Trạng thái phân hóa trên thị trường chung với tâm lý kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 đang cận kề khiến VN-Index duy trì diễn biến lình xình tăng nhẹ. Đâu là góc nhìn của ông/bà về diễn biến của thị trường trong tháng 9?
Ông Lâm Gia Khanh, Phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Bối cảnh vĩ mô hiện đang ghi nhận một số tín hiệu cải thiện so với giai đoạn trước đó. Cụ thể, về tình hình thế giới, căng thẳng tại tình hình tại Trung Đông đã bớt căng thẳng khi nội bộ Iran vẫn đang tìm biện pháp trả đũa hợp lý nhưng hạn chế xung đột. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đã cho biết sẽ không tăng lãi suất quá sốc mà nhìn tình hình địa chính trị để nâng lãi suất phù hợp nhằm tránh thị trường tài chính toàn cầu rơi vào hỗn loạn giống phiên giao dịch ngày 05/08.
Còn trong nước, tỷ giá USD/VND hiện đã hạ nhiệt đáng kể so với thời điểm tạo đỉnh vào giữa tháng 7 khi Fed gần như chắc chắn sẽ bắt đầu quá trình hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 9. Điều này sẽ tạo dư địa để NHNN không cần phải nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá trong các tháng còn lại của năm 2024, giúp mặt bằng lãi suất trong nước được duy trì ổn định.
Tính đến ngày 30/08/2024, chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch tại mức P/E 13.91 lần, thấp hơn khoảng 4,5% so với mức trung bình 5 năm. Với việc tình hình kinh tế vĩ mô và trong nước đang dần trở nên tích cực hơn giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục quá trình phục hồi. Trong tháng 9, thị trường nhiều khả năng sẽ trở lại xu hướng tăng điểm, thậm chí chạm đến mốc 1.350 điểm.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Ông Dương Hoàng Linh |
Hiện tại đang là thời điểm vùng trũng thông tin nên trạng thái giằng co, biến động hẹp đi kèm thanh khoản thấp nhiều khả năng sẽ lại tái diễn sau kỳ nghỉ lễ. Diễn biến này có thể kéo dài trong tháng 9 và tôi không loại trừ xu thế giằng co theo chiều giảm dần diễn ra bởi sự khó khăn trong hoạt động lướt sóng ngắn hạn thời gian qua sẽ khiến dòng tiền ngắn hạn chảy vào thị trường suy yếu.
Ngoài ra xu hướng thị trường trong nước còn sẽ bị tác động phần nào bởi xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Bên cạnh đó, sự phân hoá sẽ diễn ra theo dự báo kết quả kinh doanh quý 3 của từng doanh nghiệp và nhóm ngành.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích CTCK VPS
Chỉ số DJ Mỹ vượt đỉnh lịch sử mọi thời đại khi vượt mốc 41.200 điểm tuần cuối tháng 8. Mối lo lạm phát đã trôi qua. FED có khả năng sẽ giảm 0,25% đến mức 0,5% trong kỳ họp tháng 9. Niềm tin nhà đầu tư đã quay trở lại. TTCK Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi đã có chuỗi phiên hồi phục ấn tượng tốt và đã quay trở lại mốc 1.290 điểm, có nhiều cơ hội chạm mốc 1.300 điểm và vượt qua ngay trong tuần đầu tiên của tháng 9.
TTCK Việt Nam đang có cơ hội lớn hơn bao giờ hết để vượt đỉnh tâm lý 1.300 điểm. Một số nguyên nhân có thể giải thích về khả năng này.
Thứ nhất, nhìn về góc độ vĩ mô – xu thế đảo chiều chính sách của các Ngân hàng trung ương đã rõ hơn kể từ các tháng cuối quý III. Việc hạ lãi suất thúc đẩy tăng trưởng là một trong những lựa chọn ưu tiên và đây cũng có thể coi là chất xúc tác khiến doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết có triển vọng tăng trưởng tốt hơn. Xu hướng tăng điểm của TTCK trở nên rõ ràng hơn.
Thứ hai, các nhóm cổ phiếu lớn đã có mức bật tăng tốt kể từ khi thị trường chạm đáy điều chỉnh khu vực 1.200 – 1.220 điểm. Các cổ phiếu lớn thuộc các lĩnh vực tăng trưởng như công nghệ viễn thông hay các nhóm cổ phiếu đầu ngành lĩnh vực tiện ích, ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, tiêu dùng… đã có phục hồi ấn tượng. Nếu nhóm này không tăng giá thì khó có thể nói là TTCK sẽ sớm quay lại đỉnh cũ và vượt qua.
Cuối cùng, vẫn phải chia sẻ về góc nhìn phân tích kỹ thuật mà mọi chuyên gia chiến lược nào muốn dự báo diễn biến TTCK sẽ phải sử dụng đó là xu hướng tăng điểm trung hạn của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ - pha tăng điểm lớn của thị trường vẫn duy trì kể từ đầu năm. VN-Index đang tích lũy trong pha vận động trung gian quanh mốc 1.280 – 1.290 điểm và việc tăng vượt đỉnh1.300 có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Thời điểm thuận lợi cho đà “ bứt tốc” này có thể diễn ra ngay trong giai đoạn tháng 9.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên |
Nhìn lại tín hiệu trong tháng 8 vừa qua, tôi nhận thấy khả năng thị trường đã tạo được một đáy trung hạn ở quanh MA200, qua đó giúp đảm bảo xu hướng tăng dài hạn vẫn còn tiếp diễn. Sau khi trải qua một nhịp tăng nhanh từ đáy, thị trường đang có nhịp tạm nghỉ khi về gần đỉnh cũ. Tôi cho rằng khả năng đây là nhịp chững lại để hấp thụ lượng cung ở vùng đỉnh cũ, khi hấp thụ xong thì sẽ có cơ hội lớn vượt được đỉnh tháng 6 (quanh 1.305) để tiếp tục xu hướng. Tôi kỳ vọng nhịp vượt đỉnh có thể sẽ diễn ra trong tháng 9, và nếu lực cầu mạnh thì sẽ còn hướng lên vùng cản tiếp theo ở 1.330-1.350 trước khi điều chỉnh trở lại.
Ở giai đoạn này, thị trường có thể bị chi phối bởi những yếu tố nào, theo các ông/bà?
Ông Lâm Gia Khanh, Phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Về tình hình quốc tế, nhà đầu tư cần theo dõi quá trình hạ lãi suất và tuyên bố của Fed trong cuộc họp chính sách tháng 9 khi nhiều dấu hiệu chỉ ra nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu “thấm đòn” sau các đợt tăng và liên tục của Fed từ tháng 3.2022. Bên cạnh đó, các hành động của Ngân hàng trung ương Nhật Bản và tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông và giữa Nga – Ukraine cũng cần được theo dõi sát sao.
Về tình hình trong nước, nhà đầu tư cần theo dõi các hành động của NHNN khi tình hình tỷ giá đã dần trở nên bớt căng thẳng hơn. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng cần theo dõi quá trình trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp khi tổng giá trị các khoản trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2024 là khoảng 115.000 tỷ đồng.
Ông Lâm Gia Khanh |
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Như tôi đã nói ở trên, xu hướng chung của chứng khoán toàn cầu, phản ứng của giới đầu tư trước các động thái cắt giảm lãi suất của FED trong tháng 9 nhất định sẽ có ảnh hưởng phần nào tới TTCK trong nước.
Ngoài ra tình hình leo thang xung đột Trung Đông hay Ukraine cũng có thể là yếu tố khách quan tác động đến thị trường trong ngắn hạn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích CTCK VPS
Trong bối cảnh hiện tại thì những rủi ro địa chính trị, các xung đột khu vực vẫn luôn là đề tài mà các chuyên gia và các nhà đầu tư thế giới quan tâm. Đây là một trong những lý do hàng đầu có thể ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. Từ việc biến động giá của các hàng hóa cơ bản như giá cước vận tải, cao su, dầu thô, đường, giá vàng có thể ảnh hưởng ngay đến diễn biến giá các tài sản, biến động ngắn hạn của thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, diễn biến chính sách tiền tệ giai đoạn quý III và cuối năm 2024 cũng sẽ tác động đến hành động của các quỹ đầu tư và diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư tổ chức. Hoạt động thắt chặt hay nới lỏng luôn là yếu tố quan trọng liên quan đến xu hướng của thị trường chung.
Cuối cùng, triển vọng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP, chỉ tiêu PMI toàn cầu, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, số liệu tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận của các công ty tác động đến các giả định, mức định giá. Đó là những yếu tố mà các nhà đầu tư cần lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Theo tôi, các luồng tin có thể ảnh hưởng đến thị trường giai đoạn này có thể liên quan đến chính sách, chẳng hạn như tiến trình điều chỉnh cơ chế pre-funding và chính sách tiền tệ của NHNN (điều hành lãi suất hay mới đây là điều chỉnh room tín dụng). Những yếu tố này không chỉ tác động đến sự ổn định của thị trường mà còn ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư.
Ngoài ra, trong tháng 9, một số ước tính sớm về con số kết quả kinh doanh của các công ty trong Quý 3 cũng sẽ dần được công bố và có thể tác động đáng kể đến việc lựa chọn cổ phiếu cũng như quyết định giao dịch của các nhà đầu tư.
Đồng thời, các yếu tố ngoại biên như quyết định cắt giảm lãi suất của Fed (rất có thể sẽ diễn ra vào tháng 9), các diễn biến địa chính trị, hay những tâm điểm tranh luận bầu cử tại Mỹ cũng sẽ tạo ra những tác động không nhỏ đến thị trường tài chính toàn cầu, và do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính Việt Nam.
Với nhà đầu tư, quan trọng nhất vẫn là lựa chọn nhóm cổ phiếu có khả năng tăng trưởng tốt. Trong góc nhìn của ông/bà, nhóm cổ phiếu nào có nhiều cơ hội bứt tốc trong tháng 9?
Ông Lâm Gia Khanh, Phụ trách phân tích thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo số liệu kết quả kinh doanh quý II, đây vẫn là nhóm ngành đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Ngoài ra, các ngân hàng cũng còn nhiều dư địa để đẩy mạnh hoạt động cho vay tín dụng, khi số liệu của NHNN cho biết tính đến ngày 16.08, tăng trưởng tín dụng ghi nhận tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, việc áp dụng các bộ luật mới liên quan đến thị trường bất động sản cũng giúp tăng giá trị của các tài sản đảm bảo, từ đó giúp giảm áp lực trích lập dự phòng nợ xấu cho các ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhóm dệt may cũng là nhóm nhà đầu tư cần chú ý. Theo thông tin từ VITAS, hiện đã có hàng loạt doanh nghiệp dệt may full đơn hàng cho năm 2024 và đang tiếp tục quá trình đàm phán cho các đơn hàng cho năm 2025. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp cũng được kỳ vọng cải thiện khi giá sợi bông thế giới hiện đang giao dịch ở mức 69 USD/Lbs, thấp hơn khoảng 36% so với mức đỉnh vào tháng 3.2024.
Cuối cùng, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc giải ngân vào các cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ. Theo Tổng Cục thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 3.626 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 9,4% so với cùng kỳ. Điều này, cùng với việc một số doanh nghiệp đã chấm dứt quá trình thanh lọc các chuỗi cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, là những tín hiệu sớm cho thấy sức mua của người tiêu dùng trong nước đang bắt đầu quá trình phục hồi.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Các nhóm ngành như Công nghệ, Bán lẻ, Dịch vụ du lịch, Dệt may sẽ là nhóm dự báo có sự tăng trưởng tốt, nên tôi đánh giá cổ phiếu thuộc các ngành này hứa hẹn sẽ có sự tăng mạnh hơn so với mặt bằng chung.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích CTCK VPS
Ông Lê Đức Khánh |
Các nhóm cổ phiếu lớn cụ thể là các cổ phiếu đầu ngành, cổ phiếu bluechips VN30 luôn sẽ là những cổ phiếu khởi động tốt và “bắt trend” ngay giai đoạn đầu. Không phải lý do mà VNM, MWG, MSN, PNJ, VCB, GAS… giao dịch khởi sắc giai đoạn 2 tuần vừa qua.
Ngoài ra, chúng ta không thể nhắc đến nhóm cổ phiếu mang tính “đầu cơ dẫn sóng” nhóm cổ phiếu chứng khoán – nhóm này bao gồm các cổ phiếu có diễn biến giao dịch tích cực 2 tuần vừa qua bao gồm: SSI, HCM, BSI, MBS, FTS, VCI… các nhóm cổ phiếu này giao dịch sôi động có nghĩa là thị trường đang trong pha phục hồi tốt hoặc thị trường đã bắt đầu bước vào xu hướng tăng giá.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Như đề cập bên trên về các luồng thông tin tôi cho là có thể ảnh hưởng đến thị trường, nhóm ngân hàng và chứng khoán nhiều khả năng sẽ ghi nhận được sự chú ý của dòng tiền. Ngành ngân hàng dự kiến sẽ cùng với nhóm chứng khoán dẫn dắt đà tăng của thị trường nhờ hưởng lợi từ các chính sách.
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu dự kiến sẽ có kết quả kinh doanh khả quan như tiêu dùng hay xuất khẩu cũng có cơ hội bứt tốc trong tháng 9. Vừa qua khi tình hình địa chính trị ở nhiều nước trở nên khó kiểm soát, đặc biệt là ở Bangladesh, đã thúc đẩy mạnh mẽ đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, gia tăng giá trị xuất khẩu trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Xuất khẩu thủy sản cũng có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Vì vậy chúng tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành xuất khẩu sẽ diễn biến tích cực.
Một nhóm cổ phiếu khác có thể chú ý là nhóm cổ phiếu cao su khi diễn biến giá cao su trên thị trường thế giới đang khá tích cực và giá cổ phiếu của nhóm này đang ở vùng định giá khá hấp dẫn.