Dòng tiền gia tăng, thị trường bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền ở lại thị trường và luân chuyển tích cực trong tuần qua. Giao dịch nghiêng hẳn về bên mua khi VN-Index liên tiếp bứt phá các vùng cản và tiến sâu vào vùng đỉnh ngắn hạn cũ.
Dòng tiền gia tăng, thị trường bứt phá

Chứng khoán Mỹ: Biến động mạnh

Sau khi hồi phục mạnh mẽ và khôi phục được niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế kể từ lần bán tháo đầu tháng 8, thị trường chứng khoán Mỹ vừa ghi nhận một tuần giao dịch có nhiều rung lắc. Diễn biến này không có động lực đáng kể và chủ yếu được cho là do việc điều chỉnh lại sau các đợt tăng trước đó, khi các nhà đầu tư chờ đợi thêm thông tin về chính sách lãi suất sắp tới.

Tuy nhiên, vận động chính của thị trường vẫn tăng nhẹ trong tuần, khi nhiều nhà đầu tư có tâm lý lạc quan trước bài phát biểu về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại sự kiện Jackson Hole (hội nghị thường niên về kinh tế) vào sáng thứ Sáu. Đây không phải là cuộc họp đưa ra quyết định chính sách, nhưng sự kiện này thường là cơ hội để thị trường lắng nghe chi tiết hơn từ Ngân hàng Trung ương về quan điểm của các nhà hoạch định chính sách đối với điều kiện kinh tế và những suy nghĩ mới nhất của họ về cách tiếp cận đối với việc điều chỉnh lãi suất.

Tương tự, thị trường chứng khoán châu Á rung lắc nhưng vẫn ghi nhận những phản ứng tích cực khi tâm lý các nhà đầu tư ổn định trở lại, với đầu tàu dẫn dắt nằm tại thị trường Nhật Bản cùng với áp lực tỷ giá giảm dần. Đồng Yên của Nhật Bản duy trì quanh mốc 145 và chỉ số DXY mất mốc 102. Chứng khoán Nhật Bản với chỉ số Nikkei 225 và Topix đều ghi nhận tăng nhẹ.

Với thị trường vàng, giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao, lập đỉnh mới. Giá kim loại quý này liên tục bứt phá nhưng vẫn còn dư địa tăng khi thời điểm dự kiến Fed sẽ hạ lãi suất đang đến gần và yếu tố địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp.

Tại thị trường trái phiếu, lợi suất đã giảm nhẹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lùi xuống gần mức 3,8% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm còn 4%. Lợi suất trái phiếu dài hạn đã giảm khoảng 0,4% trong tháng qua và giảm gần 0,9% kể từ mức đỉnh tháng 4. Lạm phát hạ nhiệt và hoạt động kinh tế có dấu hiệu chậm lại khiến lợi suất trái phiếu đi xuống.

Đối với “vàng đen”, giá dầu thế giới tiếp tục điều chỉnh trong tuần qua, sau dữ liệu tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp, đồng thời Washington thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Dầu Brent được giao dịch ở mức hơn 77 USD/thùng, giảm hơn 5% so với 1 tuần trước. Dầu thô West Texas Intermediate được giao dịch ở mức hơn 73 USD/thùng.

So với đầu năm 2024, giá dầu thô chuẩn của Mỹ hiện cao hơn khoảng 2%, trong khi giá dầu thô chuẩn toàn cầu Brent gần như đã xóa sạch các mức tăng. Cả hai loại dầu này đều giảm lần lượt 15,7% và 14,8% so với mức cao nhất vào tháng 4, thời điểm căng thẳng giữa Israel và Iran đe dọa đến an ninh khu vực.

Chứng khoán Việt Nam: Dòng tiền gia tăng

Tiếp đà hồi phục, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 4/5 phiên tăng trong tuần qua. Theo đó, khép lại tuần giao dịch, VN-Index tăng 33,09 điểm (2,64%) so với tuần liền trước, đóng cửa tại 1.285,32 điểm và đánh dấu tuần thứ hai tăng liên tiếp.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, sau khi xuất hiện phiên bùng nổ theo đà (FTD) ngày 16/8, diễn biến hồi phục của VN-Index được duy trì. Chỉ số bứt phá một số ngưỡng kháng cự, tiến gần đến ngưỡng cản lớn là 1.300 điểm. Thanh khoản được cải thiện rõ rệt, chứng tỏ dòng tiền ở lại thị trường và luân chuyển tích cực. Đây được đánh giá là điều kiện tốt để kiến tạo môi trường thuận lợi cho các giao dịch ngắn hạn.

Dù diễn biến có phần chậm lại trong 2 phiên cuối tuần, nhưng đây không phải là điều quá ngạc nhiên và được cho là cần thiết để giúp thị trường có một nhịp tích luỹ trở lại, đồng thời “thanh lọc” cổ phiếu, hướng dòng tiền đến những cổ phiếu mạnh, qua đó thúc đẩy chỉ số chung tiếp tục đi lên. Áp lực bán có xuất hiện, nhưng không lớn, lực cầu chủ động vẫn đang hấp thụ tốt và làm chủ xu thế vận động hiện tại của thị trường. Tâm lý các nhà đầu tư nghiêng về việc nắm giữ cổ phiếu. Theo đó, phiên giao dịch cuối tuần sau khoảng thời gian rung lắc đầu phiên đã nhanh chóng trở lại tăng điểm, với dòng tiền chờ đợi sẵn sàng nhập cuộc. Nhìn chung, xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index được duy trì.

Những tín hiệu đáng mừng với bên mua cũng được thể hiện qua các biểu đồ kỹ thuật, khi đường MACD sau khi duy trì trên đường Signal đã vượt lên trên đường 0, thể hiện sự quyết tâm của lực cầu. Cả Historgram của MACD đã ở trên mức 0, điều này xác nhận và khẳng định hơn cho một xu hướng mới, với sự dẫn dắt hiện tại nghiêng về bên mua. RSI được cải thiện và duy trì trên mức trung bình 50, đạt mức 63,52, củng cố cho tín hiệu tích cực này.

Các chỉ báo tâm lý thị trường cho thấy, dòng tiền vào thị trường mở rộng hơn, thanh khoản tăng lên mạnh mẽ khiến xác suất đầu tư thành công đang trong xu thế tăng lên. Đà lan tỏa thị trường cũng gia tăng, với những dấu hiệu dòng tiền quay trở lại trước sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là ngân hàng. Bên cạnh đó, diễn biến lan tỏa được ghi nhận ở nhiều nhóm cổ phiếu khác. Đường đà lan tỏa sau khi cắt lên đường MA10 đã hình thành xu hướng tăng.

Nhìn chung, giao dịch tuần qua nghiêng hẳn về bên mua khi VN-Index liên tiếp bứt phá các vùng cản và tiến sâu vào vùng đỉnh ngắn hạn cũ. Bối cảnh đầu tư đang được cải thiện tốt hơn, theo đó các vị thế đang có sẵn trong danh mục có thể tiếp tục duy trì. Đối với các vị thế mua mới, ưu tiên mua ở các nhịp điều chỉnh để có xác suất đầu tư thành công cao. Các nhóm cổ phiếu có động lực và xu hướng tăng mạnh so với chỉ số chung, thu hút được dòng tiền, cùng với nền tảng cơ bản vững chắc vẫn là những lựa chọn ưu tiên hàng đầu.

Hiện tại, các dòng cổ phiếu dẫn dắt sóng tăng được ghi nhận tại một số nhóm như ngân hàng, chứng khoán, hóa chất, bán lẻ, thực phẩm, bất động sản.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục