Dư địa lớn cho ngành logistics

(ĐTCK) Dù đã vươn mình mạnh mẽ những năm qua, nhưng bối cảnh hiện tại đang cho phép ngành logistics Việt Nam có những bước chuyển mình quan trọng để tăng hiệu quả hoạt động và cạnh tranh toàn cầu.
Ngành logistics Việt Nam cần “lớn” nhanh hơn nữa để tăng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Đòi hỏi “trưởng thành”

Năm 2024, kinh tế toàn cầu và thương mại thế giới có sự phục hồi nhưng không chắc chắn. Và dù nhu cầu về logistics gia tăng nhưng song hành với đó, các điểm nóng xung đột địa chính trị tiếp tục gây ra những lo ngại về thương mại và đứt gẫy chuỗi cung ứng.

Xung đột ở Trung Đông, Ukraine, những vấn đề dai dẳng trên Biển Đỏ tiếp tục lan rộng, tạo ra những thách thức đáng kể cho toàn ngành logistics. Giới quan sát cho rằng, ngành logistics toàn cầu đang đối mặt với cả đòi hỏi xử lý những tình huống mới đang diễn ra trước mắt lẫn việc tái thiết lập chuỗi nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động.

Trong bối cảnh đó, ngành logistics Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi phải xử lý đồng thời các yêu cầu cải thiện chất lượng hoạt động và chuyển đổi để tăng sức cạnh tranh.

TS. Yap Kwong Weng - Tổng giám đốc Việt Nam SuperportTM cho hay, năng lực logistics của Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây khi vươn lên xếp hạng 43 trong số 154 quốc gia và dư địa phát triển vẫn còn nhiều.

“Việt Nam được ‘ban tặng’ điều kiện hết sức thuận lợi khi có các cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam. Điều này là lợi thế cạnh tranh của việc hình thành chuỗi cung ứng quốc tế xuất phát từ Việt Nam. Nhờ đó, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa được mở rộng theo loại hình công ty thương mại điện tử đến các công ty logistics trên khắp thế giới muốn lưu trữ, phân phối hàng hóa trên khắp ASEAN, đến Trung Quốc, Trung Đông, tạo ra các tuyến đường cung ứng và logistics”, ông Yap Kwong Weng nói.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có cơ hội để thực hiện các chuyển đổi quan trọng với ngành logistics, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, ngoài hạ tầng lớn trong quốc gia thì câu chuyện hạ tầng tiểu vùng, giữa các vùng trong quốc gia cũng rất quan trọng, bao gồm cả hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng. Theo ông Trung, Việt Nam cần có thêm các khu logistics chuyên ngành riêng, chuyên sâu, thậm chí có các cơ sở đào tạo riêng cho ngành, thay vì tiếp tục trông chờ vào các trường đại học.

Còn ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông - Vận tải) cho hay, thời gian qua, đầu tư công cho đường thủy nội địa còn rất hạn chế, chưa đến 2%, trong khi đầu tư cho hạ tầng giao thông đường bộ lớn mà hiệu quả lại chưa cao.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, sau quãng thời gian khá dài phát triển chậm, hiện là giai đoạn ngành logistics Việt Nam có thể bứt tốc vì đã hội đủ các yếu tố để lấy đà, phát triển nhanh hơn.

Để có thể phát triển đột phá, đưa ngành logistics thực sự cất cánh, cần có sự chuẩn bị, đồng lòng từ các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và địa phương.

Ông Hải cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics, Bộ Công thương đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế, cùng với đó là các hoạt động về đào tạo, thúc đẩy chuyển đổi số cho ngành.

Đặc biệt, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ về kế hoạch hành động và chiến lược phát triển đến năm 2035, giúp đưa ra định hướng và tầm nhìn cho ngành logistics để thích nghi và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp phải “tự lớn”

Theo các chuyên gia, ngành logistics Việt Nam có không ít lợi thế cạnh tranh, nhưng vị trí hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng, hiện trong Top 5 khu vực Đông Nam Á, đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và ngang bằng với Philippines.

Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, với nền tảng kinh tế thị trường trong nước đang phát triển ổn định, đồng thời chi phí logistics tại các quốc gia trong khu vực ngày càng tăng cao, ngành logistics Việt Nam có dư địa để vươn lên trong cuộc đua phát triển thị trường này.

Việt Nam cần có thêm các khu logistics chuyên ngành riêng, chuyên sâu, thậm chí có các cơ sở đào tạo riêng cho ngành, thay vì tiếp tục trông chờ vào các trường đại học.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung

Bà Trang Bùi cũng nhấn mạnh, trong thứ tự ưu tiên, Việt Nam cần tập trung vào một số nội dung chính, trước tiên là đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và kho bãi để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực logistics; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số chi phí vận hành.

Đồng thời cho rằng, trong cuộc đua dài hạn với các thị trường quốc tế, sự vào cuộc từ cấp Chính phủ là rất quan trọng, nhất là trong việc hoạch định chiến lược quản trị chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của ngành.

“Chính phủ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và kho bãi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và lưu trữ hàng hóa, đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi, cải tiến công nghệ.

Chính phủ cũng cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp logistics phát triển. Cuối cùng là chuẩn bị các biện pháp quản lý rủi ro để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch hoặc thiên tai”, bà Trang Bùi nói và cho biết thêm, việc Chính phủ tham gia vào hoạch định chiến lược quản trị chuỗi cung ứng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn tăng cường tính cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Còn theo ông Eric Herding - Tổng giám đốc Công ty DSV Air & Sea Việt Nam, Việt Nam có lợi thế lớn về vị trí địa lý trong khu vực, song điều quan trọng là cần xây dựng một mối liên kết vững chắc giữa các khu công nghiệp, khu logistics cùng với cơ sở hạ tầng cảng biển và đường bộ, điều này sẽ đóng vai trò quyết định. Ngoài ra, việc thiết lập các hệ thống như khu vực thương mại tự do, nơi hàng hóa có thể lưu thông, ra vào một cách hiệu quả và với chi phí giao dịch thấp, cũng là một lợi thế lớn.

Ông Eric Herding cũng cho rằng, chuyển đổi số là chủ đề nóng hổi đối với các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Đây là thách thức mà cả doanh nghiệp lớn và nhỏ đều đang phải đối mặt. Một trong những yếu tố nền tảng quan trọng nhất để thực hiện chuyển đổi số thành công là phải có dữ liệu chính xác và nhất quán. Hiện tại, Việt Nam có cơ hội lớn để các bên liên quan phối hợp chặt chẽ, nhằm xây dựng tầm nhìn và lộ trình cụ thể cho các nền tảng số trong lĩnh vực logistics.

Theo ông Bùi Thiên Thu, nếu giảm bớt khoảng 5% đầu tư công cho đường bộ và chuyển sang đường thủy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giao thông đường bộ, nhưng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả của giao thông đường thủy.

“Với vận tải đường thuỷ, chúng ta đang sử dụng lợi thế tự nhiên là chính, nên cần cân đối đầu tư cho hạ tầng giao thông đường thủy và đường bộ”, ông Thu nhấn mạnh.

Cũng đề xuất giải pháp cho câu chuyện chuyển đổi số, TS. Yap Kwong Weng cho rằng, một trong những giải pháp chính cần tập trung là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Với lĩnh vực này, áp dụng phương pháp tiếp cận đa phương thức là giải pháp hiệu quả.

Lấy dẫn chứng từ chính Việt Nam SuperportTM, TS. Yap Kwong Weng cho biết, chỉ với diện tích đất 83 ha, doanh nghiệp này đã chuyển đổi hoàn toàn thành mô hình logistics đa phương thức, tích hợp đường không, đường bộ và đường biển.

Tại dự án của Việt Nam SuperportTM sẽ có các nhà ga, cảng cạn tích hợp điểm thông quan hàng hoá, nơi tập kết container từ phía Bắc và phía Nam, đồng thời có một loạt nhà kho đáp ứng nhu cầu sử dụng tạm thời hoặc lâu dài của khách hàng. Tất cả những điểm này cấu thành nên năng lực hậu cần.

“Chúng tôi không đơn thuần chỉ triển khai mô hình này ở phạm vi địa phương, mà mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực, kết nối với các trung tâm logistics ở Campuchia, Lào và nhiều khu vực khác của các nước trong tương lai. Vì vậy, dự án này sẽ là bước ngoặt, tạo nên sự thay đổi đột phá trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam”, TS. Yap Kwong Weng nói.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục