Mấy ngày qua, vấn đề được đề cập đến rất nhiều là liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có quyết định tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 9 này và những quan ngại việc tăng lãi suất xảy ra sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường tiền tệ tại Việt Nam. Liên quan đến những vấn đề này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế.
Ông có bình luận gì về những mục tiêu trong cuộc họp tháng 9 của Fed?
Có lẽ chúng ta không nên chỉ nhìn vào hiện tượng trước mắt mà cần xâu chuỗi lại vấn đề. Thực tế, Fed đã để ngỏ dự định tăng lãi suất từ tháng 10 năm ngoái nhằm giúp những thị trường kỳ vọng như chứng khoán có thời gian giảm bớt dư chấn. Do vậy, việc tăng lãi suất của Fed tại thời điểm này nếu có đi chăng nữa thì những tác động đã thấm vào thị trường từ trước đó. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy, Mỹ bao giờ cũng rất bài bản trong các quyết sách của mình. Chẳng hạn, nếu có nguy cơ lạm phát, bong bóng bất động sản, tín dụng, lãi suất sẽ tăng. Tuy nhiên, hiện lạm phát của Mỹ chỉ ở mức 0,3%, thị trường bất động sản mới hồi phục nhẹ, bong bóng tín dụng chưa có gì… Do vậy, mức độ tăng lãi suất nếu có đi chăng nữa cũng sẽ nhỏ.
Theo tôi, có 3 câu hỏi đặt ra cần phải trả lời. Thứ nhất, Mỹ tăng lãi suất, sự hồi phục kinh tế chậm lại thì cả thế giới cùng khó khăn, trong đó có các quốc gia mới nổi như Việt Nam. Khi nền kinh tế thế giới hồi phục chậm, một mình Mỹ khó có thể hồi phục mạnh mẽ.
Thứ hai, trong khi cả thế giới nới lỏng tiền tệ thì Mỹ thắt chặt (tăng lãi suất tức là thắt chặt tiền tệ) trong bối cảnh lạm phát rất thấp, giá cả toàn cầu suy giảm, tăng lãi suất giải quyết vấn đề gì? Có chăng là 8 năm qua không tăng lãi suất, nếu để kéo dài thêm thì sau này sẽ phải tăng nhịp độ lớn hơn. Thứ ba, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ trong khi đồng USD không có dư địa phá giá, việc tăng lãi suất lên sẽ làm tăng chênh lệch giữa USD với Nhân dân tệ. Khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có lợi, thâm hụt thương mại sẽ quay trở lại với Mỹ ở mức độ không nhỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường tiền tệ Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng khi Mỹ tăng lãi suất. Ông đánh giá sao về việc này?
Nền kinh tế Việt Nam quá nhỏ để chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ tăng lãi suất. Điều được đề cập đến nhiều nhất trong việc Mỹ tăng lãi suất là vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các thị trường mới nổi sẽ quay về Mỹ, bởi lãi suất tăng đồng nghĩa với việc giữ đồng đô la sẽ lãi hơn. Nhưng việc rút tiền từ các quốc gia này về gửi ở Mỹ để hưởng thêm lãi suất chưa chắc đã là một lựa chọn khôn ngoan nếu Mỹ tăng lãi suất không đáng kể. Tất nhiên, điểm chính là thị trường kỳ vọng, nếu Mỹ đã tăng lãi suất dù chỉ 0,25% rồi có thể tăng tiếp để trở thành một chuỗi tăng trong tương lai. Tôi cho rằng, với sự đình đốn hiện nay của nền kinh tế thế giới, Mỹ không thể liên tục tăng lãi suất và nếu có thể tăng 1% lãi suất, tiến trình này có khi phải kéo dài cả năm, mà điều quan trọng là việc tăng lãi suất không giải quyết gì được nhiều đối với nền kinh tế trong nước.
Điều tôi muốn chia sẻ thêm là, trước khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ thì các nhà đầu tư đã rút vốn bởi họ dự đoán được điều này. Tuy nhiên, trong 3 tuần trở lại đây, nguồn tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp đã quay trở lại rất nhiều, giúp TTCK Trung Quốc hồi phục và tăng trở lại. Lý do bởi thực tế cho thấy, chưa có quốc gia nào nửa thế kỷ qua vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế trên 7%, nên dòng tiền vẫn đổ về Trung Quốc là điều bình thường.
Dự báo của ông về thị trường tiền tệ Việt Nam từ nay đến cuối năm?
Tôi cho rằng, thị trường tiền tệ Việt Nam đến cuối năm về cơ bản sẽ ổn định, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng không ảnh hưởng lớn đến lãi suất cho vay, mặc dù tín dụng có xu hướng tăng. Tỷ giá hối đoái cũng sẽ ổn định và nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN. Có hai yếu tố có thể tác động nhất định đến thị trường tiền tệ, một là nếu Mỹ tăng lãi suất với mức tăng lớn (điều này rất khó xảy ra), hai là nếu Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh lớn tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Trên thực tế, Trung Quốc đã thả nổi có kiểm soát tỷ giá hối đoái, nên về cơ bản, nếu có điều chỉnh chỉ là tăng giảm theo thị trường, với mức độ không đáng kể. Như vậy, những tác động từ bên ngoài vào thị trường tiền tệ Việt Nam từ nay đến cuối năm không lớn.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và
Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
Về cơ bản, đã đến thời điểm Fed dừng chính sách lãi suất 0%, nhưng bối cảnh kinh tế thế giới có thể tạo ra những đắn đo, do vậy mới có những dự báo khác nhau như: Fed không tăng lãi suất, Fed sẽ tăng vào cuộc họp tháng 12 hoặc đầu năm sau và nếu tăng thì phải theo chuyển động của kinh tế Mỹ cũng như thế giới, quá trình thực hiện cũng phải dần dần nên mức tăng thấp 0,25%. Mức độ và thời điểm tăng có ảnh hưởng đến các thị trường, phản ứng chính sách của các quốc gia.
Thứ nhất, về tổng thể, Fed tăng lãi suất, đồng USD sẽ lên giá có thể tạo ra một tác động đến quyết định của các quốc gia khác trong việc thay đổi tỷ giá để đảm bảo sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Như vậy, thay đổi lãi suất dẫn đến thay đổi tỷ giá của đồng USD và phản ứng với nhau sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Về cơ bản, quốc gia nào mà mức lên giá cao hơn so với các đồng tiền khác thì khả năng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, Fed tăng lãi suất cùng với sự phục hồi của kinh tế Mỹ có thể dẫn đến dòng vốn sẽ quay trở lại Mỹ nhiều hơn, gây ra những dịch chuyển, xáo trộn nhất định. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào độ hấp dẫn của những thị trường khác nhau.
Thứ ba, việc đảo chiều dòng vốn sẽ có tác động đến TTCK toàn cầu.
Thứ tư, về vĩ mô liên quan đến việc thanh toán, trả nợ của các nước, mức độ nợ, tỷ lệ nợ xét theo đồng USD và đồng tiền khác.
Tác động của việc Fed thay đổi lãi suất đối với Việt Nam cũng vậy, nhưng cần tính thêm yếu tố sức ép của tỷ giá, cũng như mức độ phản ứng chính sách như thế nào. Câu hỏi đặt ra là, liệu NHNN có giữ được ổn định tỷ giá? Tôi đồng tình với thông điệp NHNN cho biết, đã nắm bắt tình hình, nên nếu không có những cú sốc thì dù Fed tăng lãi suất vẫn có sức ép đối với tỷ giá, nhưng NHNN vẫn giữ được cam kết không phá giá đồng Việt Nam đến quý I/2016.