Vào TPP, doanh nghiệp Việt sẽ khốn đốn nếu “dùng chùa” phần mềm

Ngày 20/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và BSA (Liên minh Phần mềm) đã tổ chức Tọa đàm doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”.     
Tọa đàm doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”. Tọa đàm doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”.

Tại buổi Tọa đàm, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã chia sẻ về công tác thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm máy tính.

“Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, xử lý và giải quyết 100% đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với chủ sở hữu chương trình phần mềm máy tính. Từ năm 2006 – 2015, tiến hành thanh tra đột xuất 541 doanh nghiệp trên cả nước và số máy tính được kiểm tra hơn 27.000 máy, phát hiện hành vi sao chép tác phẩm phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, Thanh tra Bộ đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành gần 500 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là  hơn 8,6 tỷ đồng“ ông Minh cho biết.

"Khi sử dụng phần mềm không bản quyền, khả năng hệ thống máy tính của doanh nghiệp bị tấn công bởi các phần mềm mã độc là rất cao, vì thế, an ninh của bản thân doanh nghiệp bị nguy hại" - Ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực Châu Á -Thái Bình Dương Liên minh Phần mềm.

Theo ông Minh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm, trong đó là thực thi quyền sở hữu trí tuệ được đặc biệt chú trọng. Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về sở hữu trí tuệ.

"Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến.Vì vậy, đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta cũng cần quan tâm hơn tới vấn đề sở hữu trí tuệ, có những bước chuẩn bị về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra", ông Minh nhấn mạnh.

Mặc dù trong nhiều năm qua, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính đã có nhiều cải thiện đáng kể nhưng tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn rất cao. Khi vào TPP, với sức ép phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn về sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra một sức ép lớn cho các doanh nghiệp, buộc các các doanh nghiệp phải tuân thủ khi đã bước vào một sân chơi kinh tế tự do lớn nhất thế giới.

Với nhiều năm hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam, ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA -  Liên minh Phần mềm đã có phần chia sẻ về những rủi ro mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt, gồm các vấn đề về an ninh mạng Việt Nam bước vào một thế giới siêu kết nối.

Trả lời câu hỏi được các doanh nghiệp quan tâm về những rắc rối mà các doanh nghiệp gặp phải khi sử dụng phần mềm không có bản quyền trong TPP, ông Roland Chan cho rằng, vấn đề đầu tiên doanh nghiệp mắc phải là vấn đề pháp lý. Theo luật Việt Nam hiện hành, việc sử dụng các phần mềm bất hợp pháp là vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có phần mềm máy tính.

“Vấn đề quan trọng hơn mà các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không có bản quyền là đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng. Khi sử dụng phần mềm không bản quyền, khả năng hệ thống máy tính của doanh nghiệp bị tấn công bởi các phần mềm mã độc là rất cao, vì thế, an ninh của bản thân doanh nghiệp bị nguy hại”, ông Roland Chan cho biết.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục