Dự cảm tương lai thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh Việt Nam đi vào hoạt động ngày 10/8/2017 là một bước tiến tất yếu trong quá trình hoàn thiện TTCK, giúp tăng cường hiệu quả và chất lượng đầu tư, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK phát biểu tại buổi họp báo trước thềm TTCK phái sinh mở cửa

Chủ trương phát triển TTCK phái sinh

Tại Quyết định số 898/QĐ-BTC ngày 20/2/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành “Kế hoạch phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010” đã đề ra mục tiêu: “Phát triển các hàng hóa khác trên TTCK bao gồm chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, các chứng khoán phái sinh”.

TS. Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 

Trong “Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Phát triển thị trường vốn theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc (bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ phái sinh...”.

Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 một lần nữa khẳng định: “Tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam theo hướng: Tổ chức việc giao dịch chứng khoán theo hướng cả nước chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán; phân định các khu vực thị trường thành thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, TTCK phái sinh;...”.

Có thể thấy, việc thiết lập TTCK phái sinh tại Việt Nam đã được Chính phủ quan tâm và định hướng từ rất sớm. Trên cơ sở đó, ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam”, với những lộ trình và bước đi cụ thể.

Quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của thị trường

Để thực hiện Quyết định số 366/QĐ-TTg, công tác chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK phái sinh tại Việt Nam được triển khai đồng bộ trên nhiều mặt như xây dựng khung pháp lý; hạ tầng công nghệ: lựa chọn và phát triển hệ thống thành viên; thiết kế sản phẩm; đào tạo, tuyên truyền và giáo dục nhà đầu tư… trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế một cách chọn lọc, phù hợp với điều kiện thực tiễn của TTCK Việt Nam, theo xu hướng phát triển chung của thị trường tài chính toàn cầu.

Về khuôn khổ pháp lý và chính sách, ngày 5/5/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của TTCK phái sinh. Căn cứ Nghị định số 42/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các đơn vị liên quan xây dựng và ban hành các thông tư và chính sách hướng dẫn.

Theo đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/1/2016 và Thông tư số 23/2017/TT-BTC ngày 16/3/2017 hướng dẫn Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về TTCK phái sinh; Thông tư số 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 bổ sung các quy định về phí, lệ phí liên quan đến hoạt động TTCK phái sinh; sửa đổi Thông tư về giám sát; ban hành văn bản hướng dẫn chế độ kế toán đối với hoạt động cung cấp dịch vụ, kinh doanh trên TTCK phái sinh.

Trên cơ sở đó, UBCK đã chấp thuận các quy chế, quy trình nghiệp vụ liên quan đến TTCK phái sinh của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) bao gồm: Quy chế thành viên giao dịch, Quy chế thành viên bù trừ, Quy chế niêm yết và giao dịch hợp đồng tương lai, Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh, Quy chế quản lý và sử dụng quỹ bù trừ.

Về hệ thống công nghệ thông tin, đến nay, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của TTCK phái sinh đã hoàn tất, bao gồm hệ thống giao dịch tại HNX và hệ thống thanh toán, bù trừ tại VSD theo mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đảm bảo kết nối và vận hành các hoạt động giao dịch cũng như lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh.

Về hàng hóa của thị trường, HNX đã hoàn tất việc thiết kế 3 sản phẩm hợp đồng chứng khoán phái sinh là: Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, Hợp đồng tương lai chỉ số HNX30 và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Trước mắt, tại thời điểm khai trương TTCK phái sinh, HNX tổ chức giao dịch Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, với tài sản cơ sở là chỉ số VN30 của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Chỉ số VN30 bao gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất và thanh khoản nhất trên TTCK. Sau khi TTCK phái sinh vận hành một thời gian, UBCK sẽ chỉ đạo HNX đưa các sản phẩm còn lại vào giao dịch một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và yêu cầu quản lý.

Về hệ thống thành viên thị trường, thành viên trên TTCK phái sinh tại Việt Nam có thể là công ty chứng khoán (CTCK) hoặc ngân hàng thương mại (NHTM). Đến nay, đã có 7 CTCK được cấp phép làm thành viên giao dịch, thành viên bù trừ trên TTCK phái sinh bao gồm: CTCK Sài gòn (SSI), CTCK VNDIRECT, CTCK TP. HCM (HSC), CTCK Ngân hàng Quân đội (MBS), CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), CTCK Bản Việt (VCSC).

Các NHTM muốn tham gia TTCK phái sinh còn cần nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. UBCK đã chấp thuận VietinBank là ngân hàng thanh toán đối với giao dịch chứng khoán phái sinh.

Về đào tạo, tuyên truyền phổ biến đối với nhà đầu tư, đây được xem là yếu tố quan trọng và là quá trình lâu dài, vì TTCK phái sinh được đánh giá là thị trường mới và phức tạp đối với Việt Nam. Nhà đầu tư cần có kiến thức và hiểu biết cao hơn về các sản phẩm, cơ chế giao dịch và bù trừ, thanh toán.

Thời gian qua, UBCK đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng cũng như tổ chức tập huấn, hội thảo cho các đối tượng tham gia thị trường như CTCK, nhà đầu tư. Quá trình giáo dục, tuyên truyền được thực hiện trên diện rộng qua nhiều phương tiện truyền thông như truyền hình, báo đài, tờ rơi, sổ tay hướng dẫn… Vì vậy, công tác đào tạo nhà đầu tư và thành viên thị trường đã đạt được một số kết quả khả quan nhất định.

Tính đến hết tháng 6/2017, UBCK đã tổ chức 23 khóa học gồm hơn 2.000 lượt học viên, đã cấp chứng chỉ cho khoảng 1.700 cá nhân hành nghề. Đội ngũ nhân sự nghiên cứu và triển khai hệ thống TTCK phái sinh đã bước đầu hình thành tại UBCK, Sở giao dịch chứng khoán, VSD và các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Có thể nói, việc chuẩn bị cho vận hành TTCK phái sinh được thực hiện với sự nỗ lực cao trên tinh thần chủ động nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết một cách chu đáo, trách nhiệm và cẩn trọng.

TTCK phái sinh Việt Nam sẽ phát triển và hội nhập

Ngay từ đầu, việc định hướng phát triển TTCK phái sinh tập trung qua Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam được đánh giá là phù hợp với xu hướng phát triển của các quốc gia châu Á và quốc tế.

TTCK phái sinh các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… đều hướng phát triển các Sở giao dịch chứng khoán phái sinh với quy mô lớn trên cơ sở thiết lập một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, quản lý tốt rủi ro.

Kết quả là trong những năm gần đây, TTCK phái sinh các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính toàn cầu.

Năm 2015, theo thống kê của Liên đoàn các Sở giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh trên thị trường tập trung tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã vượt qua khu vực châu Âu, vươn lên đứng vị trí thứ 2 sau khu vực Bắc Mỹ.

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore, Malaysia, Thái Lan đều đã thành lập Sở giao dịch chứng khoán phái sinh tập trung và đạt được những thành công nhất định (Indonesia cũng đã có TTCK phái sinh, nhưng chưa thực sự phát triển).

Ngày 10/8/2017, việc chính thức ra mắt TTCK phái sinh tại Việt Nam sẽ giúp Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy toàn cầu và khu vực. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong ASEAN-6 có TTCK phái sinh. Đây là một bước tiến mới giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (hình thành từ cuối năm 2015).

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi, khá hấp dẫn đầu tư, nhưng chưa thực sự ổn định và dễ bị tác động từ thị trường tài chính bên ngoài. Chứng khoán phái sinh không chỉ là công cụ đầu tư tài chính mới và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, mà còn là công cụ quản trị rủi ro quan trọng cho thị trường.

Việc ra đời các sản phẩm chứng khoán phái sinh sẽ tạo luồng gió mới cho thị trường, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cần có công cụ quản trị rủi ro cho các danh mục đầu tư với quy mô lớn tại Việt Nam.

Xây dựng TTCK phái sinh là bước quan trọng để hoàn chỉnh cấu trúc TTCK Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển bền vững các TTCK cơ sở như thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng chỉ quỹ, đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn an toàn, minh bạch và hiệu quả cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan quản lý là thận trọng, phát triển TTCK phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, đảm bảo khả năng quản lý giám sát. Vì vậy, các sản phẩm phái sinh sẽ lần lượt được đưa vào giao dịch trên cơ sở đánh giá nhu cầu thị trường, mức độ hiểu biết của nhà đầu tư và khả năng quản lý rủi ro.

Về lâu dài, như Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam” đã đặt ra, sau năm 2020, Việt Nam sẽ “tiến tới xây dựng một TTCK phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản sản cơ sở theo thông lệ quốc tế”, phát triển đa dạng các loại sản phẩm: “các công cụ tài chính phái sinh là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai tiền tệ và hàng hóa sẽ được tập trung giao dịch thống nhất trên Sở giao dịch chứng khoán”.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục