Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng về việc xin hàng loạt ưu đãi của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) - chủ đầu tư dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên.
Dự án này đã dừng hoạt động từ năm 2012 đến nay vẫn chưa thể hoạt động lại do nhà thầu - Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đang đòi bồi thường và chi phí thiết bị trả thêm 1.200 tỷ đồng. Năm 2012 khi dự án gặp khó khăn về tài chính, MCC đã rút về nước và đem theo hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị mà chưa bàn giao các hạng mục quan trọng cho nhà đầu tư.
SCIC cho biết, TISCO đã đạt được mục tiêu thuyết phục MCC cùng tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc của dự án, đồng thời tỏ thiện chí quyết tâm triển khai hoàn thành dự án. Tuy nhiên, phía nhà thầu Trung Quốc đang đòi bồi thường 57 triệu USD, trong đó có nhiều chi phí bồi thường, chi phí dịch vụ sau bán hàng, chi phí bàn giao, bảo quản, sửa chữa hiện trường, mua lại thiết bị… Đáng chú ý là khoản phí trả cho nhà thầu lắp đặt thiết bị chính lên tới 38,6 triệu USD.
"Một số chi phí nêu trên chưa phù hợp với các điều khoản trong hợp đồng đã được ký kết và quy định trong hợp đồng trọn gói của hai bên. Theo các điều khoản vừa thống nhất, hợp đồng với MCC không phải là EPC nữa mà MCC chỉ đóng vai trò là tổng thầu lắp đặt thiết bị, còn việc thực hiện do một công ty con của MCC đảm trách. Phần xây sẽ chuyển cho các công ty Việt Nam", SCIC cho biết thêm các điều này trái với chỉ đạo của Thủ tướng trước đó yêu cầu MCC chịu trách nhiệm toàn bộ công trình xây lắp.
Về phía TISCO, khoản bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc quá lớn khiến dự án buộc phải tăng vốn lên 9.031 tỷ, tức tăng thêm 927 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũng nhanh chóng loại bỏ hạng mục Cốc hoá - 633 tỷ đồng, nếu không số vốn cần tăng thêm sẽ là 1.560 tỷ đồng. Trước đó, năm 2008 theo yêu cầu của MCC, dự án đã tăng vốn lên 8.104 tỷ đồng, trong khi mức đầu tư ban đầu chỉ 3.843 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, SCIC đánh giá dự án không còn hiệu quả khi tính toán đầy đủ các chi phí theo quy định. Yếu tố rủi ro về tiêu thụ sản phẩm trong quá trình khai thác, vận hành là hiện hữu.
Chủ đầu tư khẳng định việc tăng vốn lên 9.031 tỷ đồng sẽ khiến dự án không có hiệu quả về kinh tế, nếu giá bán phôi thép giảm 6% so với dự báo…, do đó đã đề nghị giảm vốn đầu tư xuống 7.871 tỷ đồng.
Với phương án giảm vốn, dự án sẽ có tỷ suất sinh lời khoảng 10,78%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng phải chịu là 9,38%, thời gian thu hồi vốn cho dự án là 17 năm.
Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, SCIC đánh giá dự án không còn hiệu quả khi tính toán đầy đủ các chi phí theo quy định. Yếu tố rủi ro về tiêu thụ sản phẩm trong quá trình khai thác, vận hành là hiện hữu. Thực tế trong năm 2015, giá phôi thép nhập khẩu của Trung Quốc chỉ 6,5-7 triệu đồng một tấn, thấp hơn nhiều mức giả định của TISCO.
"Về lâu dài, thị trường thép vẫn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung dư thừa trong nước. Các giả định chưa thể kiểm soát được do dự án có độ nhạy rất lớn. Hiệu quả dự án đến lúc này là chưa thể khẳng định", SCIC cho biết. Đây cũng là đơn vị đã góp hơn 1.000 tỷ đồng vào triển khai dự án.
Mặc dù chưa khẳng định hiệu quả, song dựa trên báo cáo của TISCO, SCIC vẫn kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương xin miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dụng cụ nhập khẩu phục vụ dự án, thuế nhà thầu, không tính phần thuế VAT. Đồng thời miễn, giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động. Giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỷ đồng, trong đó xin các ưu đãi về thuế là 529 tỷ, chi phí lãi vay trong thời gian dừng hoạt động 629 tỷ đồng. Đồng thời yêu cầu phía TISCO tính toán lại chính xác tổng mức đầu tư điều chỉnh, hiệu quả dự án và báo cáo Thủ tướng phê duyệt thực hiện.
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được khởi công xây dựng vào năm 2007 đến nay sau gần 10 năm vẫn chưa thể hoàn thành. Thiếu vốn, dự án nằm phơi nắng suốt 4 năm, tổng mức đầu tư đội vốn lên nghìn tỷ đồng đã đẩy dự án đứng trước nguy cơ thành đống sắt gỉ nếu không được cho hưởng thêm các ưu đãi.