Dư địa tiết kiệm chi phí còn rất lớn

Mới có 43% doanh nghiệp cảm nhận thấy những thay đổi tích cực trong các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu. Số tiền mà doanh nghiệp có thể không phải chi còn rất lớn.
Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh). Ảnh: Đức Thanh Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh). Ảnh: Đức Thanh

Những ngàn tỷ không còn lãng phí

Hơn 7,7 triệu ngày công, tương đương 3.107,5 tỷ đồng là những con số mà doanh nghiệp đã tiết kiệm được khi Bộ Y tế thực hiện cắt giảm các thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Đây là số liệu Bộ Y tế báo cáo Chính phủ khi đánh giá tác động của công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành của mình.

Nhưng với các doanh nghiệp, con số thực sự tiết kiệm được lớn hơn. Chỉ riêng việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/ 2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số tiền tiết kiệm được là 10 triệu ngày công, tương đương 3.300 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp nói đã giảm được 90% thủ tục hành chính sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết.

Rất có thể, thời gian và cả chi phí mà doanh nghiệp đã phải bỏ ra để tuân thủ các quy định cũ lớn hơn nhiều so với hình dung của các bộ, ngành, dẫn đến những sai số khá lớn trong đánh giá.

Như vậy, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đã tiết kiệm được cho doanh nghiệp khoảng 1,8 triệu ngày công, tương đương 1.291 tỷ đồng/năm; Bộ Giao thông - Vận tải giảm được được 1,3 triệu ngày công, tương đương 660,7 tỷ đồng/năm... do cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có thể các doanh nghiệp đã thực nhận được nhiều hơn.

Tuy nhiên, VCCI cũng đánh giá, mới chỉ có 43% doanh nghiệp trong khoảng 10.000 doanh nghiệp vừa được điều tra vào tháng 11/2018 cảm nhận được những thay đổi thực sự về các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. “Dư địa để doanh nghiệp tiết kiệm được các khoản chi phí không đáng có vẫn rất lớn. Phiên bản năm 2019 của Nghị quyết 19 của Chính phủ phải làm rõ hơn các công việc cần phải làm”, ông Tuấn khuyến nghị.

Chuyển kiểm tra sau thông quan không được xem là cắt giảm

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), so với kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh, thì cải cách trong kiểm tra chuyên ngành chưa làm được nhiều.

“Nếu nhìn vào số tiền, ngày công cắt giảm được, thì doanh nghiệp được hưởng lợi vô cùng lớn sau khi các quy định về dán nhãn năng lượng, kiểm tra formaldehyt... được bãi bỏ, vì với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, các chi phí này tính theo lô hàng. Nhưng khó khăn trong cắt giảm là, chưa xác định rõ có bao nhiêu ngành nghề đang cần phải kiểm tra chuyên ngành trước thông qua, sau thông quan, có nhiều bộ, ngành cùng quản lý một mặt hàng, nên rất khó đánh giá”, ông Cung thừa nhận.

Đặc biệt, cách quản lý thiên về tiền kiểm vẫn khiến nhiều quy định dù được tính là cải cách, nhưng không thực sự thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước. “Chúng tôi đang đề xuất, trước quý II/2019, các bộ, ngành phải hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Những mặt hàng chuyển kiểm tra chuyên ngành sang sau thông quan không được xem là cắt giảm”, ông Cung cho biết.

Bên cạnh đó, yêu cầu về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũng được quy định rõ phải hoàn thành trước quý III/2019.

“Chúng tôi cũng đề xuất, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là quản lý an toàn của sản phẩm; tránh tình trạng mở rộng phạm vi mặt hàng kiểm tra vượt quá chức năng, nhiệm vụ. Công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng không tập trung tại giai đoạn nhập khẩu, mà được thực hiện một cách hệ thống tại các giai đoạn trước, trong và sau nhập khẩu, trọng tâm là kiểm tra tại khâu lưu thông”, ông Cung cho biết.

CIEM cũng đề nghị, trước quý III/2019, hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa theo nguyên tắc: thông qua cơ quan hải quan làm đầu mối thực hiện...

Đã có 8/10 bộ báo cáo đánh giá tác động kinh tế của công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành mang lại. Theo đó, công tác cải cách này tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11.642.068 ngày công/năm, tương đương 5.407 tỷ đồng/năm.

Đã có 7/16 bộ báo cáo đánh giá tác động kinh tế của việc đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh mang lại, ước tính tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.847.925 ngày công/năm, tương đương 872,2 tỷ đồng/năm.

Nguồn: Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục