Để đảm bảo chất lượng tăng trưởng, Việt Nam cần dựa vào 3 trụ cột
Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF)
Năm 2019, mục tiêu tổng quát là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được đàm phán ký kết, 10 FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa Việt.
Thực tế cho thấy, các hiệp định tự do thương mại được ký kết tạo nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần gia tăng kim ngạch thương mại và mở cửa dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc ký kết ngày càng nhiều FTA, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại xuất - nhập khẩu.
Một động lực quan trọng khác là môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, cùng với niềm tin đang được khơi dậy từ công cuộc chống tham nhũng của Đảng hiện nay, sẽ có những tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Việt Nam trong năm 2019.
Tuy nhiên, xét trong dài hạn, nền kinh tế đang thiếu động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, bối cảnh thế giới có những diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, chiến tranh thương mại cùng xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan gia tăng.
Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa và sản xuất.
Về tổng thể, tình hình thế giới sẽ rất khó đoán định, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, song Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Nếu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút FDI, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, thực hiện các FTA, thì tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn năm nay.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều rủi ro. Đó là tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI; tăng trưởng tín dụng và cung tiền vẫn ở mức cao, kéo dài, tiềm ẩn rủi ro về nợ quốc gia và mất ổn định kinh tế vĩ mô; độ mở tài chính quốc gia cao hơn trình độ phát triển của nền kinh tế; tỷ lệ nợ công và nghĩa vụ trả nợ lớn.
Do vậy, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng, Việt Nam cần dựa vào 3 trụ cột: phát triển khu vực tư nhân; cải cách thể chế và môi trường kinh doanh; khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động.
Năm 2019, chính sách cần tiếp tục tập trung cải thiện nền tảng kinh tế vi mô
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Tăng trưởng kinh tế năm 2018 không suy giảm liên tục qua các quý như lo ngại. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực. Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi (về tỷ giá, lãi suất...) từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong quý cuối năm 2018 và tiếp tục sang năm 2019, bối cảnh thương mại và thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động lớn, nhất là diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách lãi suất của Mỹ, đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam trong điều hành nền kinh tế.
Đặc biệt, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý IV/2018 cũng như năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Tác động lớn nhất và rõ nhất là từ sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, do phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại và kết quả nếu có giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như độ nhất quán chính sách của Mỹ sau bầu cử giữa kỳ. Bên cạnh đó, thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư. Nhưng những tiến triển trong quá trình đàm phán/phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới (RCEP, CPTPP, EVFTA) có thể củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong bối cảnh này, cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế là cần thiết, song chưa đủ. Việt Nam cần nhiều hơn khả năng giám sát lưu chuyển vốn, hàng hóa từ các thị trường và tiếp cận linh hoạt trong quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt.
Để duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2019, ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế nhiều biến động. Cần đẩy nhanh các cải cách nền tảng kinh tế vi mô, song song với các biện pháp kinh tế vĩ mô và một số biện pháp liên quan như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả, tiền lương, chính sách thu hút FDI…
Cần giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc
Chúng ta đã sang một năm mới 2019 và bây giờ là lúc để ăn mừng những thành tựu, suy ngẫm về năm 2018 vừa qua và mong chờ một năm làm việc hiệu quả khác. Cho phép tôi cùng với các đối tác phát triển gửi lời cảm ơn tới Chính phủ và người dân Việt Nam vì sự hợp tác chặt chẽ và lòng hiếu khách nồng hậu...
Ông Osman Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Tôi muốn nhân cơ hội này để chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì một số thành tựu rất quan trọng khi chúng ta đánh dấu sự kết thúc năm thứ ba của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Quốc gia đã duy trì một năm ổn định kinh tế vĩ mô, được đánh dấu bằng lạm phát một chữ số thấp, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định và tăng cường vị thế bên ngoài. Quan trọng hơn, nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ khi đối mặt với rủi ro toàn cầu, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ, nhất là khi tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng tăng và sản xuất theo định hướng xuất khẩu.
Do đó, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao, đạt khoảng 7% - là một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và toàn cầu. Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp (30 năm qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng gần 5 lần) và là nước xuất khẩu đang phát triển mạnh. Sự tăng trưởng của Việt Nam cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 7%, so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980.
Tại lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có một số biện pháp chính nhằm xây dựng hệ thống các ngân hàng hàng đầu mạnh mẽ và vững chắc hơn, với việc áp dụng Nghị quyết 42 và xem xét lại Luật Các tổ chức tín dụng cho phép Ngân hàng Nhà nước giải quyết các thách thức từ nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Trong tương lai, Việt Nam nên tận dụng tối đa những nỗ lực đã đạt được để củng cố những lợi ích đó bằng những cải cách sâu sắc hơn để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định và ổn định tài chính. Khi Việt Nam hướng tới tương lai, lĩnh vực ngân hàng cần đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và trở thành một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2035.
Nhóm Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ các cải cách trong lĩnh vực ngân hàng trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật toàn diện của chúng tôi với mục tiêu cuối cùng là củng cố ngành ngân hàng và giảm thiểu rủi ro để hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế hiệu quả, mạnh mẽ.
Tôi cũng muốn khen ngợi Ngân hàng Nhà nước vì đã đóng vai trò lãnh đạo ngành tài chính, bao gồm cả việc dẵn dắt và quá trình đạt tới việc hoàn thiện Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện. Chúng tôi mong muốn hợp tác với Ngân hàng Nhà nước trong năm tới và đạt được cột mốc quan trọng là chính thức khởi động Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện và chuyển đổi những phát hiện, khuyến nghị của Chiến lược Quốc gia sang một kế hoạch hành động có thể hỗ trợ Việt Nam tiến gần hơn tới việc đạt được Phổ cập Mục tiêu tiếp cận tài chính đến năm 2020.
Nhưng hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Khi hướng tới năm 2019, Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức phát triển, bao gồm cả những vấn đề ít gặp tại các quốc gia có thu nhập thấp hơn trung bình. Đặc biệt là quá trình tiếp tục tái cấu trúc các khu vực chính, bao gồm đầu tư công, lĩnh vực ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước và điều chỉnh pháp lý.
Phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển khu vực tư nhân sẽ tiếp tục cực kỳ quan trọng, không chỉ trong ngắn hạn, mà còn đối với con đường tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam đối với một nước thu nhập trung bình cao. Nhóm Ngân hàng Thế giới đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong hơn 25 năm và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ cả về đầu tư và kiến thức để giải quyết những thách thức này trong những năm tới. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào mối quan hệ đối tác đáng tin cậy lâu dài với Chính phủ Việt Nam và cam kết tiếp tục củng cố và đưa lên một tầm cao mới.
Tôi xin cảm ơn vì sự hợp tác rất mạnh mẽ trong những năm qua. Chúc các bạn nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công rực rỡ trong năm mới 2019.
Nền kinh tế đang trong chu kỳ hồi phục và tái cơ cấu thực chất
Chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân
Với kết quả của năm 2018 và trong bối cảnh trong nước cũng như quốc tế được dự báo, tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm 2019 là khả thi. Nền kinh tế vẫn đang trong chu kỳ hồi phục và trong quá trình tái cơ cấu thực chất. Các động lực tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch thương mại, xuất khẩu vẫn đang phát huy tốt. Kinh tế tư nhân trên đà phát triển khá. DNNN đẩy nhanh cổ phần hóa và cải cách quản trị; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài duy trì sự đóng góp và nâng cao chất lượng. Các hiệp định FTA đã có đi vào thực hiện và có thêm CPTPP, EVFTA được ký kết, giảm bớt tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với nước ta. Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường gắn với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ tập trung, hiệu quả hơn… Đó là những nền tảng tạo tăng trưởng và ổn định bền vững hơn.
Vấn đề là chúng ta cần bám sát những biến động khó lường của tình hình thế giới và khu vực để có những phản ứng kịp thời, thích hợp, hóa giải các rủi ro có thể có. Vấn đề phòng chống thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu cũng cần đặt trong việc thường trực cảnh báo và xử lý ứng phó kịp thời, hữu hiệu. Hy vọng, việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết TW 6 Khóa XII sẽ là đột phá lớn tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, câu chuyện duy trì động lực tăng trưởng dài hạn cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng là vấn đề đáng quan tâm. Chất lượng tăng trưởng thay đổi chưa đáng kể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào FDI, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp trong bối cảnh vốn đầu tư và giải ngân tăng mạnh.
Xét trong ngắn hạn, tăng vốn đầu tư giúp thúc đẩy tăng trưởng, song về dài hạn thì cần cân nhắc, vì tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào FDI và lao động giá rẻ. Do đó, cần xem xét lại hiệu quả đầu tư và câu chuyện chất lượng tăng trưởng.