Hơn 20 năm qua, các chủ đầu tư Singapore đã phát triển hàng trăm dự án căn hộ, nhà ở và văn phòng cho thuê tại Việt Nam. Những cái tên tiêu biểu là Mapletree, CapitaLand, Frasers Property, Sembcorp Development, Keppel Land....
CapitaLand Development (Việt Nam) - chi nhánh phát triển của Tập đoàn CapitaLand đã giành được nhiều giải thưởng về phát triển xanh và bền vững cho các dự án tại Việt Nam. Nỗ lực phát triển bền vững đã được chứng minh qua các dự án đã hoàn thành, như Feliz en Vista, Vista Verde tại TP.HCM và Seasons Avenue tại Hà Nội, với các quy tắc xây dựng xanh được áp dụng trong thiết kế và xây dựng, đã nhận được chứng nhận Green Mark Gold của Cơ quan Xây dựng Singapore (BCA).
Tháng 2/2022, CapitaLand Development đã ký một biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bắc Giang để phát triển dự án khu công nghiệp, khu hậu cần và đô thị đầu tiên tại Việt Nam, với tổng trị giá khoảng 1 tỷ USD. Dự án này sẽ được thiết kế theo các tiêu chuẩn xanh với kế hoạch đạt được chứng chỉ LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ.
Frasers Property Vietnam - một nhà phát triển Singapore khác, cũng tiếp cận phát triển công trình xanh theo hướng chọn lựa nguồn cung ứng có trách nhiệm và nhà cung cấp sử dụng vật liệu xây dựng xanh đã được kiểm định và có uy tín cao trên thị trường.
Theo đó, Melinh Point, tòa nhà văn phòng hạng A của Frasers Property Vietnam tại trung tâm TP.HCM đã được nâng cấp với các tính năng xanh mới, áp dụng các công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường để chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng carbon thấp hơn. Worc@Q2, một tòa nhà văn phòng mới uy tín khác của Công ty đã sẵn sàng để nhận chứng nhận tòa nhà xanh với trọng tâm là các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đầu tư vào phân khúc đô thị hoặc nhà ở, các nhà phát triển Singapore còn đầu tư vào bất động sản công nghiệp. Điển hình là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) của liên doanh giữa Sembcorp Development (Singapore) và Becamex IDC (Việt Nam).
Được thành lập từ năm 1996, VSIP đã có khoảng chục dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trải dài khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam, bao gồm Bình Dương, Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng và Bắc Ninh. Tháng 3/2022, Khu công nghiệp VSIP III rộng 1.000 ha tại tỉnh Bình Dương đã được khởi công xây dựng.
VSIP III là dự án đánh dấu cột mốc mới của Liên doanh VSIP, bởi được thiết kế theo định hướng xanh và bền vững. Dự án được tích hợp công nghệ thông minh trong mọi hoạt động, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và đảm bảo an ninh. Giai đoạn I của Dự án rộng 100 ha đã đáp ứng đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ Green Mark của BCA, trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững nhất tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch HĐQT Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng, đã có hơn 30 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước muốn tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại VSIP III, tương đương diện tích đất dưới 180 ha và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư. “Chúng tôi sẽ phát triển khu công nghiệp này thành một trong những khu công nghiệp thông minh, xanh và bền vững nhất của cả nước, với các nhà máy điện mặt trời công suất lớn, cung cấp nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ cho các nhà máy và đóng góp vào chiến lược không carbon”, ông Hùng khẳng định.
Trên hành trình hướng tới một nền kinh tế xanh, đã đến lúc các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam cần tính đến các giải pháp bền vững về môi trường, nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, cũng như mang lại không gian sống trong lành hơn cho cư dân.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, sau hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam mới đạt hơn 200 công trình. Con số này còn quá khiêm tốn so với số lượng công trình đã xây dựng và đi vào hoạt động với tiềm năng và yêu cầu sử dụng năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tài nguyên là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng trên phạm vi toàn cầu. Lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm gần 40% lượng khí thải CO2 toàn cầu và chiếm khoảng 36% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với các lĩnh vực khác. Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam đòi hỏi sự tham gia và thay đổi tích cực của các doanh nghiệp bất động sản.
Cuối năm 2021, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các thành phần kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác, sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.