Dự đoán chứng khoán 2016 theo quẻ Dịch

(ĐTCK) Theo lịch tiết khí, năm Bính Thân 2016 bắt đầu từ 16 giờ 47 phút ngày 4/2/2016, vì đây là thời điểm Lập xuân. Thời điểm này ứng với quẻ Trạch hỏa cách trong Kinh dịch, quẻ này có nội dung cải cách, đổi mới. Dự báo, nền kinh tế nói chung, TTCK nói riêng sẽ có những cải cách quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Dự đoán chứng khoán 2016 theo quẻ Dịch

“Đổi thay cũ mới phải thì…”

Kinh dịch bao gồm 64 quẻ Dịch, được sắp xếp theo một cơ chế mang tính quy luật, thể hiện một cách tương đối quá trình phát sinh, phát triển từ đầu đến cuối của vạn vận trên Trái đất, cũng như quá trình biến hóa liên tục của vạn vật trong vũ trụ.

Có một bài chú 64 quẻ Dịch như sau:

“Càn, Khôn, rồi tiếp đến Truân, Mông

Nhu, Tụng, Sư, Tỷ, Tiểu súc thông

Lý, Thái, Bĩ, Đồng nhân, Đại hữu

Khiêm chuyền đến Dự, tiếp Tùy tòng

Cổ, Lâm, Quan, Phệ hạp, rồi Bí

Bác, Phục, dương về Vô vọng trông

Đại súc, sang Di, rồi Đại quá

Khảm, Ly, sau rốt khép kinh xong

Hàm, Hằng, Độn, Tráng, Tấn, Minh di

Gia nhân, Khuê, Kiển, Giải theo đi

Tổn, Ích chuyển sang hai Quải, Cấu

Tụy, Thăng, Khốn, Tỉnh, Cách, nên ghi

Đỉnh rồi Chấn, Cấn, Tiệm, Quy muội

Phong, Lữ theo sau Tốn một khi

Đoài, Hoán, Tiết, Trung phu, Tiểu quá

Còn hai Ký, Vị, hết một kỳ

Sáu tư quẻ Dịch lưu truyền mãi

Vũ trụ vần xoay lẽ thịnh, suy”.

Theo đó, liền trước quẻ Cách là quẻ Tỉnh, còn trước quẻ Tỉnh là quẻ Khốn. Khốn có nghĩa là khó khăn, nguy khốn, nguy hiểm. Biết dừng lại đúng lúc, đúng chỗ như một sự tỉnh ngộ, nên tiếp theo Khốn là Tỉnh. Dừng lại, lui về đúng lúc, để rồi tiến hành cải cách nhằm làm cho tốt hơn, nên tiếp theo Tỉnh là Cách.

Tỉnh còn có nghĩa khác là cái giếng. Nước giếng tích trữ lâu ngày sẽ sinh ra úng trệ, bụi cát và các vật dơ mỗi ngày một nhiều, khiến nước không còn trong sạch, cần phải múc hết nước cũ để nước mới chảy vào. Cho nên, sau quẻ Tỉnh là tới quẻ Cách. Cách nghĩa là thay đổi mạnh mẽ, thay cũ đổi mới, như trong từ ngữ cải cách, cách mạng.

Quẻ Cách là một trong những quẻ đặc biệt quan trọng, vì nó đả động đến một hiện tượng cần thiết đưa con người, vạn vật từ Tỉnh đến Cách. Thoán từ của quẻ Cách có một câu rất sâu sắc: Bốn mùa vần xoay là Cách của Trời Đất; các vua Thang, vua Vũ “cách mạng” thuận ý Trời, thỏa bụng người; Cách mà đúng thời, lớn vậy thay! (Theo lịch sử Trung Quốc, Thành Thang diệt Kiệt, sáng lập triều đại Thương; Chu Vũ diệt Trụ, thành lập triều đại Chu. Vua Thang và vua Vũ nổi tiếng là người hiền minh, còn Kiệt và Trụ khét tiếng là tàn bạo).

Theo Dịch học, biến đổi là quy luật tất yếu của mọi sự vật trong vũ trụ. Trời đất phải thay đổi, thì mới có bốn mùa, tác thành, dưỡng dục vạn vật, vạn vật mới sinh sinh, hóa hóa. Việc đời, nhỏ trong cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, lớn là xã hội, đất nước, thế giới, cũng phải thường xuyên đổi mới, hoàn thiện để trừ bỏ những tệ hại cũ, thích hợp với hoàn cảnh mới. Tất nhiên, đổi mới, cải cách phải hợp thời, hợp chính đạo, phải sáng suốt, soi xét rạch ròi và hợp lòng người.

Người xưa có thơ rằng:

“Việc đời vốn vất vả

Tuy lo chẳng ngại gì

Đổi thay cũ mới phải thì

Sao cho hợp lý tùy nghi mà làm. . . ”. 

Cải cách để phát triển bền vững

Từ khi TTCK Việt Nam đi vào hoạt động năm 2000 đến nay, cơ quan quản lý luôn quan tâm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bằng nhiều chính sách, giải pháp, nhằm mục tiêu chính là đưa TTCK trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho đầu tư phát triển. Trong đó, ngày 5/8/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2010, nêu rõ quan điểm, nguyên tắc, định hướng phát triển TTCK, cùng các giải pháp thực hiện.

Đặc biệt, từ năm 2010, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có nhiều khó khăn, thách thức. Từ những đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế và phù hợp với xu hướng tái cấu trúc kinh tế thế giới, Việt Nam đã xác định tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Tháng 1/2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng: chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế...

Chủ trương trên được cụ thể hóa bởi Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/2/2013. Về nội dung tái cơ cấu, 3 lĩnh vực trọng tâm được xác định bao gồm: tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng; tái cơ cấu DNNN. Trước đó, ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

Đối với TTCK, nhiệm vụ đặt ra là phải phát triển TTCK gắn với phục vụ tái cơ cấu kinh tế. Ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020, với các mục tiêu và giải pháp mang tính đột phá và ngày 6/12/2012 phê duyệt Đề án Tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, ổn định, vững chắc.

Như vậy, không chỉ TTCK liên tục được đổi mới, cải cách, mà cái gốc là nền kinh tế cũng được đổi mới, cải cách để phát triển bền vững. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng (khai mạc ngày ngày 21/1/2016) xác định: tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường tài chính và sự phát triển kinh tế trên thế giới cho thấy, tất cả các nền kinh tế đều phải tiến hành những cải cách kinh tế, tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó có TTCK, nhằm đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự phát triển năng động của TTCK trong phạm vi một quốc gia sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập thị trường vốn nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thực tế, triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng, các giải pháp cải cách, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực bước đầu đạt kết quả tích cực…

Đối với TTCK, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ diễn biến sụt giảm của giá dầu, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Fed tăng lãi suất, nhưng năm 2015 vừa qua, VN-Index vẫn tăng trên 6%, giá trị huy động vốn cổ phần và trái phiếu đạt hơn 300.000 tỷ đồng, chiếm 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giá trị danh mục đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng 12,5%, hàng hóa có sự gia tăng về số lượng và chất lượng.

Đặc biệt, trong xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại, đầu tư và hội nhập trên thế giới, Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế, với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, hoàn tất đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (dự kiến ký kết chính thức vào ngày 4/2/2016). Bên cạnh đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa được hình thành, với mục tiêu chính là các nước ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung; hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển.

Hội nhập sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với các nước, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, phát triển dịch vụ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

Tất nhiên, hội nhập sâu rộng cũng có những thách thức như thuế suất thuế nhập khẩu được cắt giảm khiến ngân sách giảm thu; hàng hóa, nhân lực, công nghệ chất lượng cao từ các nền kinh tế mạnh hơn sẽ tạo sức ép đối với các DN trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, tài chính ngân hàng, chi tiêu công và DNNN; nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành có lợi thế, định hướng điều chỉnh sản xuất cho các ngành không có khả năng cạnh tranh; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ...

Với ngành chứng khoán, một trong những dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập toàn cầu là ngày 18/9/2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trở thành thành viên ký kết đầy đủ Biên bản ghi nhớ đa phương của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Theo đó, danh tiếng và mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, tăng khả năng hấp dẫn các nguồn vốn đầu tư, giảm chi phí huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, cơ quan quản lý đang nỗ lực thực hiện các giải pháp chính sách để nâng hạng TTCK từ “thị trường cận biên” lên “thị trường mới nổi” như: triển khai nới “room” cho NĐT theo Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, đưa các công ty đại chúng lên sàn, rút ngắn thời gian thanh toán, chuẩn bị triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, giao dịch bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày (T+0)… Bên cạnh đó, TTCK phái sinh đang được gấp rút thành lập để hỗ trợ TTCK cơ sở phát triển, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro cũng như mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của các NĐT.

Nỗ lực đổi mới, cải cách, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, TTCK Việt Nam đang hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững, trên nền tảng kinh tế ổn định, vững chắc, nhiều triển vọng tăng trưởng.

Bùi Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục