thể cản trở sự phục hồi ngành kinh tế xanh.
“Chúng tôi hy vọng, cả hai phía chính phủ nhanh chóng xem xét giấy chứng nhận tiêm chủng và thông qua để các hãng hàng không có thể bắt đầu các chuyến bay giữa Singapore và Việt Nam. Hành khách trên thế giới ghé qua Singapore cũng có thể đến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp”, bà Sherleen Seah bày tỏ.
Trong khi đó, bà Ratiwan Boonprakhong, Giám đốc Văn phòng TP.HCM (Tổng cục Du lịch Thái Lan) cho rằng, việc Việt Nam mở cửa tiếp nhận du khách nước ngoài tại một số vùng thí điểm với việc thiết lập các biện pháp an toàn theo điều kiện, tiêu chuẩn y tế là cơ hội để các hãng lữ hành thế giới mở lại dịch vụ bán tour Việt Nam.
Với thị trường Thái Lan, bà Ratiwan Boonprakhong cho rằng, Chính phủ và doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần sử dụng công nghệ thông tin để giao tiếp với du khách, chú trọng thông điệp nhất quán.
Để nối lại hoạt động du lịch Việt Nam - Thái Lan, theo bà Ratiwan Boonprakhong, nên nới lỏng một số biện pháp kiểm dịch đối với khách du lịch nếu có thể; cho phép du khách Việt Nam đi du lịch quốc tế, giảm bớt quy định cũng như thời gian cách ly với điều kiện kiểm soát được dịch bệnh của cả 2 nước và thế giới.
Sau 2 năm chống chọi với Covid-19, dù du lịch nội địa đã tạo được “luồng gió mát”, song du lịch Việt Nam vẫn đặt kỳ vọng lớn vào thị trường quốc tế với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỷ USD. Phần lớn khách quốc tế đến Việt Nam từ các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, trong đó, khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chiếm khoảng 80% tổng chi tiêu của du khách quốc tế. Vì thế, chuyên gia nhận định, hợp tác chặt chẽ với các nước này sẽ giúp Việt Nam phục hồi du lịch nhanh chóng hơn.
Bà Jyoti Mayal, Chủ tịch Hiệp hội Các đại lý du lịch Ấn Độ (TAAI) đánh giá, Việt Nam sở hữu hạ tầng du lịch phát triển, các bãi biển đẹp và điểm đến mới lạ, lại khá gần Ấn Độ. Với người Ấn Độ, đám cưới là cột mốc lớn trong cuộc đời, nên thường được tổ chức trong nhiều ngày và rất đông khách. Gần đây, những người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Ấn Độ có xu hướng tổ chức đám cưới ở nước ngoài, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Do đó, Chủ tịch TAAI cho rằng: “Du lịch cưới có thể là nhân tố quyết định, giúp Việt Nam nổi lên thành điểm đến quốc tế”.