Theo ông Lâm, có 2 thách thức lớn, thứ nhất là nông nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn tác động tới tăng trưởng kinh tế nói chung, cũng như ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu. Thứ hai là công nghiệp khai khoáng giảm tăng trưởng cả về lượng và kim ngạch, giảm đáng kể đóng góp vào tăng trưởng GDP cả năm.
“Theo rà soát và phân tích các số liệu, chúng tôi dự báo, trong 6 tháng cuối năm nếu không có chính sách và giải pháp tốt để khắc phục các khó khăn do hạn hán thiên tai dịch bệnh, cơ cấu giống cũng như có chính sách hợp lý về đầu ra để tăng xuất khẩu hàng nông thủy hải sản, thì ngành nông nghiệp sẽ rất khó khăn. Dự báo năm nay sẽ là một năm rất khó khăn đối với lĩnh vực này. Hy vọng cuối năm, Bộ Công thương có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Lâm cho biết
Đối với lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, theo phân tích của ông Lâm, kế hoạch năm nay khai thác trong nước chỉ có 14,74 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng khai thác đầu năm đã đạt hơn nửa, trên 8,38 triệu tấn. Như vậy, nếu đúng kế hoạch thì 6 tháng cuối năm sản lượng khai thác sẽ giảm, tăng trưởng khu vực công nghiệp khai khoáng sẽ rất thấp.
Để duy trì và đạt mức tăng trưởng như nửa đầu năm thì phải đẩy mạnh tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ kinh doanh tiếp theo đà tăng của 2 quý đầu năm để bù đắp mức giảm của lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.
Trên cơ sở những phân tích này, ông Lâm đưa ra 3 kịch bản kinh tế cho cả năm 2015.
Kịch bản thứ nhất, giả định lĩnh vực nông nghiệp vẫn hết sức khó khăn, trong khi kế hoạch khai thác dầu thô vẫn giữ nguyên kế hoạch từ đầu năm là 14,74 triệu tấn cho cả năm nay, thì tăng trưởng GDP cả năm khó đạt mục tiêu 6,2% như kế hoạch đã đề ra.
Ở kịch bản thứ hai, theo ông Lâm, nếu nông nghiệp vẫn khó khăn như hiện nay, tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Công thương linh hoạt đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng, có chính sách thúc đẩy tăng hơn nữa công nghiệp chế biến chế tạo và một số ngành có tiềm năng khác như dịch vụ, xây dựng, có giải pháp tìm được thị trường xuất khẩu tôt cho một số mặt hàng như tôm, thủy sản thì tăng trưởng GDP vẫn có thể đạt mục tiêu 6,2% hoặc có thể cao hơn.
“Tôi hy vọng kịch bản 2 nhiều khả năng có cơ sở đạt được. Lý do là vì chúng ta đã ký được FTA với Hàn Quốc, theo đó khả năng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu được sang thị trường này nhiều hơn năm trước. Tương tự như vậy, hy vọng cuối năm nay thị trường châu Âu sẽ tăng nhập khẩu hàng thủy sản để chuẩn bị cho dịp Giáng sinh cuối năm. Theo định hướng này, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt chủ động, có giải pháp thiết thực khắc phục khó khăn về nông nghiệp và thủy hải sản, tăng cường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ để giảm nhập khẩu, thì bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ khả quan. Chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu ít nhất là tăng trưởng 6,2% như Quốc hội đã thông qua”, ông Lâm nhấn mạnh.
Còn kịch bản ba khá tham vọng là vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2%. Kịch bản này đòi hỏi nỗ lực, linh hoạt rất lớn của các bộ, ngành trong việc điều hành thực hiện các chính sách, đặc biêt là chính sách tiền tệ, tài khóa, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Lâm cho biết, tại cuộc họp tổ liên 4 bộ về điều hành kinh tế vĩ mô, các bộ trưởng tập trung thảo luận nhiều về việc làm sao giảm nhập khẩu lậu, hàng giả, hàng nhái, coi đây là một trong những giải pháp để đẩy mạnh sản xuất trong nước.
“Tôi tin với sự điều hành tốt của Chính phủ, kinh tế cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều điểm sáng, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đã phê duyệt”, ông Lâm nhận định.