Dự báo sớm thị trường trái phiếu 2014

(ĐTCK) Bất chấp giao dịch trái phiếu chính phủ đang rất trầm lắng trong giai đoạn cuối năm 2013, vẫn có những diễn biến trái chiều cho thấy, nhu cầu đối với kênh đầu tư này tiếp tục lớn và thậm chí có khả năng sớm phục hồi trong đầu năm 2014.
Dự báo sớm thị trường trái phiếu 2014

“Sốt” trái phiếu VDB

Từ đầu quý IV/2013 tới nay, sức nóng của trái phiếu kỳ hạn 2 năm - kỳ hạn đang được tập trung nhiều nhất trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) - vẫn hầu như không thuyên giảm.

Tỷ lệ đấu thầu thành công đối với kỳ hạn này gần như đạt tuyệt đối: Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 14.890 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn này, đạt 96% tổng mức gọi thầu. Khối lượng đăng ký mua kỳ hạn này thậm chí gấp gần 3 lần so với khối lượng chào bán. Trong khi đó, lãi suất trúng thầu vẫn giữ trong mức thấp khoảng 7,19 - 7,4%/năm.

Cả trái phiếu Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển (VDB) cũng hút nhà đầu tư, sau khi có quy định mới thắt chặt lượng cung của loại trái phiếu có lãi suất cao này. Thông tư 167/2013/TT-BTC ban hành ngày 15/11 của Bộ Tài chính quy định: trong thời gian Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho các ngân hàng chính sách, Bộ Tài chính thông báo hạn mức phát hành tạm thời trong quý I năm kế hoạch cho các ngân hàng chính sách, “với giá trị tối đa không vượt quá số nợ gốc trái phiếu đến hạn trong quý I năm kế hoạch và hạn mức đang trình Thủ tướng Chính phủ”.

Dự báo sớm thị trường trái phiếu 2014 ảnh 1

CPI tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khiến nhiều chuyên gia dự báo NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất

Sau quy định này, các lệnh mua trái phiếu của VDB được đưa ra nhiều hơn, với kỳ vọng giá của loại trái phiếu này sẽ tăng lên trong tương lai do nguồn cung có thể sẽ hạn hẹp. Trong hai tuần cuối tháng 11, VDB mỗi tuần đều đấu thầu thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, với lãi suất không đổi 8,45%/năm.

“Việc tăng nhu cầu đối với trái phiếu VDB là dễ hiểu”, Công ty Chứng khoán Sài Gòn nhận xét và phân tích, với quy định mới như trên, khối lượng trái phiếu VDB trong quý I/2014 sẽ không được vượt quá 10.000 tỷ đồng, nghĩa là khối lượng phát hành mỗi tuần sẽ không vượt quá 1.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức hiện tại là 3.000 tỷ đồng.

Trong khi lợi suất của trái phiếu VDB vẫn tương đối cao so với trái phiếu KBNN, quy định mới tất yếu dẫn đến nhu cầu trái phiếu của VDB tăng cao.

 

Chuyển động trái quy luật và khả năng phục hồi của thị trường

Một diễn biến tích cực khác là thị trường trái phiếu thứ cấp đã sôi động hơn trong tháng 11/2013, do lợi suất trái phiếu có tăng nhẹ. Đã có khoảng 19.200 tỷ đồng TPCP và TPCP bảo lãnh được giao dịch trong tháng, tăng khoảng 12% so với tổng lượng giao dịch trong tháng 10. Lợi suất trái phiếu các kỳ hạn ngắn gần như không thay đổi, trong khi đó, lợi suất trái phiếu dài hạn hơn tăng nhẹ, từ 0,05% đến 0,10% so với cùng kỳ tháng trước.

“Lực cầu có phần phục hồi trong giai đoạn cuối năm”, Báo cáo của Nhóm nghiên cứu thuộc Ban kinh doanh vốn và Tiền tệ của Ngân hàng BIDV nhận xét. Nhóm nghiên cứu dự báo, lãi suất TPCP kỳ hạn 2 năm - kỳ hạn đang được mua nhiều nhất trên thị trường - của tháng 12 sẽ ổn định ở mức khá thấp, khoảng 7,3 - 7,5%/năm.

Thị trường TPCP năm 2013 đã tiếp tục tăng vọt sau khi bùng nổ từ năm 2012. Tính từ đầu năm đến ngày 7/12/2013, tổng giá trị phát hành TPCP (gồm cả trái phiếu Chính phủ bảo lãnh) đã đạt 178.400 tỷ đồng, vượt 6% so với khối lượng của cả năm 2012. Riêng trái phiếu KBNN của giai đoạn này đã tăng 17% so với cả năm 2012, theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội.

Tuy nhiên, sự sôi động này đã giảm đi rất nhiều kể từ quý III năm nay, khiến thị trường cho rằng, sức hấp dẫn của kênh TPCP không còn lớn. Một vài diễn biến trái chiều ngay trong giai đoạn cuối năm - giai đoạn các ngân hàng thường tập trung cho thanh khoản và giảm đầu tư TPCP - lại cho thấy, nhu cầu đầu tư đối với kênh này đang lớn hơn thông lệ.

Sự trái chiều này xuất phát từ diễn biến kinh tế vĩ mô. Quý IV năm nay được coi là một quý có diễn biến kinh tế trái với thông lệ 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng quá thấp, chỉ ở mức 0,34% so với tháng 10 và tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức tăng thấp thứ 2 kể từ năm 2003 trở lại đây, chỉ sau năm 2009.

Việc giá cả các tháng cuối năm tăng thấp là “trái với thông lệ 10 năm trở lại đây”, báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia viết. Sự trái với thông lệ này thậm chí sẽ khiến thị trường kỳ vọng đối với một đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2014, Nhóm nghiên cứu của BIDV nhận xét.

Trong khi đó, các ngân hàng đang có xu hướng nâng cao tỷ trọng các tài sản có tính an toàn cao và khả năng thanh khoản tốt. “Đây là hai yếu tố khiến lực cầu trái phiếu có thể phục hồi sớm trong đầu năm 2014”, các chuyên gia dự báo.    

>>6/2014, có hệ thống giao dịch trái phiếu mới

>>Tăng trưởng tín dụng 2014 có thể đạt 14-15%

>>Trình Quốc hội phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu

Quang Minh
Quang Minh

Tin cùng chuyên mục