Dự báo kinh tế thế giới trước xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ

Báo cáo mới nhất của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 2010, trong năm 2017, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng vượt trội hơn so với hầu hết các dự đoán, và giới chuyên gia kỳ vọng đà tăng này sẽ tiếp diễn trong năm 2018.
(Nguồn: NEC India) (Nguồn: NEC India)
Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2018 sẽ là 4,0%, cao hơn so với ước tính tăng 3,7% của cả năm 2017 và khởi sắc hơn rất nhiều so với con số 3,3% hồi năm 2016. 

Điều này là nhờ các điều kiện tài chính thuận lợi cùng những hỗ trợ từ chính sách tiền tệ của các quốc gia. Song Goldman Sachs cũng không loại trừ những yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó đáng chú ý nhất là việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Xu hướng thắt chặt tiền tệ 

Hồi giữa tháng 12/2017, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) đã thông báo quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, từ khoảng 1,0-1,25% lên 1,25%-1,5%, sau khi các điều kiện thị trường lao động và lạm phát diễn biến theo như kỳ vọng. Đây là lần thứ 3 Fed tăng lãi suất trong năm 2017, cho thấy mức độ tự tin của cơ quan này đối với nền kinh tế Mỹ. Dự kiến sẽ có thêm ba đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2018. 

Sau khi Fed nâng lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngay sau đó đã tiến hành tăng lãi suất (bao gồm việc tăng lãi suất hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,45% lên 2,5%, lãi suất hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 28 ngày từ 2,75% lên 2,8%). Giới quan sát nhận định động thái trên của PBoC được coi là bước đi nhằm tránh phải tăng lãi suất chuẩn. 

Bên cạnh việc tăng lãi suất tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong năm 2018 cũng được dự báo sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng (QE) - vốn là biện pháp bơm thêm tiền vào thị trường bằng việc mua trái phiếu. 

Kết hợp với mức lãi suất thấp và khoản tín dụng ưu đãi dành cho các ngân hàng, chương trình mua trái phiếu này nhằm khuyến khích chi tiêu và đầu tư, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 
Dự báo kinh tế thế giới trước xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ ảnh 1

Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc ngày 13/7. (Nguồn: AFP/TTXVN) 

ECB mới đây thông báo sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu xuống 30 tỷ euro (36 tỷ USD)/tháng kể từ tháng 1/2018, giữa bối cảnh kinh tế Eurozone phục hồi mạnh mẽ hơn. Đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc bình thường hóa lãi suất tại khu vực đồng euro. 

Tuy nhiên, dù việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên phạm vi toàn cầu khó có thể gây biến động lớn cho các thị trường tài chính, xu hướng này vẫn tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế. QE đã làm giảm lợi suất và đẩy giá tài sản lên cao, khiến cho các nhà đầu tư hướng tới các tài sản rủi ro hơn. 

Một nguy cơ khác là việc chính phủ các nước và giới nghiên cứu chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế về tác động của việc cắt hoặc giảm bớt những gói kích thích tài chính đối với thị trường, do kinh tế thế giới chưa bao giờ triển khai các gói QE với quy mô lớn như vừa qua. 

Chính vì vậy, Fed đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu những tác động từ việc thu hẹp bản cân đối kế toán 4.500 tỷ USD bằng cách để trái phiếu đáo hạn, một quy trình bình thường hóa nhằm tránh gây đảo lộn cho các thị trường, thay vì bán tài sản. Fed sẽ giảm dần lượng tài sản nắm giữ cho đến khi tốc độ giảm đạt đến 50 tỷ USD/tháng. 

ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) gần như chắc chắn cũng sẽ đi theo xu hướng của Fed, xác định chính xác sẽ cắt giảm bao nhiêu lượng tiền bơm vào thị trường trong khoảng thời gian bao lâu. Goldman Sachs dự báo chương tình mua tài sản của ECB sẽ tiếp tục đến cuối năm 2018, trong khi sẽ không đợt tăng lãi suất nào tới cuối năm 2019. 

BoJ cũng sẽ duy trì chính sách kiểm soát đường cong lãi suất, tuy nhiên sẽ tiến hành cắt giảm lượng phát hành của hầu hết các loại trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau trong tài khóa 2018 (bắt đầu từ 1/4/2018). Việc thắt chặt nguồn cung trái phiếu sẽ làm giảm lãi suất, tiếp tục giúp BoJ cắt giảm chương trình thu mua trái phiếu. 

Triển vọng của các nền kinh tế 

Bất chấp những rủi ro từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương, với điều kiện tài chính thuận lợi và một số hỗ trợ từ chính sách tài khóa, triển vọng kinh tế toàn cầu khá tươi sáng và đồng đều giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi. 

Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn an toàn và có nhiều chỉ số tích cực như việc làm, giá nhà ở và lợi nhuận từ đầu tư kinh doanh đều tăng. Tuy nhiên, tiền lương trung bình tại Mỹ vẫn chưa tăng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2001. Trong năm 2018, GDP của Mỹ ước sẽ tăng trưởng khoảng 2,5%. 

Nền kinh tế khu vực Eurozone nhiều khả năng tiếp tục duy trì đà phục hồi với mức tăng trưởng ước tính là 2,2%, mặc dù nguy cơ chính trị vẫn còn. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng vào khoảng 1,6% vào năm tới. Những thách thức chính của kinh tế Nhật Bản là lực lượng lao động suy giảm, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi tăng lên, trong khi chính sách thắt chặt nhập cư vẫn không được nới lỏng. Lạm phát vẫn duy trì trong khoảng mục tiêu của BoJ đặt ra là 2%. 

Vương quốc Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất “đi lùi” so với xu hướng khi chỉ tăng 1,3% vào năm 2018, thấp hơn mức ước tính 1,5% của năm 2017, do lạm phát cao hơn sẽ ảnh hưởng đến mức tăng thu nhập thực tế và hoạt động tiêu dùng. 

Trong khi đó, triển vọng của các nền kinh tế mới nổi trong năm tới là khá tích cực. Ấn Độ và Nga đều sẽ tăng trưởng trở lại sau giai đoạn suy thoái kéo dài, với Xứ sở Càri ước sẽ đạt mức tăng trưởng 8% trong năm tài chính 2018, còn kinh tế Nga tăng trưởng 3,3% vào năm tới. Brazil cũng được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục với mức tăng ước khoảng 2,7% vào năm 2018. 

Trái ngược với các nền kinh tế trên, Trung Quốc sẽ chứng kiến quá trình tăng trường “giảm tốc” dần trong năm tới.

Goldman Sachs cho rằng những cải cách hiện hành, trong đó có các biện pháp hạn chế rủi ro tài chính và cải thiện tình hình môi trường, sẽ hạn chế đà đi lên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do vậy, nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại từ mức ước tính 6,8% trong năm 2017 xuống 6,5% vào năm 2018 và còn 6,1% vào năm 2019.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục