Dự báo room tín dụng 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng đóng góp bình quân vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất của các ngân hàng. Do đó, nhiều ngân hàng đang ngóng chờ hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho năm mới.
Ngành ngân hàng tiếp tục tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu vẫn ở mức cao. Ảnh: Dũng Minh Ngành ngân hàng tiếp tục tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu vẫn ở mức cao. Ảnh: Dũng Minh

Ngân hàng thương mại nhà nước chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng

Nhìn lại diễn biến thị trường năm 2022, bà Hoàng Nữ Ngọc Thuỷ, Trưởng phòng Nghiên cứu phân tích, Ban kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV cho biết, trước những cú sốc liên tiếp từ môi trường vĩ mô quốc tế cũng như trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã có một năm điều hành bận rộn với những dịch chuyển linh hoạt và kịp thời để đảm bảo các mục tiêu.

Cụ thể, theo bà Thuỷ, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã dịch chuyển mạnh mẽ từ nới lỏng sang thắt chặt rõ nét hơn kể từ cuối tháng 6/2022, với mục tiêu ưu tiên là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát thông qua một loạt giải pháp. Một mặt, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh các loại lãi suất điều hành trong quý III/2022, bao gồm lãi suất trên thị trường mở (từ mức 2,5%/năm lên 6%/năm) và các loại lãi suất điều hành khác (tăng 2 lần, tổng mức tăng là 2%/năm). Mặt khác, cơ quan này điều tiết cung tiền thận trọng hơn, với mức hút ròng ước tính hơn 200.000 tỷ đồng.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước duy trì hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại qua kênh thị trường mở và tái cấp vốn để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong hai tháng cuối năm 2022. Đáng chú ý, trong giai đoạn này, cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống thêm 1,5 - 2,0%, lên mức 15,5 - 16,0%, để các ngân hàng thương mại có thể mở rộng cho vay, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, ông Kang Gew Won, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho hay, Ngân hàng gặp một số khó khăn khi mở rộng quy mô do hạn chế về tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nhưng tháng 12/2022, với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã cấp bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng nên Shinhan có thể cung cấp thêm sản phẩm cho vay lãi suất thấp cho khách hàng.

Đến thời điểm hiện tại, chưa có báo cáo tài chính quý IV/2022 và cả năm 2022 của các tổ chức tín dụng, theo đó, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn đang ở mức 53% trong quý III/2022, cao hơn so với mức 31% trong quý I/2022 và mức 36% trong quý II/2022, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng gần 40%.

Thực tế cho thấy, sau giai đoạn giãn cách do dịch Covid-19 vào quý III/2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh đã thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng. Tuy nhiên, một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, có dấu hiệu chững lại trong tăng trưởng lợi nhuận theo quý của ngành ngân hàng kể từ quý II/2022. Trong đó, sự phân hóa tiếp diễn trong tăng trưởng lợi nhuận giữa các ngân hàng, cụ thể, các ngân hàng quốc doanh (có vốn nhà nước chi phối) và nhóm 1 có mức tăng bình quân lần lượt là 33% và 48%, trong khi nhóm 2 và nhóm 3 là 37% và âm 0,5%.

“Tăng trưởng tín dụng theo năm vẫn là động lực quan trọng với mức đóng góp bình quân vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất”, báo cáo của VDSC đánh giá.

Trong diễn biến có liên quan, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank đề nghị cơ quan quản lý sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công bố các giới hạn tăng trưởng trong năm 2023 và ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để VietinBank và các ngân hàng khác cân đối vốn, từ đó có sự chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế.

“Việc này chắc chắn không ảnh hưởng đến công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước, do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ”, ông Dũng nói.

Room tín dụng năm 2023 có thể thấp hơn năm 2022

Hạn mức tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2023 được dự báo trong khoảng 11 - 14%.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV dự báo: “Đối với tín dụng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức độ vừa phải. Với mục tiêu trưởng GDP 6 - 6,5%, lạm phát 4,5% do Chính phủ đặt ra, chúng tôi cho rằng, hạn mức tăng trưởng tín dụng có thể tiếp tục xoay quanh khoảng 13 - 14% trong năm mới, với định hướng nhất quán tiếp tục tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu vẫn ở mức cao”.

Trong khi đó, các chuyên gia của VDSC nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 11 - 12% cho cả năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5 - 16% của năm 2022, do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng và một số động lực tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy giảm, bên cạnh đó là quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.

Theo VDSC, phân bổ hạn mức tín dụng theo mục tiêu sẽ tạo lợi thế cho một số ngân hàng, trong khi hạn chế cơ hội tăng trưởng của các ngân hàng khác.

“Theo ước tính của chúng tôi, tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau. Đối với những ngân hàng có một trong những yếu tố sau: ngân hàng 0 đồng; hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay; có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro; chất lượng thanh khoản cao, sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác”, chuyên gia của VDSC nói.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% trong năm 2023. Tín dụng đã tăng 14,5% trong năm 2022, cao hơn mức tăng năm 2021 (13,6%), tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12 (6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,5%) - chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2022 và kể cả năm 2023 - 2024.

Lý giải thêm về nhận định trên, bà Hiền cho biết, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% trong năm 2023 do thị trường bất động sản nhiều khả năng kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu chính phủ trầm lắng và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà. Xuất khẩu, một trong những trụ cột tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam, dự kiến sẽ giảm tốc, đạt mức tăng 9,5% trong năm 2023 (từ mức 14% năm 2022). Hơn nữa, không ít doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

“Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, chúng tôi nhận thấy lạm phát tại Việt Nam có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng...”, bà Hiền nói.

Cuối cùng, theo bà Hiền, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng gần chạm ngưỡng quy định (85%).

Rõ ràng, trước bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

“Dựa trên những yếu tố này, chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng như dưới đây. VPBank, MBB, HDBank và Vietcombank là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, vì vậy các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023”, bà Hiền nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục