Dù đã cải thiện nhiều, vẫn còn gần 74% doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng phần mềm bất hợp pháp

Chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép” do Liên minh phần mềm toàn cầu (BSA) thực hiện trong thời gian tới sẽ hướng đến 10.000 doanh nghiệp tại Việt Nam được cho là đang sử dụng phần mềm bất hợp pháp.
Công bố chiến dịch "Xóa bỏ phần mềm trái phép" do BSA tổ chức Công bố chiến dịch "Xóa bỏ phần mềm trái phép" do BSA tổ chức

Trao đổi tại buổi công bố chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép” tại Việt Nam được tổ chức ngày 22/10 tại TP.HCM, ông Tarun Sawney, Giám đốc cấp cao của BSA tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, số lượng các doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng phần mềm hợp pháp trong hoạt động kinh doanh ghi nhận có tăng lên, một phần lớn nhờ vào những nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc tổng thúc đẩy thực thi tuân thủ luật bản quyền.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn sử dụng phần mềm không có bản quyền, khiến dữ liệu gặp rủi ro và tạo ra những lỗ hổng đáng kể trong hệ thống phòng thủ an ninh mạng của Việt Nam. Ước tính, tại Việt Nam mới có hơn 26% số doanh nghiệp sử dụng phần mềm có bản quyền, còn lại gần 74% số doanh nghiệp là sử dụng phần mềm bất hợp pháp.

Theo một khảo sát của BSA từ tháng 3 đến tháng 9/2019 tại Việt Nam cho thấy, trong số 6.278 doanh nghiệp mới có 1.358 doanh nghiệp, chiếm khoảng 22%, là sử dụng phần mềm có bản quyền.

Chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép” nhằm khuyến khích các CEO của doanh nghiệp hợp pháp hóa tài sản phần mềm doanh nghiệp của họ, tuân thủ pháp luật sở tại, luật Bản quyền và luật An ninh mạng trước khi kết thúc năm 2019.

Chiến dịch này hướng đến 10.000 doanh nghiệp tại Việt Nam được cho là có nguy cơ sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Trong đó bao gồm các doanh nghiệp thuộc một loạt các lĩnh vực kinh doanh như sản xuất, xây dựng, ngân hàng và tài chính, kỹ thuật, kiến trúc, truyền thông, thiết kế, CNTT, y tế...

“Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tránh những hậu quả đáng tiếc bằng cách tự giác kiểm tra kỹ lưỡng phần mềm trên máy tính tại công ty để đảm bảo tất cả đều hợp pháp”, ông Tarun Sawney chia sẻ.

Tuy nhiên, đại diện của BSA nhấn mạnh, phần mềm có bản quyền chỉ là phòng tuyến đầu tiên để doanh nghiệp chống lại các cuộc tấn công qua mạng. Do đó, để chiến dịch đạt hiệu quả mong muốn, đòi hỏi nỗ lực thực tiễn từ các CEO và lãnh đạo cấp cao, những người có quyền lợi trong việc bảo vệ dữ liệu, tài sản kỹ thuật số của công ty họ, của khách hàng, uy tín bản thân và phúc lợi tài chính...

Để giúp thúc đẩy các hành động, BSA đang chuẩn bị ra mắt Công cụ ước tính rủi ro cho CEO. Với phần mềm này, các chủ doanh nghiệp có thể xác định mức phạt mà họ phải đối mặt nếu không kiểm soát tốt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Công cụ này sẽ được thiết kế vì lợi ích chung của các doanh nghiệp và đơn vị cung cấp phần mềm, không lưu trữ bất kỳ dữ liệu cụ thể nào của các công ty.

Trước đó, vào tháng 6/2018, BSA chính thức công bố “Điều tra phần mềm toàn cầu 2018: Quản lý phần mềm - Đòi hỏi bắt buộc về an ninh và Cơ hội kinh doanh toàn cầu”. Theo đó, tỷ lệ sử dụng phần mềm máy tính không có bản quyền tại Việt Nam năm 2017 là 74%, giảm 4% so với nghiên cứu được BSA công bố năm 2016. Theo kết quả nghiên cứu này, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam giảm liên tục từ mức 85% năm 2009 xuống 83% năm 2010, giảm xuống mức 78% năm 2015 và 74% vào năm 2017...

Đến thời điểm này, chưa có báo cáo cập nhật của năm 2019 song theo ông Tarun Sawney, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng phần mềm bất hợp pháp tại Việt Nam ở mức trung bình tại khu vực Đông Nam Á (tỷ lệ này ở Thái Lan là 66%, ở Indonesia là 80%...). Tuy nhiên so với mức trung bình của châu Á – Thái Bình Dương thì còn khá xa, khi khu vực này đang ở mức 57%...

Chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép” là một phần của sáng kiến Hợp pháp hóa và Tự bảo vệ được đưa ra vào đầu năm nay. Cho đến nay, sáng kiến này đã giúp hàng ngàn công ty tại Đông Nam Á hợp pháp hóa tài sản phần mềm của họ và bảo vệ dữ liệu khỏi các phần mềm độc hại và tin tặc.

Hồng Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục