“Dư địa” dành cho margin vẫn còn rất lớn

(ĐTCK) Nghiệp vụ cho vay ký quỹ (margin) rất sôi động trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn từ đầu năm 2014 đến nay. “Dư địa” dành cho margin tại các CTCK vẫn còn rất lớn.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC, mã HCM) cho rằng, margin là nghiệp vụ hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch thuận lợi hơn. Nhưng nếu CTCK cho sử dụng margin cao quá, sẽ dễ phải giải chấp khi thị trường đột ngột đảo chiều đi xuống, nhất là khi việc quản lý rủi ro chưa thực sự bài bản. Đối với HSC, tỷ lệ hỗ trợ margin cho khách hàng hiện dao động từ 20% đến 50%. Đây là mức cho vay ban đầu, còn tỷ lệ duy trì có thể lên đến tối đa 70% theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Trong đó, nhóm cổ phiếu có tỷ lệ cho vay từ 20 - 30% chiếm gần 30% trong tổng lượng cho vay, còn lại chủ yếu từ 30 - 50%.

“Hiện tại, việc quản lý margin được HSC theo dõi chặt chẽ, hàng tháng sẽ có những đánh giá tổng thể để loại hoặc thêm bớt cổ phiếu trong rổ được phép sử dụng margin, nếu có sự thay đổi về tỷ lệ hay các mã cổ phiếu thêm bớt, chúng tôi sẽ báo cho khách hàng trước 1 - 2 tuần để khách hàng xử lý kịp thời, chứ không đột ngột cắt ngay”, ông Giang nói và cho biết thêm, ngân sách dành cho nghiệp vụ này tại HSC vẫn rất lớn, để có thể hỗ trợ khách hàng tối đa hóa lợi nhuận.

Tại CTCK VNDirect (VND), nguồn tiền dành cho nghiệp vụ margin hiện gần 2.000 tỷ đồng, cao gấp 4 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VND cho biết, Công ty đang duy trì tỷ lệ cho vay theo quy định, cao nhất là 50%, tuy nhiên đối với một số mã cổ phiếu khi giá tăng mạnh, VND sẽ có sự điều chỉnh giảm tỷ lệ cho vay phù hợp, nhằm hạn chế sức mua, tránh rủi ro khi thị trường đột ngột đảo chiều.

“Bản chất hoạt động margin là nếu có rủi ro thì CTCK là người chịu rủi ro trước hết, thế nên, các CTCK tự biết liệu sức của mình”, ông Giang nói.

Nhiều CTCK khác chia sẻ, công ty đang dành một lượng ngân sách khá lớn hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện margin.

Trong bối cảnh nguồn vốn đang dư thừa, trong khi lãi suất lại khá thấp, nên dù lượng margin trên thị trường ở mức cao, rủi ro của thị trường và các CTCK sẽ không cao như hồi năm 2009. Tuy vậy, rủi ro với từng cổ phiếu và với từng nhà đầu tư vẫn hiện diện một khi thị trường đột ngột đảo chiều, nếu việc lựa chọn cổ phiếu cũng như quan điểm đầu tư không phù hợp.

Thực tế cho thấy, kể từ đợt tăng đầu tiên vào 9/2013 trở lại đây, mức độ sử dụng margin ở đa số CTCK đều rất cao. Theo đánh giá của ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Maybank KimEng, mức độ sử dụng margin hiện nay là nhiều nhất trong lịch sử TTCK 14 năm qua. Rất nhiều nhà đầu tư sử dụng margin, vấn đề là tỷ lệ vừa hay cao. Áp lực về marign nhìn chung vẫn còn lớn, đặc biệt là khi các CTCK buộc phải thực hiện bán ra để giảm margin, giảm lãi cho vay hay tất toán các hợp đồng margin ngắn hạn.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, trong thời gian qua, dù thị trường có những phiên “rung lắc”, nhưng rất ít CTCK thực hiện giải chấp cổ phiếu vì tỷ lệ vẫn nằm trong vùng cho phép. Song có nhiều ý kiến lo ngại, thị trường không thể tăng mãi, tất yếu sẽ có lúc điều chỉnh giảm, khi đó, việc giải chấp ít nhiều sẽ xảy ra.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục