Dự cảm thị trường tháng 9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau giai đoạn biến động mạnh, thị trường chứng khoán tháng 9/2024 dự kiến sẽ dao động tích lũy trong biên độ hẹp, với các nhịp tăng giảm đan xen trước khi kiểm định lại ngưỡng 1.300 điểm.
Tháng 9 sẽ là tháng “bản lề” của thị trường chứng khoán trước khi số liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý III/2024 được công bố Tháng 9 sẽ là tháng “bản lề” của thị trường chứng khoán trước khi số liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý III/2024 được công bố

Nhiều yếu tố tác động

Nhìn lại tháng 8 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những biến động mạnh theo cả chiều tăng và giảm điểm, tính chung tăng 2,6%.

Cụ thể, trong các phiên giao dịch đầu tháng 8, VN-Index chịu áp lực chung từ thị trường thế giới trước những lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ và rủi ro đến từ việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nâng lãi suất kéo theo hiệu ứng “The Yen Carry Trade” (chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất với đồng Yên).

Sau nhịp giảm điểm đầu tháng 8, VN-Index đã phục hồi tương đối ấn tượng khi quay trở lại vùng đỉnh ngắn hạn cũ quanh 1.280 - 1.300 điểm, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ. Khép lại tháng 8, chỉ số đóng cửa tại 1.283,87 điểm. Thanh khoản bình quân trên HOSE trong tháng là 16.571 tỷ đồng, giảm 2,4% so với tháng 7.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank

Trong tuần giao dịch cuối tháng 8, VN-Index có diễn biến chậm lại, giằng co trong biên độ hẹp sau 2 tuần phục hồi tích cực. Điều này xảy ra trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ dài ngày tới gần, thị trường giao dịch có phần ảm đạm hơn với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Mặt khác, vùng 1.280 - 1.300 điểm là vùng kháng cự mạnh kể từ đầu năm 2024, khi thị trường đã có 3 lần kiểm định mốc 1.300 điểm không thành công. Theo đó, VN-Index chững lại và hình thành vùng tích lũy là cần thiết để tạo nền chinh phục mốc này và các mức điểm cao hơn.

Bước sang tháng 9, thị trường chứng khoán dự kiến sẽ đón nhận nhiều thông tin quan trọng từ quốc tế và trong nước. Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tháng mới, chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm hơn 600 điểm, tương đương 1,51%, khi số liệu đo lường hoạt động sản xuất (PMI) tháng 8 giảm còn 47,2, thấp hơn mức dự báo 47,9, khiến nhà đầu tư lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế.

Sắp tới, các sự kiện kinh tế vĩ mô thế giới như công bố tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ, hay cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định mức lãi suất điều hành sẽ cung cấp cho thị trường góc nhìn quan trọng về tình hình kinh tế thế giới và những tác động tới thị trường chứng khoán. Trong kịch bản cơ sở, Fed hạ lãi suất điều hành 0,25% và kỳ vọng kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” sẽ có tác động tích cực tới thị trường.

Trong nước, việc công bố số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 hay MSCI và FTSE cơ cấu danh mục sẽ là các sự kiện mà nhà đầu tư cần quan tâm. Ngoài ra, diễn biến hạ nhiệt của tỷ giá USD/VND giúp làm giảm áp lực lên chính sách tiền tệ và thanh khoản hệ thống sẽ là yếu tố tích cực, hỗ trợ thị trường chứng khoán. Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp sẽ dần hé lộ trong tháng 9, với kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng, giúp hình thành các nhóm ngành mang tính dẫn dắt thị trường giai đoạn tới, mở ra các cơ hội cho nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán tồn tại một số rủi ro tiềm ẩn như kinh tế Mỹ có thể yếu hơn kỳ vọng và rơi vào tình trạng suy thoái. Xung đột địa chính trị ở một số nơi trên thế giới có thể tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư. Trong nước, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền vẫn còn rất lớn. Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút ròng sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư và diễn biến thị trường.

Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, VN-Index có 2 phiên giảm điểm và phiên gần nhất tăng điểm. Chỉ số có thể có xu hướng tích cực trong thời gian tới, sau khi tích lũy trong biên độ hẹp với các nhịp tăng giảm đan xen để kiểm định mốc 1.300 điểm. Ở chiều ngược lại, ngưỡng 1.280 điểm và sâu hơn tại 1.260 điểm sẽ là các ngưỡng hỗ trợ quan trọng giúp duy trì xu hướng tăng điểm ngắn hạn cho thị trường.

Một số nhóm ngành đáng quan tâm

Nhiều nhóm ngành có dư địa tăng tốt về lợi nhuận như thủy sản, dệt may, bán lẻ, ngân hàng, thép…, mang lại triển vọng tích cực cho giá cổ phiếu.

Tháng 9/2024 sẽ là tháng “bản lề” của thị trường chứng khoán Việt Nam trước khi số liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý III được công bố. Dòng tiền dự kiến sẽ có sự phân hóa dựa vào triển vọng kinh doanh, câu chuyện đầu tư riêng của từng nhóm ngành. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tích cực từ đầu năm 2024 và tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong các tháng cuối năm, nhiều nhóm ngành sẽ có dư địa tăng tốt về lợi nhuận, mang lại triển vọng tích cực cho giá cổ phiếu.

Theo đó, trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2024, nhà đầu tư có thể quan tâm tới nhóm cổ phiếu ghi nhận kết quả kinh doanh quý III và quý IV tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may), nhóm bán lẻ.

Đối với nhóm xuất khẩu, các thị trường lớn bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc có những tín hiệu khả quan như sức cầu và đơn hàng cải thiện sẽ hỗ trợ sự phục hồi lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, với nhóm thủy sản - cá tra, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 1,3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng xuất khẩu cá tra phục hồi mạnh mẽ trong các tháng gần đây có thể duy trì cho đến cuối năm 2024, tạo động lực hỗ trợ giá cổ phiếu trong nhóm.

Với nhóm dệt may, bên cạnh sự phục hồi từ các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ sự kiện bạo loạn tại Bangladesh, đó là đón nhận những đơn hàng dịch chuyển từ quốc gia này. Hiện tại cũng là cao điểm mùa xuất khẩu đối với các mặt hàng may mặc nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm.

Về nhóm bán lẻ, lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ ngay từ quý I/2024 và duy trì cho tới nay cũng như trong các tháng cuối năm, với các chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm thuế giá trị gia tăng hay tăng tiền lương cơ bản.

Nhóm cổ phiếu có định giá thấp so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận như ngân hàng, thép cũng là lựa chọn phù hợp trong các tháng cuối năm 2024. Động lực tăng giá cho cổ phiếu ngân hàng sẽ đến từ nhu cầu tín dụng gia tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nới room tín dụng đối với các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu được giao từ đầu năm. Điều này sẽ tạo động lực tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ diễn biến giá của nhóm cổ phiếu “vua”.

Đối với nhóm thép, sau nhịp giảm khá nhanh và mạnh trong tháng 8 và đầu tháng 9, định giá đã về vùng hấp dẫn hơn. Triển vọng nhóm thép đến từ thị trường bất động sản “ấm” dần nhờ các nút thắt về pháp lý và vốn dần được tháo gỡ, kỳ vọng giúp tăng sản lượng thép tiêu thụ trong nước. Cùng với đó, việc Bộ Công thương điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu thép trong thời gian tới.

Nguyễn Anh Khoa
Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục