Dự án “xanh” hấp dẫn nhà đầu tư Singapore

0:00 / 0:00
0:00
Dòng vốn từ Singapore đang tiếp tục đổ vào Việt Nam, mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố và hướng đến các lĩnh vực năng lượng xanh, khu công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao...
Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 tại Trường đại học quốc tế Miền Đông nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các nhà máy thông minh ở Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 tại Trường đại học quốc tế Miền Đông nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các nhà máy thông minh ở Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn

Tăng kết nối, mở rộng đầu tư

Đầu tháng 7/2022, một loạt doanh nghiệp Singapore như Tập đoàn Tài chính GSUM, Công ty Poly Entertainme, Công ty cổ phần Best Land; Công ty Singa Project Management... đã đến Bình Phước để tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư với các đối tác, doanh nghiệp đến từ Singapore để mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất; chế biến thực phẩm; chế biến hàng hóa từ mủ cao su; công nghiệp điện tử, sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị trong công, nông nghiệp; đầu tư xây dựng các khu thương mại, dịch vụ; y tế, giáo dục...

Hiện đầu tư của Singapore vào Bình Phước còn chưa nhiều với 15 dự án, vốn đầu tư 286 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn FDI vào tỉnh này. Các lĩnh vực chủ yếu mà nhà đầu tư Singapore lựa chọn đầu tư tại Bình Phước là chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm; sản xuất thức ăn gia súc; sản xuất pin, ắc quy...

Tuy nhiên, trong đợt tìm hiểu cơ hội đầu tư lần này, các doanh nghiệp Singapore hướng đến các dự án năng lượng xanh, khu công nghiệp xanh và nông nghiệp công nghệ cao.

Không chỉ Bình Phước, phía Singapore cũng đang quan tâm tới nhiều địa phương khác. Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM, ông Kho Ngee Seng Roy đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu để kết nối các doanh nghiệp Singapore tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các tỉnh này.

Đối với các địa bàn truyền thống mà Singapore đang đầu tư với nhiều dự án lớn như TP.HCM, Bình Dương, các nhà đầu tư Singapore tiếp tục rót vốn đầu tư mở rộng các dự án khu công nghiệp, các dự án bất động sản, thương mại, dịch vụ.

Tại Bình Dương, vào tháng 3/2022, Khu công nghiệp VSIP III do các nhà đầu tư Singapore đầu tư đã được động thổ. Dự án này tiếp tục đánh dấu mối quan hệ hợp tác phát triển bền vững giữa Việt Nam và Singapore sau thành công của các khu công nghiệp VSIP.

Sau khi hoàn thành, Khu công nghiệp VSIP III sẽ tập trung thu hút các dự án công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển thành khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững. VSIP III đã thu hút một số tập đoàn lớn như Lego và Pandora của Đan Mạch. Hiện nay, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Bình Dương với 275 dự án, tổng số vốn đầu tư 5,4 tỷ USD.

Còn tại TP.HCM, theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Singapore đứng đầu danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư tại TP.HCM trong 7 tháng qua, chiếm 42,17% tổng vốn FDI thu hút được của địa phương. Các thương nhân Singapore có 371 văn phòng đại diện đặt tại TP.HCM, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số gần 1.900 văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Xét trên bình diện thu hút đầu tư FDI toàn quốc, trong 7 tháng của năm 2022, Singapore đứng đầu với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt trên 4,3 tỷ USD.

Hướng đến các dự án “xanh”

Gần đây, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương ở phía Nam, phía nhà đầu tư Singapore luôn đặt câu hỏi liên quan đến ưu đãi trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Phước, nhà đầu tư Singapore cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các lĩnh vực này. Hồi đáp vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm, ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết, cùng với các chính sách ưu đãi chung của Chính phủ, tùy từng ngành nghề, địa bàn đầu tư, Bình Phước có những chính sách ưu đãi riêng liên quan đến tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp…

Đại sứ Singapore tại Việt Nam, ông Jaya Ratnam cho biết, kinh tế xanh là một trong 3 lĩnh vực đang hấp dẫn nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh logistics và kinh tế số. Các doanh nghiệp Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam để tăng cường đầu tư vào hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác, mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Wong Kim Yin, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sembcorp (Singapore) cho biết, Tập đoàn sẽ huy động các nguồn vốn đầu tư vào công nghệ xanh, những nhà máy sản xuất thế hệ mới, bền vững hơn.

Dự án mà Sembcorp đề cập chính là Khu công nghiệp VSIP III, rộng 1.000 ha tại thị xã Tân Uyên vừa được động thổ hồi tháng 3 năm nay. Dự án do liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và liên danh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp Development dẫn đầu, được thiết kế phát triển xanh, bền vững, tích hợp công nghệ thông minh và sử dụng các thiết bị giám sát theo thời gian thực trong các hoạt động của khu công nghiệp. Dự án đạt điều kiện để được cấp Chứng nhận xanh (Green Mark) của Cơ quan Quản lý xây dựng Singapore (BCA) đối với các khu công nghiệp. Điểm nổi bật của Khu công nghiệp VSIP III là trang trại năng lượng mặt trời rộng 50 ha sẽ cung cấp điện cho toàn khu công nghiệp.

Ngoài ra, Tập đoàn Sembcorp cũng triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 tại Trường đại học quốc tế Miền Đông (EIU) với mong muốn thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các nhà máy thông minh ở Bình Dương.

Một dự án năng lượng xanh khác cũng đầy hứa hẹn được Tập đoàn Điện lực SP (Singapore) cam kết đầu tư 750 triệu đô la Singapore (12.000 tỷ đồng) vào các giải pháp năng lượng bền vững tại Việt Nam cho đến năm 2025.

Ông Stanley Huang, Giám đốc điều hành Tập đoàn SP đánh giá, nhu cầu điện năng lượng mặt trời áp mái tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 6 - 7% mỗi năm. Theo đó, Tập đoàn SP dự định hỗ trợ Việt Nam thông qua các giải pháp năng lượng bền vững tại các thành phố, quận, thị xã và các khu công nghiệp với mục tiêu đạt 1,5 GW về quy mô tiện ích và các dự án năng lượng mặt trời áp mái tính đến năm 2025.

Như vậy, có thể thấy, khác với trước đây, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam lần này hướng đến các dự án công nghệ cao, dự án năng lượng sạch. Đây cũng là một trong những trọng tâm thu hút đầu tư của nhiều địa phương cũng như cả nước.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng của năm 2022, Việt Nam thu hút 15,54 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD; đứng thứ hai là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 3,25 tỷ USD.

Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN; đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính lũy kế đến hết ngày 20/7/2022, tổng vốn đăng ký các dự án còn hiệu lực của nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam đạt trên 69,8 tỷ USD. Các nhà đầu tư Singapore có dự án tại 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, sản xuất, phân phối điện…

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục