6 công ty chứng khoán đã sẵn sàng
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tính đến cuối tháng 6, HNX đã chấp thuận thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cho 6 công ty chứng khoán gồm HSC, VNDIRECT, Bản Việt, SSI, BSC, VPBS và kết nối hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh với các thành viên này. Như vậy, ít nhất đã có 6 tổ chức tài chính trung gian sẵn sàng “thực hiện nhiệm vụ” khi TTCK phái sinh khai mở tại Việt Nam.
Về phía ngân hàng chỉ định thanh toán trên TTCK phái sinh, tháng 5/2017, thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã chính thức được ký kết. Tại đây, Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Ngân hàng sẵn sàng thực hiện chức năng ngân hàng chỉ định thanh toán trên TTCK phái sinh Việt Nam.
Chủ tịch Vietinbank cũng cho biết, trong thời gian tới, VietinBank và các công ty thành viên như Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam và Công ty Quản lý quỹ Vietinbank sẽ tiếp tục tham gia sâu rộng vào TTCK phái sinh.
Năm 2014, trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu và lộ trình xây dựng TTCK phái sinh Việt Nam lần đầu tiên được xác lập trên nền tảng thực tế, thị trường cơ sở sau hơn 10 năm vận hành, đã có những đóng góp thiết thực cho nền kinh tế. Sau quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), VSD và HNX xây dựng và triển khai Đề án phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam.
Trong việc xây dựng TTCK phái sinh - thị trường hoàn toàn mới và rất phức tạp,khâu khó nhất nằm ở việc xây dựng một hệ thống bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh. Đây là khâu trọng yếu để đảm bảo sự vận hành thành công của một thị trường nhiều cơ hội, nhưng rất rủi ro này. Đến nay, công việc chuẩn bị cho TTCK phái sinh đã hoàn tất, vấn đề tiếp theo là làm thế nào để nhà đầu tư đón nhận và tham gia thị trường mới.
Thị trường mới, cần thời gian để làm nên hiệu quả
Chứng kiến lễ ký kết hợp tác của VSD với Vietinbank, TS. Vũ Bằng trên cương vị Chủ tịch UBCK khi đó, chia sẻ, ông tin TTCK phái sinh Việt Nam sẽ phát triển tốt, nhưng trước mắt, xây một thị trường mới có thể phải cần từ 3-5 năm mới làm nên hiệu quả.
“Trên thị trường mới mẻ này, những nỗ lực góp sức tạo dựng nền chứng khoán phái sinh Việt Nam là rất đáng trân trọng vì thị trường cần sự hợp sức của nhiều chủ thể để triển khai”, ông nói.
Nếu TTCK phái sinh khai mở vào tháng 8 như dự kiến, bối cảnh ban đầu của thị trường này có nhiều nét giống như thị trường cơ sở khai mở vào năm 2000, đặc biệt là ở việc cùng có 6 công ty chứng khoán đầu tiên, 2 loại hàng hóa được đưa vào giao dịch. Ngày 20/7/2017 tới đây, TTCK Việt Nam tròn 17 năm mở cửa hoạt động. Sau 17 năm, TTCK Việt Nam có trên 1.200 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, với quy mô vốn hóa khoảng 83 tỷ USD.
Để chuẩn bị cho sự ra đời của chứng khoán phái sinh, một số ưu đãi cũng đã được tính đến như việc HNX và VSD có công văn gửi Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đề xuất cơ chế giá cho sản phẩm trên thị trường phái sinh theo hướng miễn giá dịch vụ 6 tháng đầu tiên.
Để thị trường này tăng sự quan tâm của các chủ đề, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán từng có đề xuất đến Chính phủ việc ưu đãi thuế thu nhập cho các nhà đầu tư và giảm dần điều kiện gia nhập thị trường cho khối công ty chứng khoán.
Thực tế, để tạo sức hấp dẫn cho TTCK cơ sở trong giai đoạn đầu hoạt động, Chính phủ đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế, khi khối công ty chứng khoán được giảm thuế, còn khối DN niêm yết được miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế thu nhập 2 năm kể từ khi lên sàn.