Dự báo GDP năm nay tăng 5,2 - 6,2%

0:00 / 0:00
0:00
TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch&Đầu tư) khá lạc quan về bức tranh kinh tế năm nay.

Trong thời gian còn lại của năm 2022, theo ông, những yếu tố nào hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế?

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

Tôi nghĩ rằng, có 5 yếu tố hỗ trợ tích cực nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm nay.

Thứ nhất, chính sách mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là việc mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2021 là điều kiện cơ sở cho quá trình phục hồi.

Thứ hai, sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất cả nước - nơi vốn bị tổn hại nặng nề và thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau làn sóng dịch bùng phát lần thứ tư trong năm 2021. Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% trong năm nay, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Thứ ba, cộng hưởng tác động của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, các gói kích cầu nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng sẽ như một “cú hích“ tới tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Thứ tư, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn được kỳ vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022. Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022.

Thứ năm, xu hướng phục hồi của cầu trong nước.

Lợi thế, tích cực bao giờ cũng đi kèm với rủi ro, trở ngại. Thưa ông, những rủi ro, trở ngại nào có thể đe dọa quá trình phục hồi GDP năm 2022?

Quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam đang đối mặt với một số rủi ro, trở ngại.

Rủi ro dễ nhìn thấy nhất là đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt. Mặc dù hầu hết các nước đã quay trở lại trạng thái bình thường, nhưng nguy cơ xuất hiện biến chủng mới vẫn còn, đặc biệt là dịch bệnh quay trở lại tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thế hai thế giới và là một trong những đối tác thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng nhất của Việt Nam.

Gần đây, các định chế tài chính trên thế giới đều giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nền kinh tế lớn và kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo sẽ chậm lại.

Với độ mở lớn như kinh tế Việt Nam, mỗi khi kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU giảm tốc độ tăng trưởng, sẽ ngay lập tức tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Đó là những rủi ro khách quan, còn nội tại nền kinh tế thì sao, thưa ông?

Sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng là rủi ro không lớn.

Sự kém hiệu quả trong thực thi các chính sách kích thích kinh tế, thiếu nhất quán trong việc áp dụng các chính sách hoặc hoạt động điều hành kinh tế không linh hoạt có thể gây nản lòng doanh nghiệp và mất niềm tin của các nhà đầu tư cũng được coi là rủi ro.

Cuối cùng, mặc dù Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua từ trung tuần tháng 1/2022 trị giá 350.000 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn còn lúng túng trong việc triển khai nhiều gói hỗ trợ.

Trong gói hỗ trợ trị giá 350.000 tỷ đồng, thì gói phát triển kết cấu hạ tầng chiếm 113.550 tỷ đồng, nhưng giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm quá chậm?

Đầu tư công được coi là dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng, vì vậy, Quốc hội đã quyết định sử dụng tới 113.550 tỷ đồng trong tổng số 350.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cho đầu tư hạ tầng. Nhưng 5 tháng đầu năm mới giải ngân 27,7% kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách nhà nước, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2021, cả xã hội gần như bị đóng băng bởi Covid-19, nhưng giải ngân vốn ngân sách nhà nước vẫn đạt 27% dự toán và tăng 15,6%.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, theo tôi, phải sớm gỡ 2 nút thắt.

Thứ nhất, năm 2021, giá nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép... đã tăng quá cao, năm nay còn tăng mạnh hơn nữa, khiến rất nhiều công trình, dự án phải triển khai cầm chừng để chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đây là sự cố bất khả kháng, không thể tính trước được, phải tìm cách tháo gỡ ngay, bởi nếu không điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc ký lại hợp đồng, thì các công trình dở dang chắc phải dừng lại vì nhà thầu càng làm càng lỗ, các công trình chưa khởi công sẽ không bao giờ có cơ hội động thổ.

Thứ hai, giải phóng mặt bằng là nút thắt muôn thuở. Nếu không giải phóng được mặt bằng thì công trình, dự án chỉ nằm trên mô hình. Những năm trước, giải phóng mặt bằng đã khó, thì từ nửa cuối năm ngoái đến nay lại càng khó hơn do thị trường bất động sản “tăng động” liên tục. Với Nghị quyết 29/2021/QH15, Quốc hội đã cho phép thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, nên cần sớm triển khai để tháo gỡ nút thắt này.

Ông dự báo thế nào về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay?

Nhiều tính toán đã cho ra kết quả là năm nay, GDP tăng trong khoảng 5,2-6,2%. Trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 -3%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,5 - 7,5%; dịch vụ tăng 5,1 - 6%.

Đạt được kết quả này có thể nói là rất tích cực trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới được dự báo không rơi vào suy thoái thì tốc độ tăng trưởng cũng giảm rất mạnh.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục